"Đến giờ tôi vẫn nhớ như in lần đi khám bệnh tại bệnh viện ở quê nhà Bình Định. Hôm đó, tôi đến bệnh viện một mình nên khá lo sợ, loay hoay với đủ thứ giấy tờ trên tay.
Lúng túng sao đó, tôi vô tình đụng phải người bên cạnh, xấp giấy tờ rơi xuống nền gạch. Chẳng những không trách tôi, chị ấy còn cúi xuống thu nhặt giấy tờ giùm tôi, nhìn tôi cười rồi nhẹ nhàng "Em có cần giúp đỡ thêm gì không?".
Sinh viên khoa điều dưỡng trường Đại học Y Dược TP.HCM thực tập ở bệnh viện |
Ôi, hóa ra đó là chị điều dưỡng của bệnh viện. Thời điểm đó tôi chuẩn bị học hết lớp 12, tôi đã không suy nghĩ gì nhiều khi đặt bút chọn ngành học là điều dưỡng" - Đặng Thị Mỹ Hằng, sinh viên năm 4 khoa Điều dưỡng, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, chia sẻ câu chuyện khiến cô quyết định chọn nghề.
Thấm thoát đã 4 năm trôi qua khi bước chân vào cánh cổng trường ĐH, Hằng bảo tới giờ cô vẫn rất vui vẻ và hài lòng với lựa chọn của mình. "Tôi biết nghề điều dưỡng rất vất vả, áp lực, nhưng đó là lựa chọn của tôi. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức giúp người bệnh giảm đi đau đớn, ở bên hỗ trợ họ khi họ cần" - Hằng hào hứng.
Nghề điều dưỡng là nghề phải biết nhẫn nại, lắng nghe |
Tâm sự về cơ duyên chọn học nghề điều dưỡng tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Trần Nguyễn Tường Vy, cho hay từ ngày nhỏ cô đã hơi yếu ớt, hay bệnh, có lần phải nằm viện dài ngày.
"Lúc ấy tôi nhỏ xíu, ba đưa tôi vào viện rồi về nhà vì công việc còn bề bộn. Cứ đến giờ chích thuốc là tôi sợ lắm nhưng vẫn cố tỏ ra không sợ vì chỉ có một mình. Đó cũng chính là khoảng thời gian mà tôi thấy mình người lớn hẳn lên.
Do tôi là bệnh nhi duy nhất nằm ở đó nên được các cô điều dưỡng trong khoa để ý rất nhiều. Mấy cô dịu dàng lắm, cứ cầm tay tôi động viên rồi và nói sao tôi lại bé tí đáng yêu đến vậy? Chỉ vậy thôi mà tôi thấy vui và ấm áp, yên bình lắm. Sau lần nằm viện ấy, tôi tự nhủ trong lòng lớn lên chắc chắn tôi sẽ là điều dưỡng" - Vy trải lòng.
Thế rồi lớn lên Vy đăng ký học điều dưỡng thật. Không có ai định hướng, không biết học điều dưỡng ra rồi sẽ làm những công việc gì. Nhưng trong tâm trí Vy, cô đinh ninh rằng mình đang bước đầu thực hiện điều ước trong một khoảnh khắc nào đó từ thời thơ ấu.
"Dần dần tôi mới nhận ra để được là một điều dưỡng như mình mong ước, tôi sẽ phải đánh đổi rất nhiều. Tuy vậy, tôi vẫn tin chắc một điều làm nghề này, tôi sẽ cố gắng để mang lại sự ấm áp, yên tâm đến cho bệnh nhân" - Vy
Khác với Hằng và Vy, Nguyễn Thị Kiều (sinh viên Trường Đại học Y Dược TP.HCM), cho hay trước khi chọn nghành, cô đã tham khảo ý kiến một người chị đang làm điều dưỡng để hiểu rõ hơn ngành mình theo học.
"Khi đó tôi hỏi chị có còn cảm thấy vui vẻ với lựa chọn của mình là làm điều dưỡng không? Chị trả lời nếu theo thang điểm 10 thì chị vẫn đạt 8/10, 2 điểm còn lại thì 2 điểm còn lại là những lúc cảm thấy mệt mỏi, mất tinh thần do công việc quá vất vả và những thứ lặt vặt khác. Lúc đó tôi đã bắt đầu suy nghĩ..." - Kiều kể lại.
Thế rồi cô vẫn chọn ngành điều dưỡng, vì như lời người chị ấy nói sau đó thì ngành nào cũng vậy, đều có cực khổ và niềm vui, sự tự hào. "Chị nói rằng điều tôi nên làm là cố gắng hết sức. Điều khiến bạn theo đuổi nghề bền bỉ chính là học để biết cách chăm sóc mình, chăm sóc người khác, giúp giảm bớt nỗi đau cho ai đó cần" - Kiều cười.
Cử nhân điều dưỡng Đại học Y Dược TP.HCM tại trường sẽ được trang bị kiến thức nền tảng về y học cơ sở, kiến thức chuyên ngành về khoa học sức khỏe, khoa học điều dưỡng và xã hội, kỹ năng thực hành chăm sóc theo chuẩn năng lực nghề nghiệp.
Ngoài ra, điều dưỡng cũng phải có sức khỏe, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng chuyên ngành tốt để xây dựng quy trình chăm sóc toàn diện, lấy người bệnh làm trung tâm.
TS TRẦN THỤY KHÁNH LINH, Phó trưởng khoa Điều dưỡng - Kỹ thuật y học - Đại học Y Dược TP.HCM