Ngày 25-1, TAND tỉnh Hậu Giang đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án cố ý gây thương tích xảy ra trên địa bàn TP Vị Thanh hồi tháng 10-2021, do có kháng cáo của bị cáo Nguyễn Bảo Quốc (SN 1979) và bị hại LTHT (SN 1969).
Kết thúc phần tranh luận, HĐXX tuyên nghị án kéo dài, đồng thời ấn định thời gian tuyên án là 13 giờ 30 ngày 1-2.
Trước đó, xử sơ thẩm ngày 19-9-2023, TAND TP Vị Thanh tuyên phạt bị cáo Quốc 2 năm 6 tháng tù tội cố ý gây thương tích. Đồng thời, tuyên buộc bị cáo có trách nhiệm bồi thường số tiền hơn 58 triệu đồng cho bị hại T.
Không đồng tình với phán quyết của TAND TP Vị Thanh, bị cáo Quốc kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Theo đó, bị cáo Quốc cho rằng bản thân không có hành vi cố ý dùng máy đục bê tông gây thương tích cho bà T. Cạnh đó, bị hại kháng cáo vì cho rằng mức hình phạt tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo còn quá nhẹ và bị hại cũng đề nghị tòa cấp phúc thẩm xem xét tăng tiền bồi thường.
Tại phiên xét xử phúc thẩm, bị cáo Quốc nói trong ngày xảy ra vụ án, trong lúc khoan đục bê tông thì bị cáo bất ngờ bị bà T xô từ phía sau. Do đó, bị cáo đã buông máy đục bê tông ra và quay lại thì thấy bà T đã nằm ngã sấp mặt xuống đất.
“Bị cáo ngã sấp mặt vào tường nên không thấy phía sau, nhưng khi quay lại thì thấy bị hại ngã trên đất. Theo phán đoán của bị cáo, có thể bị hại trong lúc xô bị cáo bị mất đà nên té. Bị cáo hoàn toàn không có hành vi dùng máy đục bê tông gây thương tích như cáo trạng nêu” - bị cáo Bảo khai tại phiên xử phúc thẩm.
Ngoài ra, bị cáo Bảo cũng bày tỏ không đồng tình với việc cơ quan tố tụng căn cứ vào kết luận giám định của Viện Pháp y quốc gia tại Hà Nội để truy tố bị cáo tội cố ý gây thương tích. Theo bị cáo, Phân viện Pháp y quốc gia tại TP.HCM không xác định được tỉ lệ phần trăm tổn thương cơ thể. Thế nhưng, sau đó, Viện Pháp y quốc gia tại Hà Nội kết luận tổng tỉ lệ thương tích tổn hại đến sức khỏe bà T là 27%, cơ chế hình thành do vật tày tác động trực tiếp vào vùng đầu là chưa phù hợp.
Hai luật sư bào chữa cho bị cáo cũng cho rằng việc cơ quan tố tụng chỉ căn cứ vào kết luận giám định của Viện Pháp y quốc gia tại Hà Nội để buộc tội bị cáo là chưa thỏa đáng. Bởi vì kết luận giám định của Phân viện Pháp y quốc gia tại TP.HCM cũng cần được xem xét như chứng cứ chứng minh bị cáo vô tội.
Cạnh đó, việc cơ quan điều tra đã không tiến hành thực nghiệm hiện trường, không làm rõ các chi tiết máy đục nặng gần 15kg nhưng giơ cao 1,6m để gây thương tích cho bị hại là đúng sự thật hay không? Mặt khác, cần xem xét đến cơ chế hình thành vết thương và xác định những vết thương trên đầu bà T đúng là do bị cáo dùng máy đục bê tông gây ra hay không?
Trong khi đó, theo vị đại diện VKS, bản án 2 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Bảo là phù hợp, không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của bị cáo, do đó, đề nghị tòa cấp phúc thẩm giữ nguyên bản bản sơ thẩm. Vị đại diện VKS cũng đề nghị HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo của bị hại, chấp nhận mức bồi thường từ 60-70% tổng số tiền điều trị của bị hại.
Tại bản án sơ thẩm, TAND TP Vị Thanh kết luận ngày 9-10-2021, bị cáo Quốc đang cầm máy đục bê tông thì bà T từ trong nhà chạy ra dùng tay đẩy từ phía sau làm bị cáo té ngã vào tường.
Khi bà T vừa quay mặt lại định đi vào nhà thì Quốc hai tay cầm máy đục bê tông quơ về hướng bên trái ra phía sau trúng vào vùng đầu và cổ bên phải của bà T, làm bà té xuống nền gạch. Kết quả giám định tỉ lệ thương tích của bà T là 27%.