Sáng 22-3, Bộ Công Thương cho biết tất cả cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên tuyến biên giới đất liền tiếp giáp với Trung Quốc đã được hai nước công nhận và ba cửa khẩu phụ, lối mở đã được thực hiện xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới.
Tại các địa phương có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn như Quảng Ninh, Lạng Sơn và Lào Cai đã sớm thiết lập quy trình vùng đệm để đẩy nhanh tiến độ thông quan và đảm bảo quy trình kiểm soát, phòng tránh dịch bệnh.
Khu cách ly dành cho các xe chở hàng từ Trung Quốc tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn). Ảnh: AN HIỀN
Vùng đệm là sử dụng địa điểm thuộc khu vực cửa khẩu để làm khu vực cách ly. Lái xe Việt Nam đưa xe vào vùng đệm này.
Lái xe do Ban quản lý cửa khẩu bố trí sẽ đưa xe qua bên kia biên giới giao hàng cho người nhận Trung Quốc, sau đó đánh xe về lại vùng đệm, tiến hành tiêu độc khử trùng vào giao xe lại cho lái xe Việt Nam. Lái xe và người bốc xếp của Ban quản lý cửa khẩu ở lại trong vùng đệm, không vào nội địa.
Theo thống kê, từ ngày 5-2 đến hết ngày 19-3, lượng xuất khẩu hàng hóa các loại qua sáu tỉnh biên giới phía bắc là 24.345 xe.
Bộ Công Thương đánh giá hoạt động thương mại tại khu vực biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới hiện đã và đang dần khôi phục. Tuy nhiên, năng lực thông quan tại các cửa khẩu vẫn còn hạn chế. Đơn cử như tại cửa khẩu Tân Thanh, trung bình mỗi ngày chỉ xuất khẩu được từ 130-150 xe, trong đó sang tải hàng hóa chỉ đạt 50%, số còn lại phải tồn lại tại khu vực Cửa khẩu biên giới phía Pò Chài - Trung Quốc.
Cạnh đó, nhân lực tham gia vào quá trình xuất nhập khẩu, vận chuyển, giao nhận, bốc xếp, sang tải hàng hóa tại khu vực cửa khẩu của cả phía Việt Nam và phía Trung Quốc vẫn còn thiếu.
Thủ tục thông quan chậm so với trước đây vì phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong khi lượng xe và hàng hóa đưa lên cửa khẩu thông quan ngày càng nhiều.
Tính đến hết ngày 19-3, trên toàn tuyến biên giới phía bắc đang tồn khoảng 1.141 xe, trong đó riêng tỉnh Lạng Sơn đã là 1.068 xe, chủ yếu là thanh long, dưa hấu, chuối, xoài, mít.
Đối với tuyến phía tây và phía tây nam, Lào, Campuchia và cả Việt Nam cũng bắt đầu áp dụng các biện pháp chặt chẽ phòng tránh dịch COVID-19 qua cửa khẩu biên giới nên hạn chế và thậm chí ngừng hẳn việc cho phép công dân qua lại biên giới. Do đó, đã bắt đầu phát sinh hiện tượng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại một số cửa khẩu ở các tỉnh giáp biên giới với Lào và Campuchia.
Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Ban chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đề nghị giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Giao thông vận tải khẩn trương xây dựng quy trình về kiểm dịch y tế đối với người và phương tiện vận tải tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không.
Mục đích để thống nhất áp dụng trên toàn quốc theo hướng đảm bảo yêu cầu của phòng, chống dịch bệnh nhưng không gây ảnh hưởng quá mức cần thiết đến lưu thông hàng hóa qua biên giới.