Theo Sở GTVT tỉnh Tây Ninh, mạng lưới đường bộ địa phương tuy nhiều nhưng có quy mô nhỏ, chủ yếu là đường cấp IV. Các tuyến đường hầu hết được đầu tư rất lâu và đang dần xuống cấp, việc kết nối với với các tỉnh, thành lân cận chưa được thông suốt, không đáp ứng nhu cầu vận tải. Chính vì vậy, năm 2021 tỉnh Tây Ninh sẽ tiến hành khởi công ba dự án giao thông kết nối với khu vực Đông Nam bộ, với tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỉ đồng.
Hạ tầng kết nối còn quá ít
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông (QLDA) tỉnh Tây Ninh cho biết mạng lưới đường bộ trên địa bàn có hơn 8.200 km. Trong đó, đường bộ do trung ương quản lý có ba tuyến quốc lộ (QL), đây là các trục đường chính kết nối Tây Ninh với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cũng như vùng Đông Nam bộ. Đường bộ địa phương quản lý có tổng chiều dài 8.128 km (chiếm 98,14%), gồm đường tỉnh dài 740 km, đường trục chính đô thị dài 376 km và 7.012 km đường giao thông nông thôn.
Có thể thấy mạng lưới đường bộ phân bổ tương đối đồng đều cơ bản đã hình thành các trục giao thông chính kết nối từ trung tâm tỉnh đến các huyện và các tỉnh, thành lân cận như các trục dọc theo hướng Bắc - Nam để kết nối với TP.HCM. Cụ thể gồm QL22, QL22B, ĐT.782 - ĐT.784, ĐT.793... Các trục ngang để kết nối với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Long An gồm ĐT.781, ĐT.786, ĐT.787, Trà Võ - Đất Sét và Đất Sét - Bến Củi...
Ba dự án giao thông liên vùng hơn 4.500 tỉ sắp được khởi công.
Đồ họa: THÙY TRANG
Tuy nhiên, hạ tầng giao thông kết nối Tây Ninh với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ít, có quy mô nhỏ, nhất là kết nối với TP.HCM. Hiện nay gần như chỉ có tuyến QL22, hiện đã xuống cấp và mãn tải nhưng chưa được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Do vậy vào giờ cao điểm, đoạn từ Củ Chi đến An Sương và một số đoạn qua Khu công nghiệp Trảng Bàng, đô thị Trảng Bàng và đô thị Gò Dầu luôn bị ùn tắc, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hộ khu vực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông quốc gia qua địa bàn tỉnh rất thấp, chiếm 1,86% mạng lưới đường bộ toàn tỉnh. Các tuyến này đã đầu tư rất lâu, có quy mô nhỏ và đi xuyên qua các đô thị, khu dân cư. Trong khi đó mạng lưới đường cao tốc và đường sắt đã có quy hoạch nhưng chưa được đầu tư.
Khởi công ba dự án
Ban QLDA tỉnh Tây Ninh cho biết để giải quyết những điểm nghẽn về giao thông, việc đầu tư các dự án kết nối giao thông giữa Tây Ninh và các tỉnh Đông Nam bộ là rất cần thiết và cấp bách. Các dự án này sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ thống đường bộ kết nối tỉnh Long An - Tây Ninh - TP.HCM - Bình Dương, Bình Phước và sẽ kết nối các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đường liên tuyến kết nối vùng N8 - 787B - 789 sau khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ thống đường liên tuyến kết nối Long An - Tây Ninh - TP.HCM - Bình Dương, qua địa bàn tỉnh Tây Ninh. Đồng thời kết nối Khu công nghiệp Thành Thành Công, Khu chế xuất Linh Trung III, khu đa chức năng xã Hưng Thuận gồm trung tâm logistics, cảng ICD và cụm cảng đường thủy nội địa (thuộc thị xã Trảng Bàng)… |
Theo đó, năm 2021 tỉnh Tây Ninh sẽ khởi công ba dự án gồm đường liên tuyến kết nối vùng N8 - 787B - 789, dự án đường ĐT.794 và dự án nâng cấp, mở rộng ĐT.795. Sau khi các tuyến đường hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận chuyển, kết nối vùng nguyên liệu về nhà máy chế biến, tạo điều kiện thuận lợi giao thương hàng hóa trong vùng.
Ban QLDA tỉnh cũng cho biết các dự án trên, hiện chủ đầu tư kết hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng thi công theo từng giai đoạn phù hợp với tiến độ xây dựng.
Ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh, cho biết các tuyến đường trên sau khi hình thành sẽ từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đối nội và đối ngoại, kết nối giao thông liên kết vùng với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ đó sẽ rút ngắn khoảng cách giữa các tỉnh, thành trong khu vực, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa; tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, thương mại dịch vụ, du lịch và đảm bảo an ninh quốc phòng.•
Dự án đường liên tuyến kết nối vùng N8 - 787B - 789 được xây dựng tại thị xã Trảng Bàng và huyện Dương Minh Châu. Điểm đầu tại ngã ba đường ĐT.787A giao với đường An Phú - An Hòa và điểm cuối tại cầu Bến Củi giáp ranh tỉnh Bình Dương. Dự án được chia thành ba dự án thành phần gồm: thành phần 1 - đường N8 khởi công trong năm 2023, dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026; thành phần 2 - đường ĐT.787B khởi công cuối tháng 9-2021 và thành phần 3 - đường ĐT.789 khởi công tháng 12-2021. Tổng mức đầu tư cả tuyến đường này là 3.417 tỉ đồng, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương và địa phương. Dự án đường ĐT.794 đoạn từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn (giai đoạn 2), được xây dựng trên địa bàn huyện Tân Châu. Điểm đầu của dự án giao với ĐT.785 tại ngã ba Kà Tum và điểm cuối tại Km16+000 theo hướng tuyến (gần cầu Suối Ngô). Dự án dự kiến khởi công cuối tháng 6-2021 và hoàn thành toàn bộ dự án năm 2024. Tổng mức đầu tư hơn 499 tỉ đồng. Dự án nâng cấp, mở rộng ĐT.795 đi qua địa bàn huyện Tân Biên và huyện Tân Châu có điểm đầu giao với QL22B tại Km69+560, thị trấn Tân Biên và điểm cuối giáp với bờ hồ Dầu Tiếng, xã Tân Thành. Tổng mức đầu tư hơn 608 tỉ đồng, dự kiến khởi công cuối tháng 9-2021 và hoàn thành toàn bộ dự án năm 2024. |