Tòa giao đất lộ giới, THA đau đầu

Bà Lê Thị Tuyết Nga (xã Tân Tiến, TP Vị Thanh, Hậu Giang) hiện đang rất thắc mắc tại sao đất của mình (nằm trong phạm vi lộ giới quốc lộ 61) nhưng lại bị tòa giao cho người khác. Cơ quan thi hành án (THA) cũng đau đầu về cách phán quyết của tòa.

Theo hồ sơ, mấy năm trước bà Nga bị ông hàng xóm đòi lại hơn 1.500 m2 đất dù phần đất này năm 1996 địa phương đã cấp giấy chứng nhận cho bà, trong đó phần lớn là đất lộ giới và bà được giao quản lý. Qua nhiều lần xét xử, có lúc tòa bác yêu cầu của ông hàng xóm. Tòa cho rằng UBND TP Vị Thanh xác nhận việc cấp giấy cho bà Nga là đúng quy định và bà đóng thuế đầy đủ từ năm 1995. Phần đất tranh chấp nằm trong tổng thể diện tích đất bà Nga đã được cấp giấy, được giao quản lý khi thực hiện dự án hoàn chỉnh quốc lộ.

Tuy nhiên, xử phúc thẩm vừa qua, TAND tỉnh Hậu Giang lại cho rằng đây là đất của người hàng xóm. Ông đã trồng cây trên đất trước 10 năm, sau đó bà Nga mới đăng ký quyền sử dụng đất bao trùm luôn phần đất này.

Bà Nga cho rằng phần đất từ cây cột bà đứng trở ra phía lề đường thuộc phần lộ giới nhưng không hiểu sao tòa lại giao cho ông hàng xóm. Ảnh: N.NAM

Bà Nga cho rằng bản án tòa tuyên như vậy không đúng. Thứ nhất, tại sao cùng thời điểm đi đăng ký làm giấy chứng nhận, ông không kê khai phần đất trên mà để 10 năm sau mới tranh chấp? Ngoài ra, phần đất tòa giao cho ông hàng xóm là đất lộ giới quốc lộ 61, bà đang được giao quản lý sao lại chuyển cho người khác?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, ông Lê Văn Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự TP Vị Thanh, cho biết: Khi họp lần đầu tiên, ban chỉ đạo THA TP đã yêu cầu cơ quan THA làm công văn đề nghị giám đốc thẩm vì bản án tòa tuyên vậy các cơ quan chức năng không thể thi hành. Sau khi cơ quan gửi văn bản đi thì không hiểu sao phía Tòa Dân sự TAND Tối cao lại không đồng ý xem xét kháng nghị giám đốc thẩm.

“Tiếp đó, bà Nga tiếp tục khiếu nại nên cơ quan THA lại phải báo cáo ban chỉ đạo THA và chủ tịch UBND TP. Chúng tôi không những báo cáo một lần mà đến hai lần. Các thành viên ban chỉ đạo THA không đồng tình với bản án tòa tuyên, không thể cấp giấy giao toàn bộ diện tích đất cho ông hàng xóm của bà Nga vì đây là đất lề quốc lộ. Mọi người nói bản án rất kỳ lạ. Giờ thì THA sẽ tiếp tục xin ý kiến để thực hiện xem giao đất như thế nào là hợp lý” - ông Hoàng thông tin.

Chỉ còn cách kháng nghị giám đốc thẩm

Theo tôi, trong trường hợp này không còn cách nào khác là người có thẩm quyền phải kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm vì cơ quan hành chính địa phương có lý khi không thể cấp đất theo bản án do vi phạm lộ giới. THA phải kiến nghị đúng người có thẩm quyền kháng nghị theo luật là chánh án TAND Tối cao hoặc viện trưởng VKSND Tối cao. Việc Tòa Dân sự (TAND Tối cao) đã có văn bản thông báo không có cơ sở kháng nghị chỉ là văn bản tham khảo, không có giá trị như một trả lời chính thức. Tòa Dân sự là một trong những tòa chuyên trách của TAND Tối cao, được giao nhiệm vụ xử giám đốc thẩm chứ không có chức năng kháng nghị. Vì thế không thể dựa vào công văn trả lời này để cho rằng đó là trả lời chính thức của người có thẩm quyền. Đương sự liên quan và cơ quan THA nên tiếp tục có công văn đề nghị với những người nêu trên để kháng nghị giám đốc thẩm.

PGS-TS ĐỖ VĂN ĐẠI, Trưởng khoa Luật dân sự,
Trường ĐH Luật TP.HCM

T.TÙNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm