Tòa giao con cho mẹ, cha giữ rịt

Bà G. và ông L. kết hôn vào năm 2010, quá trình chung sống có một con chung là cháu T. (sinh năm 2011). Do hai bên phát sinh mâu thuẫn nên tháng 8-2015 bà G. nộp đơn ra tòa yêu cầu được ly hôn với ông L. Tháng 11-2016, TAND quận 5, TP.HCM xử sơ thẩm, tuyên chấp nhận cho ly hôn và giao cháu T. cho ông L. nuôi, ông không yêu cầu cấp dưỡng. Bà G. kháng cáo bản án theo hướng muốn giành quyền nuôi con.

Giành con trước cổng trường

Ngày 24-4, TAND TP.HCM xử phúc thẩm và chấp nhận kháng cáo của bà G., tuyên giao cháu T. cho bà trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng và không yêu cầu cấp dưỡng. Tòa nhận định cháu T. sống với cha mẹ từ nhỏ, có hộ khẩu thường trú và tạm trú cùng mẹ, bà G. có nghề nghiệp ổn định với thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Trong khi ông L. là nhân viên giao nhận thực phẩm, thường làm việc về đêm, thu nhập bình quân chỉ khoảng 7 triệu đồng/tháng.

Mặt khác, việc giao cháu T. cho mẹ trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng không chỉ thỏa mãn về tình cảm, giới tính mà còn thuận lợi về các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính đối với cháu bé.

Ngoài ra, ông L. từng có hành vi thiếu thiện chí, cản trở bà G. thăm con và đã bị UBND phường 14 (quận 5) lập biên bản ghi nhận sự việc. Từ những phân tích trên, HĐXX căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của trẻ, điều kiện sinh hoạt, mức thu nhập, tình cảm, giới tính đã chấp nhận kháng cáo của bà G. Thời điểm này cháu T. đang sống cùng ông L.

Sau khi bà G. làm đơn yêu cầu thi hành án (THA) thì ngày 26-7 Chi cục THA quận 5 đã ra quyết định THA, yêu cầu ông L. phải giao con chung cho bà G. theo bản án. Tuy nhiên, hết thời hạn 10 ngày tự nguyện THA, ông L. đã không giao cháu T.

Bà G. dù được tòa cho quyền nuôi con nhưng bị chồng cũ ngăn cản. Ảnh: YC

Tại biên bản làm việc với THA vào ngày 9-8 , ông L. trình bày rằng hiện tại cháu T. sống cùng gia đình ông vui vẻ và hạnh phúc, ông từng khuyên cháu về sống với mẹ nhưng cháu không chịu và khóc nhiều. Trong buổi này, ông L. đồng ý để THA giao con cho bà G. vào 14 giờ 30 ngày 24-8, tại nhà riêng của ông trên đường Nguyễn Trãi (quận 5). Thậm chí nếu cháu T. vẫn không đồng ý thì ông sẽ khuyên bảo thêm.

Từ đó Chi cục THA quận 5 đã ban hành thông báo ấn định ngày 24-8 sẽ tiến hành giao cháu T. cho bà G. chăm sóc, nuôi dưỡng như đề nghị của ông L. Tuy nhiên, đúng hẹn, khi chấp hành viên (CHV) cùng bà G. tới nhà thì cửa khóa và gọi điện thoại thì không liên lạc được với ông L.

Ngày 29-8, bà G. đến trường tiểu học thì thấy cháu T. tan học ra về, cùng lúc này cô ruột và ông L. cũng chờ đón bé tại cổng trường. Khi nhìn thấy con, bà G. vội chạy đến ôm thì cô ruột của cháu T. liền ôm cháu chạy ngược vào trường và ông L. la lên là có người bắt cóc trẻ. Hai bên xảy ra giằng co, gây ồn ào trước cổng trường nên Công an phường 14 (quận 5) đã đến và mời về làm việc.

Sẽ cưỡng chế giao trẻ

Tại trụ sở công an phường, bà G. cho rằng tòa đã giao cháu T. cho bà, phía ông L. cũng đã đồng ý nên bà đến trường đón con về nuôi. Nhưng phía ông L. vẫn không đồng ý. Tại buổi làm việc này, công an phường cũng mời cán bộ tư pháp và Hội Phụ nữ của phường. Sau đó tư pháp phường cũng báo cho CHV - người đang trực tiếp giải quyết việc đến chứng kiến sự việc. Cuối cùng công an phường đã lập biên bản ghi nhận sự việc vì hai bên không ai chịu nhường ai.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 5-9, ông Vũ Thanh Xuân, Chi cục trưởng Chi cục THA quận 5, khẳng định việc cưỡng chế giao cháu T. cho bà G. sẽ được thực hiện.

Theo ông Xuân, thời gian qua CHV đã tích cực động viên, thuyết phục ông L. tự nguyện chấp hành án, giao cháu T. cho bà G. Bản thân ông L. và gia đình cũng đã cam kết tự nguyện giao con vào ngày 24-8 nhưng lại không thực hiện đúng.

“Sắp tới cơ quan THA sẽ phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội tại địa phương tiếp tục động viên, thuyết phục ông L. tự nguyện THA. Nếu ông L. không tự nguyện chấp hành án thì CHV sẽ ra quyết định cưỡng chế, buộc ông L. phải giao cháu T. Còn khi ông L. không thực hiện quyết định cưỡng chế thì THA sẽ ra xử phạt vi phạm hành chính theo luật hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án” - ông Xuân nhấn mạnh.

Cũng theo ông Xuân, để giảm bớt căng thẳng giữa hai bên, tránh việc giành con và xảy ra xô xát, CHV sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc giải thích các quy định của pháp luật. Ngoài ra THA sẽ vẫn phối hợp với chính quyền địa phương động viên, thuyết phục các bên kiềm chế nóng nảy, không để xảy ra xô xát tiếp theo.

Ông Xuân nói: “THA sẽ động viên ông L. và bà G. theo hướng phải biết đặt lợi ích của cháu T. lên trên hết, tránh va chạm với nhau làm căng thẳng thêm tình hình, ảnh hưởng đến tâm sinh lý của cháu…”. Trong quá trình động viên, thuyết phục, nếu hai bên đương sự có thỏa thuận khác về việc chăm sóc, nuôi dưỡng con thì THA sẽ thi hành theo thỏa thuận này.

Nỗi lòng người mẹ…

Bà G. kể ngay từ ngày bà và ông L. xảy ra mâu thuẫn, nhiều lần ông L. chở cháu T. đi nơi khác chừng nửa tháng hoặc một tháng, khi bà yêu cầu thì ông mới chở con về. Trước khi tòa sơ thẩm mở phiên xử, ông L. chở con đi luôn, từ đó bà không biết tin tức gì của con nữa. Thời gian chuẩn bị ra tòa, bà từng nhiều lần yêu cầu ông L. chở con về nhưng không được. Sau khi khiếu nại đến chính quyền thì ông L. cho bà gặp con hai lần nhưng kể từ tháng 4-2017 đến nay ông L. đã giữ rịt cháu T., không cho gặp nữa.

Khi tòa phúc thẩm chấp nhận kháng cáo giao con cho bà chăm sóc, nuôi dưỡng, bà rất vui mừng. Những tưởng sau phán quyết của tòa thì mẹ con sẽ được gặp nhau nhưng việc ông L. không hợp tác đã cản trở tình cảm của hai mẹ con. Nhiều lần THA mời bà và ông L. cùng đến làm việc nhưng chỉ có bà đến, ông L. đều không đến, tỏ ra bất hợp tác.

Bà G. nghẹn ngào: “Vì quá thương nhớ con nên tôi đã đến trước cổng trường. Khi nhìn thấy con, vì không kìm lòng được, tôi chạy tới ôm con nên xảy ra việc ồn ào. Kể từ ngày ông L. đưa con đi, lúc nào tôi cũng thương nhớ con và mong gặp con da diết, tôi không cần gì hết, chỉ mong sao sớm được gặp con…”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới