Điều 196 BLTTHS năm 2003 về giới hạn của việc xét xử có quy định Tòa án có quyền xét xử khoản khác nặng hơn với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật.
Vậy trong quyết định đưa vụ án ra xét xử có phải ghi rõ khoản nặng hơn mà tòa án sẽ xét xử không? Nếu không ghi rõ thì có bị xem là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vì ảnh hưởng đến quyền bào chữa của bị cáo không?
TAND Tối cao vừa hướng dẫn quy định này như sau:
Trường hợp nêu trên, tòa án trả hồ sơ để VKS truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết.
Nếu VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố thì tòa án có quyền xét xử bị cáo về khoản nặng hơn.
Trong trường hợp này, quyết định đưa vụ án ra xét xử phải ghi rõ tội danh, điều, khoản của BLHS mà VKS truy tố và điều, khoản của BLHS mà tòa án sẽ xét xử để bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo;
Nếu quyết định đưa vụ án ra xét xử không ghi rõ tội danh, điều, khoản của BLHS mà VKS truy tố và điều, khoản của BLHS mà tòa án sẽ xét xử là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Bị cáo Nguyễn Quang Tuấn (Bình Phước) bị VKS tỉnh truy tố về tội giết người theo khoản 2 Điều 93 BLHS (có khung hình phạt từ bảy đến 15 năm tù), nhưng tòa dự kiến sẽ xét xử bị cáo theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS (có khung hình phạt đến tử hình). Ảnh minh họa: N.ĐỨC
Do đó, khi BLTTHS năm 2015 có hiệu lực thi hành thì trong quyết định đưa vụ án ra xét xử tòa án phải ghi rõ tội danh, điều, khoản của BLHS mà VKS truy tố và tội danh, điều, khoản của BLHS mà tòa án sẽ xét xử.