KỶ NIỆM NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM (9-11)

Tôn vinh hiến pháp, pháp luật từ những người ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng

(PLO)- Việc tuyên truyền để pháp luật trở thành ý thức, hành động của từng cá nhân trong xã hội có ý nghĩa quan trọng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-11, vòng chung kết Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc do Bộ Tư pháp tổ chức hai tháng qua đã diễn ra tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm ngày Pháp luật Việt Nam 9-11.

Những câu chuyện mà các hòa giải viên chia sẻ đã cho thấy công tác hòa giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả, triệt tiêu mầm mống dẫn đến tranh chấp, thậm chí vi phạm pháp luật. Việc tuyên truyền để pháp luật trở thành ý thức, hành động của từng cá nhân trong xã hội là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng.

Hàn gắn tình cảm gia đình đã sứt mẻ vì tài sản

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM bên lề vòng chung kết, hòa giải viên Nguyễn Thanh Vũ (Đồng Tháp) kể lại một chuyện buồn xảy ra trong một gia đình có hai anh em. Nhiều năm trước, người anh mất sớm. Người em vai chú được gia đình lớn tin cậy, giao trọng trách quản lý, trông nom đất đai với lưu ý khi cháu ruột trưởng thành thì bàn giao. Nhưng năm tháng qua đi, người cháu nhận thức quyền lợi của mình nên đặt vấn đề thì người chú từ chối…

Trước tình huống này, các hòa giải viên đã gặp gỡ hai bên. Phương pháp là tiếp cận từ góc độ tình cảm, lồng ghép tuyên truyền pháp luật để các bên ngấm dần.

Hoi-thi-Hoa-giai-vien-toan-quoc.jpg
Phần thi của một đơn vị tại hội thi ngày 8-11. Ảnh: XN

“Đối chiếu luật dân sự thì đây là tranh chấp giữa người quản lý tài sản thừa kế và người thừa kế. Người quản lý tài sản thừa kế có nghĩa vụ trả lại cho người thừa kế khi có yêu cầu. Luật là vậy nhưng bắt tay vào việc, tôi dùng các câu chuyện tình làng nghĩa xóm ở địa phương, nhấn mạnh truyền thống máu chảy ruột mềm, giọt máu đào hơn ao nước lã để thuyết phục” - ông Vũ chia sẻ.

Cứ kiên trì vận động thuyết phục như vậy, người chú nghe theo hòa giải viên bàn giao tài sản của người anh đã mất cho cháu. Tình cảm ruột thịt dù đã sứt mẻ trong thời gian dài tranh chấp, nay có cơ hội hàn gắn.

Từ những tranh chấp đơn giản trong cộng đồng, làng xóm như vậy, qua thực tế kinh nghiệm, ông Vũ chia sẻ rằng để hóa giải thành công, hòa giải viên nên tiếp cận với tinh thần nối nhịp yêu thương, gắn kết nghĩa tình. Cứ thế việc lớn hóa thành nhỏ, việc nhỏ hóa không, tình cảm đôi bên tranh chấp phục hồi, dễ đi đến hài hòa lợi ích.

Đường ven biển vướng nhà cựu chiến binh

Các hòa giải viên tỉnh Ninh Bình chia sẻ câu chuyện: Một gia đình cựu chiến binh có truyền thống cách mạng, luôn chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật, tham gia tích cực các công việc thôn xóm. Tuy nhiên, người vợ của chủ nhà kiên quyết không nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng khi địa phương triển khai dự án đường ven biển dù dự án này có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế cũng như quốc phòng an ninh. Sở dĩ bà cương quyết là do bà thấy đất nhà bà được bồi thường ít hơn so với hàng xóm liền kề.

“Cả đời lam lũ vất vả, người vợ mong muốn khoản tiền bồi thường để sửa sang nhà cửa, nơi thờ tự” - hòa giải viên Phạm Văn Thi kể.

Mổ xẻ sự việc thì nguồn gốc là các quy định hiện hành về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Cùng là đất đấy nhưng mỗi loại đất khác nhau thì định giá bồi thường khác nhau. Đất của gia đình cựu chiến binh này xen kẽ nhiều loại đất: đất ở, đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm,

Hòa giải viên phải kiên nhẫn giải thích rằng chế độ quản lý đất đai vốn phức tạp để gia đình này hiểu, khỏi so bì với hàng xóm. Sau khi được giải thích, họ đã chấp hành. Địa phương có mặt bằng sạch để đơn vị thi công thực hiện tuyến đường ven biển.

“Miếng trầu là đầu câu chuyện. Có khi rẽ qua uống nước, thậm chí nhâm nhi chén rượu với bà con để có cớ nghe họ tâm sự, giãi bày. Cùng làng xóm với nhau, người làm công tác hòa giải dễ nắm bắt, tìm hiểu tính cách, điều kiện hoàn cảnh của các gia đình có tranh chấp, mâu thuẫn. Từ đó, hòa giải viên có cách giải thích pháp luật dễ vào lòng dân hơn là cán bộ chính quyền” - ông Thi chia sẻ kinh nghiệm.

Công tác hòa giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả, mà còn triệt tiêu mầm mống dẫn đến tranh chấp, thậm chí vi phạm pháp luật.

Chuyển hóa người chồng nát rượu

Có những mâu thuẫn xuất phát từ quan hệ con người, quan hệ trong gia đình với nhau, không dễ dùng luật để giải thích được. Hòa giải viên Thân Thị Thu Thủy nhớ lại bà từng được phân công hòa giải cho một gia đình có người chồng nát rượu, thường xuyên “động chân, động tay” với vợ con, lại tư duy lạc hậu. Qua tìm hiểu, bà biết được rằng người vợ và các con nhiều lần bị chồng đánh nhưng không dám nói.

“Đầu tiên phải xác minh nguyên nhân. Nếu người vợ không tố cáo thì phải tìm hiểu từ những người xung quanh để xem bạo hành gia đình đến từ đâu, vì sao” - bà Thủy nói.

Tổ hòa giải đã kết hợp với các tổ chức đoàn thể đến vận động, tuyên truyền. Trước tiên làm dịu cơn nóng của người chồng, sau đó mới phân tích hành vi bạo hành vợ con là sai về tình cảm, sai về trách nhiệm, sai về truyền thống văn hóa.

“Sau cùng mới đưa quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình để nhắc nhở. Hòa giải trường hợp này mà không khéo, quy trình ngược thì thành đổ thêm dầu vào lửa. Khi đã nói chuyện được với nhau thì họ sẽ dần dần hiểu. Cứ thế khuyên nhủ vợ chồng có mâu thuẫn thì cần thẳng thắn trao đổi. Trong nhà người này giận thì người kia dịu lại, cơm sôi bớt lửa. Qua cơn nóng thì mới nói chuyện đúng sai, mới lấy luật để nói lý được” - bà Thủy cho biết.

Tìm kiếm hòa giải viên xuất sắc

Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV là hoạt động do Bộ Tư pháp phát động, hướng tới ngày Pháp luật Việt Nam 9-11, qua đó tôn vinh hiến pháp, pháp luật, giá trị pháp quyền Việt Nam XHCN và những người làm công tác pháp luật.

Qua vòng thi đầu, ba miền Bắc, Trung, Nam đã chọn được 14 đội hòa giải viên xuất sắc của các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Đồng Tháp, Đồng Nai, Đắk Lắk.

Vòng thi toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội hôm qua, 8-11.

Giải nhất: Hà Tĩnh. Giải nhì: Thanh Hóa, Nghệ An. Giải ba: Hà Nội,

Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Bình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm