Người bệnh cấp cứu được về nhà, bác sĩ và điều dưỡng vui hơn Tết

(PLO)- Bệnh nhân cấp cứu qua cơn “thập tử nhất sinh”, được về sum họp ngày xuân với gia đình là bác sĩ, điều dưỡng và hộ lý vui hơn Tết.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tối 25-1 (mùng 4 tết Quý Mão), vừa bước vào khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định TP.HCM, PV PLO thấy điều dưỡng Nguyễn Cao Thủy (35 tuổi) đang đo huyết áp cho một bệnh nhân nữ tầm 50 tuổi vừa được đưa vào.

Nhiều năm ăn tết trong bệnh viện

“Đo huyết áp để đánh giá chỉ số huyết áp tăng, giảm của bệnh nhân. Điều này hỗ trợ cho việc khám và điều trị bệnh nhân của bác sĩ (BS) rất nhiều” – chị Thủy nói.

Sau khi ghi kết quả đo huyết áp vào bệnh án, chị Thủy đi nhanh tới một nam bệnh nhân bị tai nạn giao thông đang nằm trên băng ca để xử trí vết thương ở chân rỉ máu. Bệnh nhân than đau, chị Thủy lựa lời an ủi và cẩn thận băng bó vết thương.

Điều dưỡng Nguyễn Cao Thủy đang đo huyết áp cho một nữ bệnh nhân cấp cứu. Ảnh: TRẦN NGỌC

Điều dưỡng Nguyễn Cao Thủy đang đo huyết áp cho một nữ bệnh nhân cấp cứu. Ảnh: TRẦN NGỌC

Tiếp theo, chị Thủy đi như chạy tới một nữ bệnh nhân khá lớn tuổi đang ôm bụng than đau. Sau khi đọc kỹ y lệnh của BS, chị Thủy lấy thuốc cho bệnh nhân này uống.

Tại thời điểm này, có một nam bệnh nhân viêm ruột thừa cần được phẫu thuật cắt ruột. Chị Thủy phải theo dõi tình trạng bệnh nhân trước khi đưa lên phòng mổ. Nếu phát hiện các triệu chứng bất thường như cảm lạnh, ho, đau họng, sốt, tiêu chảy… chị Thủy báo cho BS ngay.

Tranh thủ lúc chị Thủy uống nước, PV bắt chuyện. “Tôi làm ở khoa Cấp cứu được 8 năm và đã nhiều lần ăn Tết trong BV bởi tới ca trực là phải làm. Tết nhất gia đình sum họp, riêng tôi và đồng nghiệp phải trong BV để cấp cứu những trường hợp bệnh nặng và tai nạn giao thông, ẩu đả…” – chị Thủy chia sẻ.

Cấp cứu ngày thường đã vất vả, cấp cứu ngày Tết còn cực hơn vì bệnh nhân đông và ca tai nạn cũng tăng. Do làm liên tục sáng, trưa, chiều nên thời gian nghỉ giữa hai ca là chị Thủy ngủ nghỉ để lấy sức, không thể đi thăm họ hàng, bạn bè hoặc du xuân.

“Từ Tết tới giờ, tôi chưa dẫn con gái 7 tuổi đi đâu vì thời gian quá hạn hẹp. Trên đường đi làm, thấy trẻ nhỏ mặc quần áo đẹp được cha mẹ chở đi đây đi đó là tôi muốn khóc vì nghĩ đến con thui thủi ở nhà. Nhiều lúc đang trực, đọc tin nhắn “Con buồn và nhớ mẹ quá, mẹ ơi” là tôi quặn cả lòng. Thế nhưng tôi vẫn phải nén nỗi thương con vào lòng để lao vào công việc. Một khi đã khoác blouse trắng lên người, tôi và đồng nghiệp gạt bỏ mọi chuyện riêng tư để làm tròn trách nhiệm với bệnh nhân cấp cứu” – chị Thủy trải lòng.

Để vợ mới cưới ở nhà một mình

Điều dưỡng cực, BS trực cấp cứu ngày Tết cũng vất vả không kém. Sau khi khám một ông bị tai nạn giao thông, BS Dương Thanh Tùng (30 tuổi, khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định) nhanh chóng lập hồ sơ bệnh án và ra y lệnh để điều dưỡng thực hiện.

BS Dương Thanh Tùng đang kiểm tra sức khỏe một nam bệnh nhân bị tai nạn giao thông. Ảnh: TRẦN NGỌC

BS Dương Thanh Tùng đang kiểm tra sức khỏe một nam bệnh nhân bị tai nạn giao thông. Ảnh: TRẦN NGỌC

Tiếp theo, BS Tùng tới khám cho một nữ bệnh nhân lớn tuổi nằm mơ màng trên băng ca vừa được đẩy vô. Trong lúc khám, BS Tùng ghi nhận bệnh nhân có các biểu hiện liệt nửa bên phải, nói ngọng, thở không đều, hôn mê… Sau khi hỏi thêm người nhà, BS Tùng nhận định bệnh nhân bị đột quỵ xuất huyết não nên nhanh chóng hội chẩn với BS khoa Ngoại thần kinh để đưa ra hướng điều trị.

Không lâu sau, một bệnh nhân nam được đẩy vào khoa Cấp cứu trong tình trạng đau âm ỉ vùng bụng bên phải. Trong quá trình khám, bệnh nhân cho biết chẳng những đau bụng kéo dài nhiều giờ liền mà còn bị tiêu chảy, nôn mửa…

Nghi ngờ bệnh nhân bị viêm ruột thừa, BS Tùng chỉ định siêu âm để có kết luận chính xác.

Tranh thủ giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi, BS Tùng dành cho PV ít phút trò chuyện. “Tôi trực liên tiếp mùng 2, mùng 3 và mùng 4. Do mùng 4 trực từ 21 giờ đến 7 giờ mùng 5 nên Tết này coi như tôi ở suốt trong BV” – BV Tùng trải lòng.

Cưới vợ cách đây vài tháng, BS Tùng rất muốn đưa vợ đi đây đi đó trong những ngày xuân. Ngặt vì công việc nên BS Tùng không thể thực hiện được mong muốn đó. “Hiểu công việc của một BS cấp cứu nên vợ tôi rất thông cảm và chia sẻ. Vợ tôi nói “không đi chơi trong những ngày xuân thì qua Tết đi cũng được, quan trọng là anh phải làm tròn công việc cứu người”. Nghe vậy, tôi cũng ấm lòng” – BS Tùng nói.

Ngày Tết, ai cũng muốn được sum họp với gia đình. Do vậy, khi bệnh nhân vào cấp cứu, BS Tùng và đồng nghiệp cố gắng khám và chẩn đoán nhanh, chính xác để điều trị kịp thời. “Bệnh nhân qua cơn “thập tử nhất sinh”, được về với người thân là BS, điều dưỡng và hộ lý chúng tôi vui hơn Tết” – BS Tùng tỏ bày.

Hy sinh vì sự sống còn của bệnh nhân cấp cứu

Mỗi ca trực cấp cứu gồm bốn BS, 10 điều dưỡng và hai hộ lý. Ê kíp trực cấp cứu làm việc ba ca bốn kíp; không vô ca sáng thì vào ca chiều, không làm ca chiều thì vô ca đêm. Điều này có nghĩa BS, điều dưỡng và hộ lý làm ở khoa Cấp cứu ăn Tết suốt trong BV.

Tết là dịp để mọi người trong gia đình quây quần, sum họp. Tuy nhiên đối với BS, điều dưỡng và hộ lý trực cấp cứu, Tết là những ngày họ phải hy sinh niềm vui riêng để mang lại sự sống còn cho bệnh nhân cấp cứu và gia đình.

BS ĐẶNG THỊ MỸ HIỀN, Phó Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhân dân Gia Định, TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm