Ngày 12-7, tại TP.HCM đã diễn ra hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 53/2005 và Kết luận 27/2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTBC |
Ai cũng mạnh nhưng mạnh ai nấy làm
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận trong nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 53 cần xác định mục tiêu đến giai đoạn 2030-2045, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam bộ phải đạt mục tiêu cao hơn mục tiêu cả nước đã đề ra vì khu vực này vừa đóng góp thực hiện mục tiêu đó vừa làm lực kéo, làm đầu kéo cho cả nước.
Theo ông Mãi, khu vực này phải là đầu tàu và là trung tâm của khu vực và quốc tế.
Vì thế, theo ông Mãi, các địa phương trong vùng phải thống nhất vai trò sứ mệnh của mình trên cơ sở lợi thế của các địa phương và phân công công việc. “Thời gian qua cái này chúng ta làm không được nhiều và gần như không được gì, chúng ta hay nói mạnh nhất là mạnh ai nấy làm mà chỗ này cần phải ngồi lại” - ông Mãi nhìn nhận.
Chú trọng việc liên kết vùng, ông Mãi cho rằng hội đồng vùng cần được thành lập lại, phân công theo dõi, xác định các mục tiêu lớn và chỉ tiêu nhỏ hơn của vùng. Từ đó có sự giám sát tiến độ, trách nhiệm, khi nguồn lực chưa được huy động đúng thì có cơ chế cảnh báo; chưa kể để làm được việc này thì cần bộ máy giúp việc và có kinh phí chi trả cho bộ máy này.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, nếu thay đổi toàn bộ cơ cấu kinh tế, có tầm nhìn mới, tổ chức thực hiện tốt thì có thể TP.HCM tăng trưởng đến hai con số.
Cũng theo ông Mãi, cần có cơ chế sử dụng các nhà quản lý có kinh nghiệm, có thể là những lãnh đạo về hưu, chuyên gia giúp các hội đồng vùng giám sát được mục tiêu tiến độ, những vấn đề phát sinh. Qua đó kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý ngay, không cồng kềnh, không phát sinh thêm gánh nặng ngân sách nhưng cũng rất hiệu quả.
Ông Mãi cũng đề xuất hội đồng vùng cần xác định dự án trọng tâm, trọng điểm và từng giai đoạn thực hiện. Ông Mãi dẫn chứng về cơ chế tài chính cho đường vành đai 3 có một phần vốn trung ương và vốn địa phương. Sắp tới, các dự án của vùng cần có nguồn vốn trung ương, như thế mở ra được nguồn lực từ trung ương đến địa phương và kể cả nguồn lực xã hội.
Chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận cần có cơ chế vùng với sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, rõ ràng để vùng có điều kiện thực hiện.
“Không phải như bây giờ, giao về cho vùng, vùng giao về cho các địa phương nhưng khi đi vào chi tiết thì phải hỏi bộ, bộ lại nói làm theo quy định pháp luật thì rất khó hoạt động” - ông Mãi phân tích.
Hội đồng vùng không phải là cơ quan cấp trên của tỉnh
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam không nên chỉ so sánh trong nước, mà phải so sánh với quốc tế mới xứng tầm, từ đó đề xuất những cơ chế để phát triển.
Liên quan đến cơ chế liên kết vùng, ông Dũng cho biết đây không phải là vấn đề mới, các bộ, ngành đã nghiên cứu rất sâu và rất lâu nhưng không làm được. Theo ông Dũng, một số nước như Pháp, Bỉ có chính quyền vùng, ngân sách vùng nhưng luật pháp Việt Nam không có “tính vùng” nên không có thể chế riêng cho từng vùng.
“Cơ quan vùng không phải là cơ quan cấp trên của tỉnh, TP; không chính danh, không có địa vị pháp lý nên không có quyền lực, không có ngân sách” - ông Dũng phân tích và nhấn mạnh hội đồng vùng không phải là cấp trên của tỉnh; Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công… cũng không có ngân sách cho hội đồng vùng.
Ông Dũng đề nghị dựa trên hiện trạng của thể chế, cần nghiên cứu vấn đề này sâu hơn, đề xuất thế nào là hội đồng vùng, quy chế phối hợp, điều phối, ngân sách, thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của hội đồng vùng trong bối cảnh không có thể chế của một cấp chính quyền vùng.
Cần nghĩ đến một TP tài chính
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng trong vùng Đông Nam bộ, TP.HCM là cực tăng trưởng, trung tâm lớn nhất của vùng, quyết định cho sự phát triển của cả vùng. Do đó, cần xác định cơ hội, định hình lại để tính bước phát triển thời gian tới. Từ định hướng đó thì có kiến nghị gì về cơ chế, chính sách.
“TP.HCM và vùng Đông Nam bộ này phải có những cơ chế, chính sách mới. Những cơ chế này phải đặc thù, vượt trội so với cả nước, cạnh tranh với quốc tế” - ông Dũng nói và cho rằng TP không nên chỉ dừng lại ở mức tăng trưởng 7%-8%. Nếu thay đổi toàn bộ cơ cấu kinh tế, có tầm nhìn mới, tổ chức thực hiện tốt thì có thể TP.HCM tăng trưởng đến hai con số. Tăng trưởng này không chỉ trong vài năm, mà có thể kéo dài hàng chục năm, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Cũng theo ông Dũng, để đạt được các mục tiêu, sứ mệnh của mình, TP cần kiến nghị cơ chế, chính sách vượt trội, cạnh tranh, đặc thù mà TP đang cần. “Quan trọng nhất, những gì mới, TP.HCM được thí điểm áp dụng làm trước. Chứ TP.HCM cũng đi như các địa phương, áp dụng dùng cơ chế chung thì rất khó” - ông Dũng nói và cho rằng những mô hình mới, yếu tố mới, cơ chế, chính sách thì TP nên thí điểm, áp dụng làm trước và TP cần mạnh dạn đề nghị lên Bộ Chính trị.
Liên quan đến trung tâm tài chính quốc tế của TP.HCM, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết việc này đã đưa vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nên bây giờ phải thực hiện. Vừa qua, TP có vài bước tiến nhưng đang chậm.
Theo ông Dũng, không nên dừng lại ở trung tâm tài chính mà cần một ý tưởng lớn hơn, đó là hình thành một TP tài chính.
“Một nền kinh tế xoay quanh trung tâm tài chính sẽ đóng góp lớn hơn cho TP và đất nước mà không phải ở Thủ Thiêm; Thủ Thiêm chỉ là cái lõi được làm trước” - ông Dũng nói và gợi ý nên phát triển về vùng Cần Giờ mà không đụng đến vùng rừng sinh quyển.