Tháng 1-2012, Công ty Toàn Thế nộp đơn khởi kiện vợ chồng bà Hồ Thị Nga ra TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM). Trong đơn khởi kiện, công ty trình bày là vào tháng 10-2008, công ty có ký hợp đồng thuê toàn bộ cao ốc của vợ chồng bà Nga tại đường Nguyễn Cửu Vân (phường 17) với giá thuê 8,4 USD/m2/tháng trong thời hạn 15 năm. Về sau, công ty nhận thấy pháp luật cấm việc giao dịch bằng USD nhưng hai bên lại thực hiện nên khởi kiện đề nghị tòa tuyên bố hợp đồng vô hiệu.
Giao dịch năm 2008, áp dụng quy định năm 2014
Ra tòa, vợ chồng bà Nga cho rằng hợp đồng tính bằng USD chỉ nhằm bảo đảm giá trị hợp đồng suốt thời gian thuê là 15 năm và đã được quy đổi theo tỉ giá của Ngân hàng Ngoại thương tại thời điểm thanh toán. Khoản tiền đặt cọc thực tế cũng nhận bằng tiền đồng Việt Nam nên biên nhận giao tiền có ghi “toàn bộ số tiền đặt cọc… được quy đổi theo tỉ giá Ngân hàng Nhà nước”.
Theo vợ chồng bà Nga, điểm b khoản 3 Mục I Nghị quyết 04 ngày 25-5-2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn trường hợp trong nội dung của hợp đồng kinh tế các bên thỏa thuận sử dụng ngoại tệ làm đồng tiền định giá (để bảo đảm ổn định giá trị của hợp đồng) nhưng việc thanh toán là bằng đồng Việt Nam thì hợp đồng kinh tế không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế (không bị coi là vô hiệu toàn bộ).
Xử sơ thẩm hồi tháng 10-2013, TAND quận Bình Thạnh cho rằng hợp đồng thuê nhà giữa hai bên đã không tuân thủ về hình thức theo BLDS nên là hợp đồng vô hiệu. Từ đó, tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Toàn Thế.
Xử phúc thẩm hồi tháng 4-2014, Tòa Kinh tế TAND TP.HCM nhận định trong hợp đồng, các bên thỏa thuận giá thuê nhà được tính bằng USD. Khoản 13 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều Pháp lệnh Ngoại hối của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối, có hiệu lực từ ngày 1-1-2014) có quy định: “trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo… ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác… không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước”. Như vậy, hợp đồng đã ký giữa hai bên đã vi phạm quy định này nên vô hiệu.
Cho rằng việc tòa áp dụng Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 là gây bất lợi cho mình, vợ chồng bà Nga đã khiếu nại giám đốc thẩm. Theo họ, thời điểm hai bên ký hợp đồng là từ tháng 10-2008 nên tòa phải áp dụng văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực vào thời điểm đó là Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (có hiệu lực từ ngày 1-6-2006). Điều 22 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 chỉ quy định hạn chế mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo bằng ngoại hối mà không quy định việc ghi giá bằng ngoại tệ trong hợp đồng là vi phạm.
Hồi tố không đúng
Vụ việc trên đặt ra một vấn đề pháp lý: Việc tòa phúc thẩm áp dụng quy định mới có hiệu lực vào thời điểm xét xử thay vì áp dụng quy định cũ có hiệu lực vào thời điểm diễn ra giao dịch giữa các bên là đúng hay sai?
PGS-TS Đỗ Văn Đại (Trưởng khoa Luật Dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 đã cấm “mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo… không được thực hiện bằng ngoại hối”. Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi, bổ sung năm 2013 bổ sung thêm ba hành vi bị cấm là “báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng”.
Theo ông Đại, bản án phúc thẩm tuyên hợp đồng vô hiệu dựa trên cơ sở ba điều cấm bổ sung nói trên là không đúng bởi các lý do sau: Thứ nhất, Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi, bổ sung năm 2013 không quy định điều kiện bổ sung trên được áp dụng cho các giao dịch được xác lập trước đó (không quy định áp dụng hồi tố). Thứ hai, khi quy định mới đặt thêm điều kiện có hiệu lực cho giao dịch so với quy định cũ thì quy định điều chỉnh giao dịch phải là quy định có hiệu lực tại thời điểm giao dịch được xác lập. Đường lối xét xử của TAND Tối cao đã rất ổn định về vấn đề này. Do vậy, vụ việc sẽ thuyết phục hơn nếu tòa chỉ tuyên vô hiệu phần liên quan đến ngoại hối và phần còn lại của giao dịch vẫn có giá trị pháp lý đúng tinh thần của Nghị quyết 04/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Đồng tình, luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) khẳng định theo khoản 1 Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Ở đây giao dịch hai bên được xác lập năm 2008. Thời điểm này Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 đang có hiệu lực nên tòa phải áp dụng văn bản này để giải quyết vụ án.
PHAN THƯƠNG
Trái nguyên tắc Điều 79 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định “chỉ trong những trường hợp cần thiết, văn bản quy phạm pháp luật mới được quy định hiệu lực trở về trước”. Điều luật này cũng nói rõ “không được quy định hiệu lực trở về trước đối với các trường hợp: a) Quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý; b) Quy định trách nhiệm pháp lý nặng hơn”. Rõ ràng trong vụ án này, Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi, bổ sung năm 2013 không quy định hiệu lực trở về trước của văn bản này nên không thể áp dụng để giải quyết án. Mặt khác, nếu áp dụng Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi, bổ sung năm 2013 thì sẽ bất lợi cho bị đơn là buộc hợp đồng thuê nhà phải vô hiệu toàn bộ (thay vì nếu áp dụng Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 thì hợp đồng sẽ chỉ vô hiệu một phần). TS ĐOÀN THỊ PHƯƠNG DIỆP, giảng viên Trường ĐH Kinh tế Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM |