Tòa xử... cắt khúc!

Dù hai quyết định nằm trong chuỗi sự kiện liên tiếp và xuyên suốt nhưng tòa chỉ xử vụ kiện liên quan quyết định sau, không xử vụ kiện liên quan quyết định ban đầu với lý do hết thời hiệu.

Kiện cả hai quyết định

Tháng 3-2012, Phòng TN&MT thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã thụ lý đơn tranh chấp quyền sử dụng đất của ông Huỳnh Xẹo đối với bà Nguyễn Thị Bảy (cùng ngụ phường Ninh Đa). Theo đơn, ông Xẹo trình bày vào năm 1991, ông được UBND xã Ninh Đa lúc đó cấp một mảnh đất thuộc thửa 86 với diện tích 200 m2. Đến năm 1997, ông có kê khai trong sổ mục kê địa chính là 576 m2. Năm 2008, mảnh đất trên bị bà Bảy chiếm dụng nên ông yêu cầu UBND thị xã buộc bà Bảy trả lại cho ông.

Ngược lại, bà Bảy nói tranh chấp của ông Xẹo là không có cơ sở bởi bà mua mảnh đất này hợp pháp từ người khác.

Ngày 21-12-2012, chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa đã ban hành Quyết định hành chính số 3429 với nội dung bác đơn tranh chấp của ông Xẹo, cho phép bà Bảy được quyền sử dụng 200 m2, phần đất còn lại 331 m2 giao UBND phường Ninh Đa quản lý.

Không đồng ý, cả ông Xẹo lẫn bà Bảy đều khiếu nại đến chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Hơn một năm sau, ngày 4-4, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa mới ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 842, sửa một phần nội dung của Quyết định 3429 như sau: Công nhận cho bà Bảy sử dụng 200 m2, công nhận cho ông Xẹo sử dụng phần đất còn lại.

Cho rằng Quyết định số 3429 của chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa và Quyết định giải quyết khiếu nại số 842 của chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa xâm phạm quyền lợi hợp pháp của mình, bà Bảy đã khởi kiện cả hai quyết định trên ra TAND tỉnh Khánh Hòa. Ngày 21-4, TAND tỉnh Khánh Hòa đã thụ lý vụ kiện.

Tòa đình chỉ với quyết định đầu

Tại phiên xử sơ thẩm ngày 14-8 của TAND tỉnh Khánh Hòa, bà Bảy giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Bà đề nghị HĐXX hủy một phần Quyết định số 3429 có nội dung “phần đất còn lại 331 m2 giao cho UBND phường Ninh Đa quản lý” và hủy một phần Quyết định giải quyết khiếu nại số 842 có nội dung “công nhận phần đất còn lại cho ông Huỳnh Xẹo”.

Sau khi nghị án, HĐXX cho rằng sau khi nhận được Quyết định số 3429, bà Bảy không khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định này dù không có cản trở nào, chỉ sau khi có Quyết định giải quyết khiếu nại số 842, bà Bảy mới khởi kiện cả hai quyết định. Tính đến thời điểm nhận đơn kiện đối với Quyết định số 3429 thì đã quá một năm, đã hết thời hiệu kiện theo Điều 104 Luật Tố tụng hành chính. Do đó HĐXX đình chỉ vụ án hành chính đối với Quyết định số 3429. Về Quyết định số 842, HĐXX bác yêu cầu khởi kiện của bà Bảy.

Tính thời hiệu theo quyết định nào?

Trong vụ việc trên, nhiều chuyên gia nhận xét việc tòa tách riêng từng quyết định hành chính để tính thời hiệu như vậy là chưa chuẩn xác.

Theo luật sư Huỳnh Kim Nga (Đoàn Luật sư TP.HCM), sau khi nhận được quyết định hành chính ban đầu, bà Bảy không đồng ý nên khiếu nại. Luật Tố tụng hành chính cho phép người dân trong trường hợp này có hai lựa chọn: Một là khiếu nại, hai là khởi kiện. Trong trường hợp người dân chọn phương án khiếu nại, không hề có điều luật nào quy định thời hiệu khởi kiện án hành chính đối với quyết định hành chính ban đầu sẽ được tính từ lúc này. Như vậy, theo nguyên tắc có lợi cho người dân, thời hiệu khởi kiện cho cả quyết định hành chính ban đầu và quyết định giải quyết khiếu nại sau đó phải được tính từ ngày người dân nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại. Ngoài ra việc UBND tỉnh Khánh Hòa để đến hơn một năm sau (từ ngày 21-12-2012 đến ngày 4-4) mới ban hành quyết định giải quyết khiếu nại cũng không phải là lỗi của bà Bảy.

Đồng tình, Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) phân tích: Sau khi không đồng ý với quyết định hành chính, người dân tiếp tục khiếu nại và UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, trong đó sửa một phần quyết định hành chính. Như vậy đây là một chuỗi sự kiện liên tiếp, kéo dài xuyên suốt nên tách riêng ra từng quyết định để xem xét thời hiệu là không ổn. Cạnh đó, Điều 163 Luật Tố tụng hành chính về thẩm quyền của HĐXX quy định: HĐXX xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính…, quyết định giải quyết khiếu nại có liên quan. Như vậy một khi đã chấp nhận xem xét yêu cầu khởi kiện đối với quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh Khánh Hòa, HĐXX cần phải xem xét luôn cả quyết định hành chính liên quan trước đó của UBND thị xã Ninh Hòa.

HỒNG TÚ

Cần sớm có hướng dẫn

Trường hợp báo phản ánh chưa được pháp luật tố tụng hành chính quy định một cách rõ ràng khiến cho việc áp dụng của tòa còn gây nhiều tranh cãi. Về cá nhân, tôi cho rằng tòa áp dụng thời hiệu khởi kiện một năm đối với riêng từng quyết định như vậy là không hợp lý. Bởi nếu áp dụng như vậy, người dân sẽ không dám đi khiếu nại, chỉ có thể khởi kiện vì lo sợ thời gian giải quyết khiếu nại kéo dài nên hết thời hiệu để khởi kiện. Vô hình trung, tòa đã gây áp lực làm thu hẹp sự lựa chọn của người dân, trái với tinh thần của Luật Tố tụng hành chính.

Trường hợp như của bà Bảy hiện nay không phải là ít. Do vậy TAND Tối cao cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để việc tính thời hiệu trong án hành chính được thống nhất.

ThS TRẦN QUANG TRUNG, giảng viên khoa Luật hành chính Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm