Ngày 23-8, Lãnh đạo TAND Cấp cao tại TP.HCM đã lên kế hoạch phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho cơ quan.
Trước tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại các các tỉnh miền Nam nói chung, tại địa bàn TP.HCM nói riêng, Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM ban hành kế hoạch ứng phó dịch bệnh COVID -19 với ba phương án.
Trụ sở TAND cấp cao tại TP.HCM tại TP.Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: H.YẾN
Kịch bản thứ nhất là công chức, người lao động của cơ quan thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Chính phủ và của thành phố.
Cụ thể là dừng tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, hạn chế tối đa việc tập trung đông người; tăng cường làm việc giao ban trực tuyến từ xa qua các phương tiện điện tử như điện thoại, Zalo, Viber, Email…
Tạm dừng việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng và các tài liệu, chứng cứ cho cơ quan tổ chức, cá nhân bằng phương thức trực tiếp mà thực hiện qua các phương thức khác như qua dịch vụ bưu chính, phương tiện điện tử, các phương thức khác theo quy định của pháp luật tố tụng.
Trường hợp vụ án đã hết thời hạn giải quyết (kể cả thời gian gia hạn) và bắt buộc phải mở phiên tòa theo quy định của pháp luật tố tụng thì phải đảm bảo đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Các bộ phận công việc bắt buộc phải có nhân sự làm việc toàn thời gian tại cơ quan đó là văn phòng, phòng hành chính tư pháp, các tòa chuyên trách, các phòng giám đốc kiểm tra, cán bộ quản lý, công chức làm công tác tổng hợp thụ lý. Lãnh đạo làm việc toàn thời gian tại trụ sở do Chánh án quyết định theo danh sách phân công riêng.
Kịch bản thứ hai là công chức, người lao động TAND Cấp cao bị cách ly y tế hoặc ở trong vùng bị phong tỏa.
Các cá nhân này tuyệt đối không đến trụ sở cơ quan và phải chủ động khai báo y tế. Trong thời gian bị cách ly hoặc phong tỏa, cá nhân chuyển sang chế độ làm việc từ xa thông qua các phương tiện điện tử và giữ liên lạc thường xuyên với đồng nghiệp, lãnh đạo cơ quan, đơn vị…
Kịch bản thứ ba là khi có công chức, người lao động bị nhiễm bệnh đã di chuyển tới trụ sở cơ quan trong phạm vi thời gian điều tra dịch tễ của cơ quan y tế hoặc trụ sở cơ quan ở trong vùng bị phong tỏa.
Trường hợp này ngoài khẩn trương thực hiện các bước cần thiết thì liên hệ ngay trung tâm y tế quận phối hợp việc phun thuốc khử khuẩn; tạm dừng mở các phiên toà, phiên họp, tạm dừng việc triệu tập các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân đến toà đối với các vụ việc đang còn trong thời hạn giải quyết theo quy định pháp luật tố tụng.
Đáng chú ý là trường hợp trụ sở cơ quan bị phong tỏa, tất cả các cá nhân làm việc tại trụ sở nếu không bị cách ly tại chỗ thì không được đến trụ sở cơ quan mà chuyển sang phương án làm việc tại nhà cho đến khi trụ sở cơ quan được dỡ bỏ lệnh phong tỏa.