Quay cuồng với công việc, điều dưỡng cần trợ lý

(PLO)- Để giải quyết tình trạng thiếu điều dưỡng tại các bệnh viện, tận dụng được nguồn lực tại chỗ, việc bổ sung chức danh trợ lý điều dưỡng là cần thiết.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bà NTTH, điều dưỡng một bệnh viện (BV) quận ở TP.HCM, cho biết nơi bà làm việc đang thiếu điều dưỡng, do đó bà và các đồng nghiệp phải choàng gánh nhiều việc, khá vất vả.

Một bệnh nhân nặng đang được điều dưỡng BV quận 11, TP.HCM kiểm tra sinh hiệu. Ảnh: TRẦN NGỌC

Một bệnh nhân nặng đang được điều dưỡng BV quận 11, TP.HCM kiểm tra sinh hiệu.
Ảnh: TRẦN NGỌC

Lo không trụ nổi vì quá mệt mỏi

“Một điều dưỡng đâu chỉ chăm sóc 5-10 bệnh nhân, con số này đôi khi là 30-40. Truyền dịch cho người này xong quay qua cho người khác ăn uống, tiêm cho người này xong lại quay sang thay băng cho người kia… Cứ quay cuồng như thế, có những ngày mệt mỏi đến nỗi ăn không hết phần cơm trưa” - bà H chia sẻ.

“Mới đây, nghe TP.HCM đề xuất bổ sung chức danh trợ lý điều dưỡng, tôi rất ủng hộ. Nếu có trợ lý điều dưỡng giúp người bệnh vệ sinh cá nhân, sắp xếp giường bệnh, hỗ trợ đi lại trong BV, lấy dấu hiệu sinh tồn… thì điều dưỡng chính sẽ đỡ vất vả hơn nhiều” - bà H nói.

Hiện điều dưỡng nghỉ việc khá nhiều, tuyển người mới trình độ CĐ-ĐH lại càng khó nên các BV thiếu điều dưỡng là điều khó tránh.

Tương tự, bà TTMC (điều dưỡng tại một BV tuyến cuối ở TP.HCM) cho biết điều dưỡng là người hỗ trợ người bệnh làm thủ tục nhập viện, chăm sóc người bệnh suốt quá trình điều trị đến khi làm thủ tục cho họ xuất viện.

“Vất vả là vậy nhưng thu nhập khiêm tốn nên nhiều người đã nghỉ việc. Cũng vì vậy mà gánh nặng công việc đè thêm lên vai những người ở lại. Nếu tình trạng này kéo dài, e là sớm muộn tôi cũng sẽ phải rời đi” - bà C trải lòng.

Tôi rất ủng hộ đề xuất bổ sung chức danh trợ lý điều dưỡng để giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực điều dưỡng trong các BV như hiện nay. Bên cạnh đó, người bệnh cũng sẽ được chăm sóc toàn diện tốt hơn.

Ông TRẦN HOÀNG NGÂN,
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Mong đề xuất sớm được thông qua

Phó giám đốc một BV tuyến cuối ở TP.HCM cho biết từ lâu các BV sử dụng điều dưỡng trung cấp. Tuy nhiên, theo lộ trình tới năm 2025 của Bộ Y tế, điều dưỡng phải có trình độ cao đẳng-đại học (CĐ-ĐH) nên BV tạo điều kiện cho điều dưỡng trung cấp đi học nâng cao. Hiện điều dưỡng nghỉ việc khá nhiều, tuyển người mới trình độ CĐ-ĐH lại khó nên các BV thiếu điều dưỡng là điều khó tránh.

“Điều dưỡng trình độ trung cấp còn nhiều nhưng không được tiếp tục làm việc sau năm 2025, vậy có thể chuyển họ qua làm trợ lý điều dưỡng để hỗ trợ điều dưỡng chính (có trình độ CĐ-ĐH) chăm sóc, vệ sinh giường bệnh, hỗ trợ người bệnh… Những việc như thay băng, truyền dịch, tiêm thuốc, nhận định tình trạng sức khỏe bệnh nhân sẽ do điều dưỡng chính đảm nhiệm” - vị này đề xuất.

Theo BS Phạm Quốc Dũng, Giám đốc BV quận 11 (TP.HCM), lộ trình của Bộ Y tế từ nay đến năm 2025 các BV phải hoàn tất việc nâng chuẩn trình độ điều dưỡng lên CĐ-ĐH đã phần nào khiến các BV khó tuyển điều dưỡng. “Trước đây có chức danh hộ lý làm các công việc như tắm rửa, vệ sinh, hỗ trợ ăn uống, vận chuyển bệnh nhân… Nhưng hiện chức danh này không còn nên BV không thể tuyển, những việc trên điều dưỡng phải đảm nhận” - BS Dũng nêu.

“Chức danh trợ lý điều dưỡng nên có để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực hiện nay. Công việc của họ cũng giống hộ lý trước đây là hỗ trợ một phần cho điều dưỡng chính để điều dưỡng chính đỡ vất vả, người bệnh cũng được chăm sóc tốt hơn. Do vậy, tôi mong đề xuất bổ sung chức danh này sớm được thông qua” - BS Dũng nói thêm.•

Cần có chức danh trợ lý điều dưỡng

Theo BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh (TP.HCM), hiện BV chỉ cần 30%-40% điều dưỡng trình độ CĐ-ĐH để làm công tác quản lý, số còn lại chủ yếu chăm sóc người bệnh nên không cần trình độ này. Nên có chức danh trợ lý điều dưỡng và loại hình này giao cho các BV hạng 2 trở lên đào tạo để phục vụ nhu cầu của BV. Riêng điều dưỡng trình độ CĐ-ĐH do các trường đào tạo.

BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho hay trên thế giới ngoài chức danh điều dưỡng chính (có chứng chỉ hành nghề) còn có chức danh trợ lý điều dưỡng (có giấy chứng nhận), được đào tạo ngắn hạn khoảng ba tháng. Lộ trình phát triển hệ thống y tế của Việt Nam đang tiến dần tới hoạt động chăm sóc toàn diện người bệnh, không cần thân nhân đi kèm. Do vậy, rất cần lực lượng trợ lý điều dưỡng để đảm nhận việc chăm sóc bệnh nhân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm