Tòa quên xem xét lối đi công cộng

Mới đây, chánh án TAND Tối cao đã kháng nghị đề nghị Tòa Dân sự TAND Tối cao giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Bến Cát và phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Dương xử vụ tranh chấp quyền sử dụng đất. Theo chánh án TAND Tối cao, hai bản án trên đã không xem xét, giải quyết lối đi cho các đương sự là không đúng.

Lối đi chung thành đất riêng

Phải thuê người lội suối đưa thức ăn vào để nuôi bầy heo vài trăm con.

Heo đến lứa xuất chuồng không thể đưa ra đường cái bán được, phải gọi người mua vào bán rẻ.

Thương lái mua cao su phải bỏ xe tải ngoài đường cái, lội bộ vào vườn khuân hàng ra.

Lối đi duy nhất để ra ngoài là cây cầu tràm mà chỉ cần một trận mưa lớn là trôi theo dòng nước.

Đó là tình cảnh hiện tại của hộ ông Bùi Ngọc Nghĩa và các hộ dân khác ở ấp Cây Sắn, xã Lai Uyên, huyện Bến Cát (Bình Dương, nay là huyện Bàu Bàng).

Ông Nghĩa cho biết năm 2001, ông mua đất tại đây để trồng cao su, chăn nuôi heo, gà. Bốn năm sau, vợ chồng ông Phạm Đình Bộ mua phần đất ở phía trước nhà, xây bít lối đi chung của các hộ phía sau và từ đó phát sinh tranh chấp.

Ngày 27-8-2005, hòa giải tại ấp, lãnh đạo ấp và bà con trong ấp đều xác nhận lối đi chung hiện hữu trên 30 năm, không của riêng ai.

Tuy nhiên, tháng 9-2008, ông Bộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bao luôn phần lối đi chung này. Tháng 11-2008, ông Bộ khởi kiện ông Nghĩa và hai hộ dân, cho rằng họ lấn chiếm lối đi chung đã gây thiệt hại nhiều về kinh tế cho ông.

Bị mất lối đi chung, người dân phải đi tắt qua suối (ảnh trên) và bức tường bít lối đi được xây để thi hành án ngày 10-8-2012. Ảnh: PHƯƠNG LOAN

Đường duy nhất để vào nhà

TAND huyện Bến Cát tuyên ông Nghĩa và các hộ dân phải trả lại phần đất đang được sử dụng làm lối đi chung cho ông Bộ. Ông Nghĩa và hai hộ dân kháng cáo cho rằng “đã sử dụng lối đi này để vào đất của mình phía trong” và “lối đi này là lối đi công cộng hình thành từ năm 1991, do bộ phận kinh tế của Tỉnh đội Tiền Giang mở”. Tuy nhiên, TAND tỉnh Bình Dương bác yêu cầu của họ với nhận định “phần đất mà ông Bộ được cấp giấy chủ quyền không thể hiện có lối đi tranh chấp”.

Trong bản án, tòa nhận định bản đồ địa chính thể hiện có một đường đất là lối đi công cộng từ trước để vào đất của các bị đơn, hiện một số hộ dân khác đã lấn chiếm… Về nhận định này, bà Đoàn Ngọc Huệ (mẹ ông Nghĩa, có đất phía trong, cùng sử dụng lối đi này) cho biết: “Trước khi lối đi tranh chấp hình thành, các hộ dân có sử dụng một lối đi công cộng khác để đi bộ hoặc đi xe đạp, sau chủ đất rào chắn lại nên hiện tại lối đi này không còn. Bản vẽ cũng thể hiện rõ ràng lối đi cũ nằm trong đất của người này”.

“Từ sau năm 1975, người dân ở đây làm nghề trồng lúa, bắp, mì, đốn củi. Xe bò là phương tiện chính để chở nông sản nên đường được gọi là đường xe bò. Đến khoảng năm 1987-1988, bộ phận kinh tế của Tỉnh đội Tiền Giang về đây và nới rộng đường này cho xe bốn bánh vào, khai phá để trồng xoài, nhãn và sau đó sang nhượng lại cho dân, hiện đa số đã được cấp giấy chủ quyền. Có hai đường dây điện chạy suốt con đường này. Mỗi lần cần sửa chữa, bảo dưỡng, đây là đường duy nhất để Công ty Điện lực vào. Đây cũng là lối đi duy nhất mà chúng tôi sử dụng để đi lại, ra lộ, giao nhận hàng” - ông Trịnh Văn Tấn, một trong ba đồng bị đơn, nói.

Phải tính đến lối đi chung khi giải quyết án

Sau phiên phúc thẩm, các đồng bị đơn về Tiền Giang nhờ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh này xác nhận con đường đang tranh chấp là lối đi chung. Họ được trả lời bằng văn bản rằng năm 1994, bộ phận kinh tế của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tiền Giang có mở một con đường đất nội bộ ngang 6 m, dài một cây số chạy dọc từ mặt đường lộ đất đỏ đến hướng ra suối để thuận tiện đi lại và vận chuyển vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất.

Trên cơ sở đó, các bị đơn nộp đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm kèm văn bản xác nhận này. Mới đây, ngày 11-8, chánh án TAND Tối cao đã có kháng nghị, đề nghị Tòa Dân sự TAND Tối cao xử giám đốc thẩm hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Lý do là hai cấp tòa chưa làm rõ lối đi tranh chấp có phải là đường do bộ phận kinh tế của Tỉnh đội Tiền Giang mở hay không. Trường hợp xác định lối đi tranh chấp thuộc quyền quản lý, sử dụng của hộ ông Bộ thì phải giải quyết cho các hộ dân phía trong có đường đi vào đất của mình. Hiện nay các bị đơn không còn đường đi nào khác ngoài lối đi tranh chấp. Hai cấp tòa chấp nhận yêu cầu của ông Bộ, buộc các bị đơn phải trả cho ông lối đi tranh chấp mà không giải quyết lối đi cho các đương sự khác là không đúng. Hơn nữa, ngoài các đương sự trong vụ án, hai cấp tòa không đưa các hộ dân phía trong cùng sử dụng lối đi tranh chấp vào tham gia tố tụng là chưa giải quyết triệt để vụ án.

PHƯƠNG LOAN

Quyền được đi qua bất động sản liền kề

Theo Thông tư 09/2007 của Bộ TN&MT thì việc cấp giấy đỏ cho ông Bộ năm 2008 phải đo vẽ hiện trạng đất và có ký giáp ranh của các hộ xung quanh. Lối đi chung này đã tồn tại gần 20 năm trước khi cấp giấy đỏ cho ông Bộ nên nó phải trở thành lối đi công cộng thuộc sở hữu nhà nước. Do đó, cần phải xem lại việc cấp giấy đỏ cho ông Bộ trùm lên lối đi công cộng có đúng pháp luật hay không.

Theo tôi, hai bản án của hai cấp tòa ở Bình Dương chưa giải quyết đầy đủ quyền lợi luật định cho các bị đơn. Theo Điều 275 BLDS, các bị đơn có quyền được đảm bảo có lối đi qua bất động sản liền kề. Vì vậy, khi xét xử, tòa phải dựa vào thực tế để xem xét giải quyết lối đi cho các bị đơn chứ không thể chỉ căn cứ vào giấy tờ.

Luật sư LÊ QUANG VŨ, Văn phòng luật sư Người Nghèo

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm