Khi mắc bệnh cần được điều trị, dù là nhẹ hay nặng, điều mà người dân nghĩ đến đầu tiên là ra bệnh viện, ra cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh. Còn việc khám bệnh ở trạm y tế vẫn là điều ít ai mặn mà. Và một thực tế rõ ràng đối với người dân là họ xem trạm y tế chỉ có nhiệm vụ tiêm vaccine và xin thuốc BHYT định kỳ!
“Không tin tưởng”
Có mặt tại Trạm Y tế xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba, Phú Thọ từ sáng sớm, bà Lý Thị Thanh ngồi đợi bác sĩ trưởng trạm khám đến lượt mình. Bà Thanh năm nay đã 53 tuổi, bị đau nhức khớp khi thời tiết chuyển mùa, huyết áp cao. Do nhà neo người, mỗi lần đi khám bệnh gặp nhiều khó khăn nên cứ tầm 2-3 tháng bà lại ra xã để xin thuốc một lần.
“Bệnh già mà, xin thuốc về uống cũng thấy đỡ. Lúc nào người mệt quá không thở được, con tôi đưa thẳng đến BV đa khoa huyện Thanh Ba. Từ trạm y tế xã lên BV huyện thêm có mấy cây số mà cái gì cũng có, vào làm gì trong trạm y tế xã rồi cũng vậy. Con cái nó bảo không tin tưởng trạm y tế xã nên ít khi ra đây khám lắm” - bà Thanh nói.
Bế con trên tay, đến lượt khám cho con vừa cảm cúm chiều qua, chị Đinh Thị Nhung (35 tuổi, Thanh Ba, Phú Thọ) chia sẻ do chồng đi làm thuê ở Lào Cai, không ai đưa đi khám nên sáng nay chị bế con ra Trạm Y tế xã Chí Tiên xin tạm thuốc. “Ở trạm y tế muốn xét nghiệm máu hay gì cũng khó, đến khám thì cứ mấy loại thuốc đơn giản, uống riết nó cũng chả còn tác dụng. Đến thuốc trị tiểu đường trạm còn không có thì ai mà liều mạng đưa bà bầu ra đây đẻ” - chị Đinh Thị Nhung cho biết.
Bác sĩ trưởng Trạm Y tế xã Chí Tiên khám bệnh cho bà con. Ảnh: HÀ PHƯỢNG
4 khó khăn trong phát triển y tế cơ sở
Nhiều ngày thực tế tại các trạm y tế xã vùng cao nhằm nắm bắt khó khăn, hỗ trợ các y, bác sĩ và hướng tới hoàn thành đề án y tế cơ sở cùng với nhiệm vụ mà Nghị quyết Trung ương 6 vừa đề ra, sáng 25-10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có mặt tại Trạm Y tế xã Chí Tiên. Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng phát triển y tế cơ sở là một mục tiêu sắp tới cần phải đạt được mà Nghị quyết Trung ương 6 yêu cầu. Đối với ngành y tế, đây là nhiệm vụ mà ngành đặt ra đã khá lâu nhưng để hoàn thiện tốt thì vẫn còn quá nhiều khó khăn, vướng mắc.
Thực tế, mạng lưới y tế cơ sở khá rộng khắp, dù đã thực hiện khá tốt công tác chăm sóc sức khỏe, dự phòng, tiêm chủng, dinh dưỡng… Mạng lưới nhân viên hiện tại đã phân bổ khá rộng cán bộ từ bác sĩ nữ hộ sinh, điều dưỡng, thậm chí có cô đỡ thôn bản, bác sĩ thôn bản, thế nhưng yếu kém tồn tại vẫn còn khá nhiều.
Để phát triển y tế cơ sở, bộ trưởng chỉ ra bốn khó khăn vẫn còn tồn tại, trong đó điều khó khăn nhất là vùng sâu, vùng xa người dân tiếp cận trạm y tế xã khó khăn do địa bàn.
Thứ hai là chất lượng khám chữa bệnh y tế xã chưa đạt được yêu cầu của người dân nên người dân chưa đến khám. Đa phần người dân muốn vượt lên tuyến trên.
Hiện nay các danh mục thuốc được thụ hưởng bởi BHYT và quyền lợi cho người dân còn quá thấp. Bà Tiến lấy ví dụ, cũng bệnh đó nếu người ta lên huyện sẽ nhận được nhiều thuốc hơn và nhận được nhiều quyền lợi hơn vì gói quyền lợi tuyến xã khá thấp, vì vậy họ không chọn trạm y tế xã.
“Bên cạnh đó, trình độ cán bộ xã không đồng đều, một số nơi cơ sở vật chất xập xệ không thu hút bệnh nhân, cơ chế tài chính, giá dịch vụ chung dù vừa rồi điều chỉnh nhưng thu hút vật chất về cho xã vẫn chưa đạt” - bà Tiến phân tích.
“Để thực hiện được những nội dung mà Nghị quyết Trung ương 6 đề ra, Bộ Y tế cho rằng cần tăng cường đào tạo kiến thức theo hướng y học gia đình, chăm sóc toàn diện cho người dân và có những chương trình đào tạo riêng.
Về hoạt động y tế, không chỉ có khám chữa bệnh mới được hưởng BHYT mà phải tăng cường thêm dự phòng và nâng cao sức khỏe, chăm sóc sức khỏe như các chương trình dinh dưỡng, quản lý các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường... Làm được như vậy mới thu hút người dân xem trạm y tế xã là mặt trận đầu tiên để chăm sóc sức khỏe” - bộ trưởng đưa ra giải pháp.
Bộ trưởng Y tế lên án mạnh việc bác sĩ bị đánh Trong bốn ngày qua, liên tiếp xảy ra hai vụ côn đồ hành hung dã man nhân viên y tế khiến bộ trưởng Bộ Y tế đã phải lên tiếng. Đó là trường hợp chị Trần Thị Thanh Hải, Phó trưởng Trạm Y tế xã Hương Lâm, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, bị chém nhiều nhát vào người trong ca trực. BS Trần Thanh Sơn ở BV Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) trong lúc cấp cứu bệnh nhân bị nhóm côn đồ tấn công đến chấn thương sọ não, vết thương rách mi mắt trái, rách giác mạc, xuất huyết tiền phòng độ III. “Thay mặt Bộ Y tế, tôi nghiêm khắc lên án những hành vi côn đồ, vi phạm pháp luật của những kẻ đã tấn công bạo lực đối với hai thầy thuốc Trần Thị Thanh Hải và Trần Thanh Sơn. Đồng thời Bộ Y tế kêu gọi chính quyền và các cơ quan bảo vệ pháp luật tại Hà Tĩnh và Quảng Bình xem xét và có những hình thức xử phạt thích đáng đối với những kẻ đã gây thương tích cho hai thầy thuốc trên” - Bộ trưởng Kim Tiến bức xúc. Theo Bộ trưởng Kim Tiến, tình trạng thầy thuốc bị hành hung diễn ra ngày một nhiều và đây là thực trạng đau lòng, gây tâm trạng bất an cho đội ngũ nhân viên y tế. Bộ Y tế kêu gọi chính quyền địa phương các cấp chủ động phối hợp với ngành y tế áp dụng những biện pháp an ninh cần thiết để bảo đảm an toàn cho các nhân viên y tế. Các cơ quan y tế phối hợp với công an sở tại triển khai các biện pháp bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân viên y tế. • Ngày 25-10, Công an huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Hoàng Xuân Hải (26 tuổi, trú huyện Hương Khê) để điều tra về tội cố ý gây thương tích khi chém trọng thương nữ phó trạm trưởng trạm y tế. |