Nhờ tấm nhạc này như là một “bằng chứng” bằng chữ nghĩa thì không cãi vào đâu được. Tờ nhạc gấp này xuất hiện từ thời… lâu lắm và đã biến mất trong thời đại này.
Thật ra không biết dùng từ gì cho chính xác để nói về một sản phẩm âm nhạc hết sức đặc biệt này. Nhạc tờ, nhạc lá, bản nhạc, nhạc tờ hay tờ nhạc gấp đều được dùng để nói về một tờ giấy khổ A lớn gấp đôi thành A4, có bốn trang. Trang đầu là bức tranh và in tựa đề nói về nội dung bài hát. Hai trang giữa là những dòng kẻ, ký âm những hình nốt tương ứng với từng lời và những chỉ dẫn về nhịp điệu, cung. Theo như tài liệu mà tôi được biết, “cha đẻ” loại tờ nhạc này chính là ông Tăng Duyệt, Giám đốc NXB Tinh Hoa (Huế). Sau lưng bìa 4 của tờ nhạc có in rõ tôn chỉ của NXB Tinh Hoa như sau: “Để biểu dương một nguồn âm nhạc Việt Nam mới trên nền tảng văn hóa và nghệ thuật, NXB Tinh Hoa đã và sẽ lần lượt trình bày những nhạc phẩm chọn lọc giá trị nhất của các nhạc sĩ chân chính với một công trình ấn loát mỹ thuật để hiến các bạn yêu âm nhạc góp thành một tập nhạc quý”.
Tấm nhạc gấp bài Con đường xưa em đi như là một “bằng chứng” bằng chữ nghĩa.
Trước đó, vào tháng 9-1938, báo Ngày Nay đã đăng những bài tân nhạc đầu tiên như Bông cúc vàng, Kiếp hoa của Nguyễn Văn Tuyên, Bình minh, Ðàn xuân của Nguyễn Xuân Khoát, Khúc yêu đương của Thẩm Oánh, Bản đàn xuân của Lê Thương, Ðám mây rừng của Phạm Ðăng Hinh, Ðường trường của Trần Quang Ngọc. Báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy có đăng bản Con thuyền không bến của Ðặng Thế Phong nhưng vì là báo nên không phổ biến rộng rãi đến công chúng bằng những tờ nhạc gấp của NXB Tinh Hoa.
Trong suốt 11 năm tồn tại (nếu ra đời từ năm 1945), NXB Tinh Hoa của ông Tăng Duyệt đã tập hợp và xuất bản những tác phẩm gần 500 ca khúc của hầu hết nhạc sĩ tiền bối từ trước đến nay như Văn Cao, Phạm Duy, Trần Hoàn, Văn Giảng (tức Thông Đạt), Thẩm Oánh, Hùng Lân, Dương Thiệu Tước, Phạm Đình Chương, Nguyễn Văn Thương, Nhật Bằng, Nguyễn Mỹ Ca, Hoàng Trọng, Hoàng Giác, Thu Hồ, Anh Việt, Lê Thương, Lưu Hữu Phước, Canh Thân, Tô Vũ, Phan Huỳnh Điểu, Ngọc Trai, Dương Minh Nình, Văn Phụng, Hoàng Thi Thơ…
Tiếp theo sự ra đời của NXB Tinh Hoa, một loạt NXB đã ra đời sau đó như Thế Giới (Hà Nội), Sống Chung, Á Châu (Sài Gòn), An Phú, Hương Thu - Phương Mộc Lan (1949) - Diên Hồng, Nguyên Thảo - Phạm Thế Mỹ, Tiếng Bạn, Sóng Lúa, Tinh Hoa Miền Nam (hậu thân của Tinh Hoa do nhạc sĩ Lê Mộng Bảo phụ trách), Minh Phát, Lửa Hồng…
Những người sưu tầm thì mua ngay khi có nhạc phẩm mới được xuất bản rồi sau đó đóng lại thành tập. Nhờ vậy, những bản nhạc từ những ngày đầu mới còn được lưu giữ trong tay một số nhà sưu tầm. Vô cùng bồi hồi khi xem lại từng tờ nhạc Tinh Hoa (thời ông Tăng Duyệt), An Phú, Phương Mộc Lan, Sống Chung… khi thấy rằng lịch sử, lòng yêu nước được thể hiện rất thành công và còn vang vọng đến hôm nay như nhiều tác phẩm của những nhạc sĩ tiền bối như Hò kéo gỗ Bạch Đằng Giang của Văn Cao - Đỗ Hữu Ích, Thăng Long hành khúc (nhạc Văn Cao, lời Văn Cao - Đỗ Hữu Ích, Tinh Hoa 1955)...
Nếu như ngày hôm nay ta không thường được nghe lại những bản nhạc này thì chính tờ nhạc lại là “vật chứng” cho một thời kỳ hào hùng trong thời kỳ nhạc mới. Các nhạc sĩ lớn trong sử nhạc Việt Nam như Nguyễn Văn Thương, Dương Minh Ninh, Hiếu Nghĩa, Thẩm Oánh, Văn Cao, Phạm Duy, Lê Trực (sau này là Hoàng Việt)… đều dùng nhạc “cải cách” để “khóc cười theo vận nước nổi trôi” và “quyết tiến ta giống dân Lạc Hồng. Liều thân sống ta quyết giữ gìn non sông”…
Bây giờ, thời đại kỹ thuật quá ư tối tân, chỉ cần vào “chú Guc” (Google) là có thể tìm ngay lời nhạc để ngân nga. Nhưng làm sao có cái thú vị bằng khi cầm tờ nhạc gấp trong tay như là một tác phẩm nghệ thuật. Từ cái bìa nhạc in tranh của những danh họa đến những dòng kẻ nhạc với chữ viết tay của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn. Tờ nhạc gấp không chỉ là một nghệ phẩm thông thường, đôi khi còn là một món quà kỷ niệm của những ngày không thể quên.
Và đôi lúc nó lại là vật chứng cho một thời gian của dòng lịch sử âm nhạc mà chỉ những người sưu tầm, biết lưu giữ những tờ nhạc gấp mới hiểu được giá trị tinh thần của nó…