Tổng Bí thư nêu rõ lý do cần có Nghị quyết mới cho vùng Đông Nam Bộ

(PLO)- Tổng Bí thư nêu rõ Vùng Đông Nam Bộ là vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.

Hội nghị toàn quốc trực tiếp kết hợp với trực tuyến quán triệt và triển khai Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị ngày 7-10-2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị tổ chức vào ngày 23-10.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích, nhấn mạnh thêm một số vấn đề và tập trung vào trả lời ba câu hỏi.

Thứ nhất là vì sao vào lúc này Bộ Chính trị lại phải bàn và ra Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thứ hai là những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết lần này. Thứ ba là cần làm gì và làm như thế nào để thực hiện có kết quả Nghị quyết, biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: TTXVN

Góp phần tạo sự chuyển biến có tính đột phá

Lý giải vì sao lúc này Bộ Chính trị lại phải bàn và ra Nghị quyết mới về vùng Đông Nam Bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ Vùng Đông Nam Bộ là vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.

Để phát huy vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Vùng, ngày 29-8-2005, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết 53/NQ-TW và ngày 2-8-2012, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Kết luận 27/KL-TW về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và thời kỳ 2011 – 2020.

Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị khóa IX và khóa XI, các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân trong Vùng đã phát huy truyền thống đoàn kết, cách mạng và tinh thần đổi mới, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, liên tục phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội của Vùng còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức lớn như: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Một số chỉ tiêu quan trọng đề ra chưa đạt được. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Vùng có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước. Tình trạng tắc nghẽn giao thông, ngập úng nghiêm trọng tại TP.HCM vẫn chưa được khắc phục. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Liên kết nội vùng và liên vùng có mặt còn hình thức, thiếu chặt chẽ, hiệu quả thấp. An ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, thậm chí có nguy cơ mất ổn định...

Tình hình thực tế đã đặt ra yêu cầu phải khẩn trương, nghiêm túc tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 53/NQ-TW của Bộ Chính trị khóa IX; Kết luận 27/KL-TW của Bộ Chính trị khoá XI và nghiên cứu xây dựng, ban hành Nghị quyết mới về vấn đề đặc biệt quan trọng này, góp phần tạo ra sự chuyển biến có tính đột phá trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Đông Nam Bộ trong giai đoạn phát triển mới.

Tổng bí thư phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết

Liên quan đến nội dung về những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, có ba điểm đáng chú ý.

Thứ nhất là về quan điểm, nhận thức và tư tưởng chỉ đạo, Nghị quyết lần này đã quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; kế thừa, bổ sung, phát triển các quan điểm của Nghị quyết 53/NQ-TW thành những quan điểm chỉ đạo mới, phù hợp với bối cảnh, tình hình mới.

Ở đây có nhiều nội dung thể hiện rất rõ tinh thần đổi mới, ý chí rất cao của Đảng ta quyết tâm tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, có tính đột phá trong việc phát triển vùng Đông Nam Bộ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Thứ hai, về mục tiêu và tầm nhìn, có thể xem đây là nội dung hoàn toàn mới. Nghị quyết lần này đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ ba, về nhiệm vụ và giải pháp, Nghị quyết lần này đề ra khá đầy đủ, đồng bộ và mới mẻ các giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, bao gồm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phát triển nhanh, bền vững, tạo bước đột phá trong kinh tế vùng; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị; về phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị;... với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, nhằm thực hiện thành công các đột phá chiến lược về thể chế, chính sách vượt trội; về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; và về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý - vốn đang là những khó khăn, thách thức lớn nhất hiện nay của Vùng, đặc biệt là TP.HCM.

Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: TTXVN

Tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành

Đề cập đến nội dung phải làm gì và làm như thế nào để thực hiện cho bằng được và có kết quả cụ thể Nghị quyết lần này về Vùng Đông Nam Bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết, nắm thật vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm. Trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm của cả nước, của toàn Vùng, của từng địa phương trong Vùng; của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.

Trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, phải đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển Vùng. Đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành phát triển của từng địa phương, lấy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực phát triển của Vùng. Huy động tối đa nguồn lực cho phát triển của Vùng, trong đó xác định lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; kết hợp hài hòa với ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Tổng bí thư đề nghị Chính phủ và các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong Vùng, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển Vùng.

Tổ chức thực hiện thật tốt quy hoạch phát triển Vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tích hợp, đa ngành; gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ; giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; giữa phát triển kinh tế với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn; hình thành cho được các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm của Vùng.

Tăng cường, nâng cao, làm tốt hơn nữa công tác xây dựng bộ máy tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực và chất lượng lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp uỷ, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ.

Vùng Đông Nam Bộ bao gồm TP.HCM và 5 tỉnh trực thuộc Trung ương: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây là vùng có địa hình rộng, thoáng, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp và đô thị, xây dựng hệ thống giao thông vận tải...

Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của vùng Đông Nam Bộ tăng gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010, vượt mục tiêu đề ra.

Vùng Đông Nam Bộ đã đóng góp 32% GDP của cả nước, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 cao nhất cả nước. Tỉ lệ đô thị hóa của vùng Đông Nam Bộ đạt 67%; diện mạo đô thị ngày càng đổi mới, hiện đại; tỉ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 79,5%, đứng thứ hai trong các vùng của cả nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới