Vụ “cự cãi thẩm phán, luật sư bị “hành””

Tòa nói luật sư xúc phạm HĐXX

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 6-2 đã phản ánh vụ luật sư Lôi Thị Dung (Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Long) khiếu nại việc bị Thẩm phán Đinh Văn Phong (TAND tỉnh Đồng Tháp) đuổi khỏi phiên xử phúc thẩm một vụ cố ý gây thương tích mà không giải thích lý do.

Mỗi bên nói một nẻo

Theo luật sư Dung, trong phiên xử buổi sáng 17-4-2013, Thẩm phán Phong (chủ tọa phiên tòa) đã có một số động thái điều khiển phiên tòa chưa đúng luật, bị bà “chỉnh”. Về phần mình, bà cũng có một số yêu cầu nhưng chủ tọa không chấp nhận.

Sau đó, khi bà trình bày bài bào chữa thì chủ tọa quay sang nói chuyện với hai thẩm phán cánh gà. Chủ tọa còn nhìn bà và lắc đầu, trề môi. Bà lặp lại nội dung bào chữa thì chủ tọa đuổi bà ra khỏi phòng xử. Bà hỏi lý do bị đuổi thì chủ tọa không giải thích. Lúc này cũng vừa hết thời gian xét xử buổi sáng nên tòa tạm nghỉ.

Đến khoảng 12 giờ 30 cùng ngày, khi luật sư Dung đang ngồi cùng thân chủ ở quán nước gần tòa thì Thẩm phán Phong đi ngang nói với vào: “Luật sư khùng”. Bức xúc, bà phản ứng: “Ông bị bệnh tâm thần thì có”. Lập tức, Thẩm phán Phong chỉ mặt bà tuyên bố: “Mày không yên thân với tao đâu”. Đầu buổi chiều, khi bà vừa vào chỗ ngồi thì Thẩm phán Phong đã đuổi bà ra khỏi phòng xử (phiên xử sau đó bị hoãn vì không có luật sư).

Chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thành Thơ tại buổi họp báo ngày 12-2. Ảnh: G.TUỆ

Sau đó, luật sư Dung khiếu nại nhưng bị chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp bác đơn. Tháng 12-2013, chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành hai quyết định thu hồi hai giấy chứng nhận người bào chữa đã cấp cho bà trong vụ án trên (quyết định không nêu lý do thu hồi).

Ngày 12-2, trong buổi họp báo tại trụ sở TAND tỉnh Đồng Tháp, Chánh án Nguyễn Thành Thơ khẳng định có đủ căn cứ chứng minh luật sư Dung vi phạm nội quy phiên tòa nên mới bị đuổi khỏi phòng xử.

Cụ thể, theo TAND tỉnh Đồng Tháp, trong phần tranh luận, luật sư đã phát biểu: “Tòa cấp sơ thẩm áp dụng điều luật không đúng, không hiểu gì về pháp luật, cấp sơ thẩm không thể muốn xử sao thì xử, ban đầu họ xử bị cáo chín tháng, sau đó xử lại một năm tù, thật là mắc cười, thật là vô lý quá, HĐXX phải uốn nắn họ lại, hướng dẫn, chỉnh sửa họ…”.

Chủ tọa yêu cầu luật sư trình bày vào trọng tâm vụ án. Luật sư lại có những lời lẽ thiếu tôn trọng và xúc phạm nghiêm trọng HĐXX như: “Tòa có tính bao biện… thực chất tòa án cấp sơ thẩm không biết gì về pháp luật, không xem xét tính khả thi của vụ án. Xét xử không làm rõ trách nhiệm, muốn xử sao thì xử là hành vi không có đạo đức, không có văn hóa”...

Chủ tọa yêu cầu luật sư chấm dứt ngay lời nói thiếu tôn trọng HĐXX thì luật sư tiếp tục có hành vi khác nghiêm trọng hơn như đứng dậy la ó: “Tòa không được muốn làm gì thì làm, đó là hành động vô văn hóa. Tòa án xã hội đen, tòa án muốn xử sao thì xử thì tôi không đồng ý, tôi không phục, HĐXX láo, tư thù cá nhân, không có văn hóa…”.

Theo TAND tỉnh Đồng Tháp, HĐXX đã trao đổi và chủ tọa tuyên bố do luật sư vi phạm nội quy phiên tòa, vi phạm trật tự phiên tòa nên cần áp dụng biện pháp buộc rời khỏi phòng xử. Chủ tọa yêu cầu nhiều lần nhưng luật sư không thực hiện nên chủ tọa phải đề nghị lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ tại phiên tòa mời luật sư ra. Lúc đó cũng đến thời điểm hết giờ xử nên tòa tạm nghỉ.

Đầu giờ chiều, khi tòa làm việc lại thì luật sư vào phòng xử. Do buổi sáng luật sư đã vi phạm nội quy phiên tòa nên tòa mời luật sư rời phòng xử. Luật sư không ra và có lời lẽ xúc phạm chủ tọa. Chủ tọa tiếp tục yêu cầu lực lượng cảnh sát đang làm nhiệm vụ tại tòa mời luật sư ra. Lúc này luật sư mới rời chỗ ngồi và có những lời lẽ như: “HĐXX sai luật, thiếu văn hóa, thẩm phán, thư ký khùng”…

Tại cuộc họp báo, TAND tỉnh Đồng Tháp cũng khẳng định không có việc thẩm phán Phong nói “luật sư khùng”.

Chứng cứ đã đủ kết luận?

Như vậy, giữa nội dung khiếu nại của luật sư Dung và thông tin mà TAND tỉnh Đồng Tháp đưa ra tại buổi họp báo hôm qua đã có sự trái ngược.

Về mặt chứng cứ chứng minh luật sư Dung vi phạm, TAND tỉnh Đồng Tháp cho biết tòa căn cứ vào biên bản phiên tòa, tường trình của kiểm sát viên, lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp, tường trình của thẩm phán chủ tọa, văn bản kiến nghị của HĐXX. Trong khi đó, luật sư Dung lại có tường trình của các thân chủ, người nhà thân chủ tham gia phiên tòa với nội dung khẳng định bà không có hành vi, lời nói xúc phạm HĐXX; có việc Thẩm phán Phong nói “luật sư khùng”...

PV Pháp Luật TP.HCM đặt vấn đề: Tại sao tòa không xác minh tất cả người tham gia tố tụng (các bị cáo, người bị hại, nhân chứng…) để đảm bảo khách quan, đầy đủ? Phía TAND tỉnh Đồng Tháp cho biết vụ án vẫn đang do tòa thụ lý, giải quyết, tòa thấy việc xác minh từ những người này là “nhạy cảm” nên không tiến hành.

Trước đây, sau khi chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp gửi văn bản yêu cầu xử lý kỷ luật luật sư Dung (tháng 8-2013), Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Long đã đề nghị tòa cung cấp băng ghi hình phiên xử nhưng chánh án có văn bản từ chối là “không cần thiết”. Về chuyện này, TAND tỉnh Đồng Tháp cho biết camera ghi hình tại phòng xử đã bị hỏng từ trước nên không có băng ghi hình. Mặt khác, tòa còn cho rằng luật không bắt buộc ngoài biên bản phiên tòa thì tòa còn phải ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa để có chứng cứ xử lý người vi phạm.

Một vấn đề nữa, tại phiên xử ngày 17-4-2013, Thẩm phán Phong đã không lập biên bản việc luật sư Dung vi phạm nội quy phiên tòa mà vẫn đuổi bà ra khỏi phòng xử. Phía TAND tỉnh Đồng Tháp lý giải từ trước đến nay chưa có hướng dẫn nếu có vi phạm tại phiên tòa thì HĐXX lập biên bản riêng như thế nào. Cạnh đó, theo tòa, chưa có quy định bắt buộc HĐXX phải lập biên bản người vi phạm trong phiên tòa. Do đó, biên bản phiên tòa chính là căn cứ để xem xét những người tham gia phiên tòa có vi phạm hay không, vi phạm đến mức độ nào.

Chỉ “tạm thời chưa cấp” giấy chứng nhận?

Một nội dung khiếu nại khác của luật sư Dung là tháng 1-2014, bà nhận được thông báo của TAND tỉnh Đồng Tháp từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho bà trong một vụ án khác (vụ án Phạm Văn Chẩm - PV). Lý do từ chối là bà đã vi phạm trong hoạt động bào chữa, đã có quyết định thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa trong vụ cố ý gây thương tích nói trên.

Tại cuộc họp báo, Thẩm phán Lê Hồng Nước (Chánh Văn phòng TAND tỉnh Đồng Tháp) nói: “Các thông báo thu hồi và từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa là có căn cứ và chúng tôi vẫn giữ nguyên”.

Trong khi đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam mới đây đã có văn bản kiến nghị chỉ rõ việc thu hồi cũng như từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho luật sư Dung là trái quy định của BLTTHS và Luật Luật sư. Về chuyện này, Chánh án Nguyễn Thành Thơ nói: “Văn bản của Liên đoàn Luật sư về lý thuyết là đúng. Nhưng trong hoàn cảnh cụ thể này nếu cấp giấy cho luật sư Dung bào chữa trong vụ án Phạm Văn Chẩm thì coi như mình quên các vụ cũ, chấp nhận những sai sót của luật sư Dung. Do đó chúng tôi tạm thời chưa cấp chứ không phải không thừa nhận tư cách luật sư. Do vụ việc chưa giải quyết nên tạm thời chưa cấp, đó là quyền của TAND tỉnh. Nếu tới đây TAND Tối cao yêu cầu cấp giấy sẽ cấp, còn hiện đang xem xét”. (Trên thực tế tòa đã ra thông báo từ chối cấp giấy từ ngày 3-1-2014 - PV).

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và phản ánh tới bạn đọc.

GIA TUỆ

 

Tháng 11-2013, Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Long đã có văn bản trả lời TAND tỉnh Đồng Tháp là không đủ căn cứ xử lý kỷ luật luật sư Dung. Mới đây, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có văn bản kiến nghị chánh án TAND tỉnh Đồng Tháp và chánh án TAND Tối cao xem xét lại vụ việc theo hướng TAND tỉnh Đồng Tháp phải rút lại hai quyết định thu hồi, khôi phục tư cách người bào chữa cho luật sư Dung. Đồng thời, liên đoàn đề nghị chánh án TAND Tối cao giải quyết khiếu nại của luật sư Dung.

Theo ông Nguyễn Thành Thơ, Ban Thanh tra TAND Tối cao đã có văn bản yêu cầu TAND tỉnh Đồng Tháp báo cáo vụ việc. TAND tỉnh sẽ trả lời cho Ban Thanh tra với quan điểm luật sư Dung có vi phạm. Cách giải quyết của Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Long với vi phạm của luật sư Dung là chưa thỏa đáng. TAND tỉnh sẽ báo cáo Ban Thanh tra để tham mưu cho lãnh đạo TAND Tối cao kiến nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam, kiến nghị Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) yêu cầu Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Long xử lý lại vụ việc.

Không thể đơn phương ngăn chặn luật sư hành nghề

TAND tỉnh Đồng Tháp đề nghị kỷ luật luật sư Dung nhưng không có biên bản luật sư vi phạm, không có băng ghi hình. Tòa cho rằng không cần thiết nhưng không có thì chúng tôi không kết luận được. Chúng tôi đã giao cho Hội đồng kỷ luật của đoàn xác minh, làm rõ. Kết quả là không đủ yếu tố kỷ luật luật sư, chỉ rút kinh nghiệm về văn phong giao tiếp không khéo léo…

Về việc tòa thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa đã cấp ở vụ án cũ và từ chối cấp giấy trong vụ án mới, theo tôi là chưa phù hợp. Luật sư nếu vi phạm, nếu hội đủ căn cứ sẽ kỷ luật nhưng không thể dùng quyền đơn phương ngăn chặn luật sư hành nghề, không thể tự tiện làm trái luật tước bỏ quyền hành nghề của luật sư và quyền được bào chữa của bị cáo.

Luật sư TRẦN BÁ TƯỚC, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Long

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm