E-Court là sáng kiến từ một tổ chức phi chính phủ do nữ luật sư nổi tiếng Henriette Nakad đứng đầu. Trước khi chuyển sang chuyên tâm với tòa án ảo, H.Nakad từng làm việc lâu năm tại Công ty luật Nauta Dutilh đầy uy tín. "Qua phương thức trực tuyến chúng tôi sẽ giải quyết các vụ tranh chấp nhanh hơn, cũng như ít phí tổn hơn so với hệ thống tư pháp chính thống", nữ luật gia giải thích với ký giả của nhật báo De Telegraaf ấn hành ở thủ đô Amsterdam.
Nữ luật sư Henriette Nakad - Người sáng lập Tòa án điện tử
Quả thực theo số liệu điều tra riêng từ phóng viên bản báo, thì trung bình các phán quyết do E-Court đưa ra chỉ gói gọn trong vòng 8-12 tuần lễ, trong khi tại tòa án các cấp phải mất tới... 61 tuần lễ. Còn phí tổn án sơ thẩm xê dịch từ 446 đến 1.563 euro, phúc thẩm từ 743 đến 1.653 euro đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT); nghĩa là rẻ hơn gấp nhiều lần so với mức án phí chính thức đang được áp dụng ở các cơ quan tư pháp nhà nước - cỡ 100.000 euro/vụ.
E-Court tập trung phân xử các vụ kiện tụng giữa những người hàng xóm với nhau, hay tranh chấp giữa chủ sử dụng lao động và người làm công, cũng như những khoản vay mượn nợ nần có giá trị ít... Hiện Tòa án điện tử có 20 thẩm phán tuy làm việc theo hợp đồng, nhưng luôn tuân thủ tiêu chí nghiêm ngặt mà luật pháp ấn định cho những người hành nghề tố tụng. Bất cứ thành viên nào thuộc E-Court dù là quan tòa, thầy cãi, hay công chứng viên cũng phải có chí ít 7 năm thâm niên trong lĩnh vực chuyên môn tương ứng. Vậy Tòa án điện tử hoạt động như thế nào?
"Rất đơn giản - luật sư H.Nakad giải thích - Đầu tiên nguyên đơn sẽ gửi qua thư điện tử đến trang web của tòa vấn đề muốn phân xử, rồi tòa sẽ mời các bên liên quan theo dõi trực tuyến phiên xử. Sau khi cân nhắc mọi yêu cầu ràng buộc, luật sư của cả bên nguyên lẫn bên bị tiến tới thống nhất hướng giải quyết, để cuối cùng phán quyết sẽ được in ra giấy có công chứng hẳn hoi.
Riêng đối với những khoản nợ vượt quá 40.000 euro, E-Court sẽ thu xếp để gặp mặt trực tiếp các nhân chứng vào tuần lễ thứ 5 kể từ thời điểm mở phiên xử. Việc này sẽ diễn ra tại 1 trong 31 văn phòng đại diện án điện tử rải khắp đất nước, ngõ hầu kịp đóng lại vụ án theo lịch trình ngắn gọn đã định".
Nhiều người nêu thắc mắc, rằng các thủ tục "rối rắm" qua mạng có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng của các quyết định tư pháp. "Hoàn toàn ngược lại là đằng khác! - H.Nakad lên tiếng khẳng định - Internet bảo đảm tính khách quan tuyệt đối. Đây là điều ưu tiên hàng đầu cho giới xử án, bởi họ hoàn toàn có thể tập trung vào việc xét xử ngay, hơn hẳn tệ quan liêu giấy tờ cố hữu ngoài đời".
Toà án ảo là cách tốt nhất giải quyết các tranh cấp vừa rẻ lại đỡ mất thời gian
Với tính hiệu lực từ các phán quyết, sáng lập viên của E-Court cho biết là luật pháp Hà Lan coi mọi văn bản được công chứng đều có giá trị pháp lý mà các bên hữu quan buộc phải chấp hành. Thuật ngữ của Tòa án điện tử cũng tương tự như trong các bản án dân sự bình thường khác, điều cốt lõi là chia xẻ một phần gánh nặng cho tòa án các cấp, nhất là trong mảng án thông dụng tồn đọng bấy lâu.
Hình thức xét xử trực tuyến đã tạo thuận lợi cho mọi công dân, nhất là những ai muốn cậy nhờ chốn pháp đình nhưng ngại mức phí tổn cao cùng thời gian kéo dài. Hiện mỗi tháng E-Court đã xử thành công chừng 1.000 vụ án, còn trong kế hoạch dài hạn có thể xem xét đến 10.000 vụ/tháng.
"Tuy nhiên E-Court lại không tham gia giải quyết các vụ ly dị, bởi án xử ly hôn thường đi kèm việc phân chia con cái... Trường hợp nhạy cảm đòi hỏi sự tế nhị này không thể phân xử theo phương thức ảo được", bà Henriette Nakad giãi bày.
Theo Kim Dung (ANTG/De Telegraaf)