Tòa bác kháng cáo của bị cáo vụ quơ máy đục bê tông gây thương tích 27%

(PLO)- TAND tỉnh Hậu Giang cho rằng việc thực nghiệm điều tra không phải là thủ tục tố tụng bắt buộc trong giải quyết vụ án hình sự.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 1-12, sau thời gian nghị án kéo dài, TAND tỉnh Hậu Giang tuyên án vụ cố ý gây thương tích xảy ra trên địa bàn TP Vị Thanh hồi tháng 10-2021. Bị cáo trong vụ ánNguyễn Bảo Quốc (SN 1979) và bị hại LTHT (SN 1969).

Video: Tòa bác kháng cáo của bị cáo vụ quơ máy đục bê tông gây thương tích 27%.

Theo đó, HĐXX tuyên không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Quốc. Cụ thể, theo hồ sơ vụ án và tranh luận tại phiên xử phúc thẩm, HĐXX xác định ngày 9-10-2021, tại khu vực 1, phường 7, TP Vị Thanh, bị cáo Quốc đã thực hiện hành vi dùng máy đục bê tông nặng 14,9kg quơ trúng đầu bị hại T, ti lệ tổn thương cơ thể là 27%.

TAND tỉnh Hậu Giang bác kháng cáo của bị cáo vụ quơ máy đục bê tông gây thương tích 27%
TAND tỉnh Hậu Giang khẳng định tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bảo Quốc 2 năm 6 tháng tù tội cố ý gây thương tích là có căn cứ. Ảnh: CHÂU ANH

Tòa cấp phúc thẩm khẳng định với hành vi và hung khí mà bị cáo đã sử dụng gây thương tích cho bị hại, tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Quốc 2 năm 6 tháng tù tội cố ý gây thương tích là có căn cứ.

Phân tích việc cấp sơ thẩm không tiến hành thực nghiệm điều tra, HĐXX cho rằng tại Điều 204 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định để kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống của một sự việc nhất định nhằm tiến hành thực nghiệm các tình tiết cần thiết.

“Như vậy, thực nghiệm điều tra không phải là thủ tục tố tụng bắt buộc trong giải quyết vụ án hình sự. Do đó, việc cấp sơ thẩm không thực nghiệm điều tra là có thiếu sót, tuy nhiên, thiếu sót này không phải là sai phạm nghiêm trọng trong tố tụng.

Mà việc thực nghiệm điều tra chỉ là một trong các hoạt động nhằm mục đích xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án. Trong vụ án này, các tài liệu chứng cứ thu thập đã đủ chứng minh hành vi phạm tội của người thực hiện tội phạm, nên không cần thiết phải hủy án sơ thẩm" - HĐXX nhận định.

vu-quo-may-duc-be-tong-gay-thuong-tich-1.jpg
TAND tỉnh Hậu Giang tuyên không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Quốc. Ảnh: CHÂU ANH

TAND tỉnh Hậu Giang cũng cho rằng chứng cứ để xác định hành vi và tội danh của bị cáo cũng xuất phát từ lời khai của ba người làm chứng, đó là những người do bị cáo thuê đục bê tông. Những người này được xác định là không có quan hệ họ hàng thân thích hay có mâu thuẫn với bị cáo, bị hại. Do đó, lời khai của những người làm chứng này là khách quan và phù hợp với diễn biến của vụ việc được thể hiện trong tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.

Xử sơ thẩm hồi tháng 9-2023, TAND TP Vị Thanh xác định ngày 9-10-2021, bị cáo Quốc đang cầm máy đục bê tông thì bà T từ trong nhà chạy ra dùng tay đẩy từ phía sau làm bị cáo té ngã vào tường.

Khi bà T vừa quay mặt lại định đi vào nhà thì Quốc hai tay cầm máy đục bê tông quơ về hướng bên trái ra phía sau trúng vào vùng đầu và cổ bên phải của bà T, làm bà té xuống nền gạch. Kết quả giám định tỉ lệ thương tích của bà T là 27%.

Từ đó, TAND TP Vị Thanh tuyên phạt bị cáo Quốc 2 năm 6 tháng tù, đồng thời buộc bị cáo có trách nhiệm bồi thường cho bị hại số tiền hơn 58 triệu đồng. Không chấp nhận phán quyết của tòa cấp sơ thẩm, cả bị cáo và bị hại đều kháng cáo.

Trong đó, bị cáo Quốc kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, cho rằng bản thân không có hành vi cố ý dùng máy đục bê tông gây thương tích cho bà T. Còn bị hại kháng cáo vì cho rằng mức hình phạt tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo còn quá nhẹ và bị hại cũng đề nghị tòa cấp phúc thẩm xem xét tăng tiền bồi thường.

Chấp nhận một phần kháng cáo của bị hại

Đối với kháng cáo của bị hại yêu cầu tăng mức hình phạt cho bị cáo và tăng mức bồi thường, TAND tỉnh Hậu Giang tuyên chấp nhận một phần kháng cáo. Theo đó, tuyên buộc bị cáo có trách nhiệm bồi thường cho bị hại tăng từ hơn 58 triệu đồng lên hơn 81 triệu đồng.

Theo HĐXX, tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo mức án 2 năm 6 tháng tù là tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Hơn nữa bị hại kháng cáo đề nghị tăng nặng mức hình phạt nhưng tại phiên phúc thẩm không có phát sinh tình tiết tăng nặng mới.

Riêng kháng cáo về trách nhiệm dân sự, HĐXX xác định tòa cấp sơ thẩm xác định và chấp nhận mức chi phí điều trị của bị hại là hơn 116 triệu đồng. Đồng thời, cho rằng vụ việc xảy ra cũng có phần lỗi của bị hại nên phải tự gánh chịu phân nửa số tiền điều trị, do đó đưa ra mức bồi thường là hơn 58 triệu đồng.

Tuy nhiên, TAND tỉnh Hậu Giang cho rằng dù bị hại là một phần nguyên nhân dẫn đến xảy ra sự việc, nhưng thương tích của bị hại hoàn toàn là do hành vi cố ý trực tiếp của bị cáo gây ra. Từ đó, HĐXX thống nhất với đề nghị của đại diện VKS, chấp nhận kháng cáo của bị hại, tăng mức bồi thường lên 70% tổng số tiền điều trị thương tích.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm