Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã gửi thông báo kết quả kiểm toán cho chủ tịch UBND TP.HCM và Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) về việc sử dụng sai 1.900 ha đất và đề nghị yêu cầu xử lý.
Tổng kiểm toán còn nêu việc sử dụng vốn ở SAGRI còn nhiều hạn chế.
Mất 12 tỉ đồng tạm ứng
Theo KTNN, SAGRI nhập toàn bộ khoản dự phòng trên 36 tỉ đồng đã trích lập đến thời điểm 31-12-2017 vào kết quả kinh doanh năm 2017 để cổ phần hóa là không phù hợp quy định của Bộ Tài chính.
Mặt khác, SAGRI và một thành viên của SAGRI là Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM chưa trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi theo quy định. Liên quan đến vấn đề này, SAGRI và Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM đã không yêu cầu Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư Đức Nguyên cung cấp chứng từ tương đương với số tiền 12 tỉ đồng đã tạm ứng. Đây là số tiền mà SAGRI đã bỏ ra để thuê Công ty Đức Nguyên hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn để UBND tỉnh Đắk Lắk giao 4.000 ha đất tại huyện Ea Súp cho SAGRI thực hiện dự án trồng cây cao su. “Hiện khoản tạm ứng này khó có khả năng thu hồi” - KTNN nêu.
Theo KTNN, hợp đồng tư vấn giữa SAGRI với Công ty Đức Nguyên được ký vào tháng 10-2011, đến tháng 5-2012 thì cho ứng 12 tỉ đồng. SAGRI và Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM đã không yêu cầu Công ty Đức Nguyên cung cấp chứng từ thế chấp tài sản hợp pháp hoặc chứng thư bảo lãnh của ngân hàng.
Hơn một năm sau, khi hai bên ký phụ lục thì mới bổ sung điều khoản yêu cầu Công ty Đức Nguyên phải cung cấp chứng từ thế chấp tài sản hoặc chứng thư bảo lãnh nhưng đến tháng 5-2016, UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi chủ trương cho SAGRI khảo sát, lập dự án trồng rừng và cây công nghiệp.
Như vậy, theo KTNN, dự án trồng cây cao su tại Đắk Lắk của SAGRI và Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM không thể tiếp tục và 12 tỉ đồng nói trên “khó có khả năng thu hồi”.
Đến cuối năm 2017, Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM thực hiện đối chiếu xác nhận nợ nhưng Công ty Đức Nguyên không có phản hồi, SAGRI đã gửi văn bản đề nghị Công an tỉnh Đắk Lắk điều tra vụ việc.
Trụ sở SAGRI trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: TL
Đầu tư lỗ hàng trăm tỉ đồng
Đến cuối năm 2017, SAGRI đã đầu tư vốn vào 25 doanh nghiệp với giá trị ghi sổ kế toán là hơn 1.000 tỉ đồng (năm công ty con, 11 công ty liên kết và chín doanh nghiệp khác) nhưng có 9/25 doanh nghiệp kinh doanh lỗ; 10/25 doanh nghiệp lỗ lũy kế đến thời điểm 31-12-2017 với số lỗ là hơn 380 tỉ đồng. Trong đó có công ty ngưng hoạt động (Công ty CP Nhựa Tân Hóa ngưng hoạt động từ năm 2014), chưa đi vào hoạt động (Công ty CP Sinh thái văn hóa Vĩnh Lộc)…
KTNN cũng nhận xét: Với khoản đầu tư trên, lẽ ra SAGRI phải trích dự phòng theo quy định hơn 100 tỉ đồng nhưng SAGRI không làm điều này.
Ngoài ra, SAGRI đã ký ba hợp đồng vay ngoại tệ và một hợp đồng vay VND với mục đích vay “bổ sung vốn lưu động” nhưng lại đem số tiền vay được đi gửi có kỳ hạn tại ngân hàng khác, không đúng mục đích vay và lỗ hơn 12 tỉ đồng do chênh lệch tỉ giá…
1.690 tỉ đồng vốn điều lệ, SAGRI còn quản lý sử dụng 45 nhà, đất với tổng diện tích gần 6.300 ha đất, chủ yếu tại TP.HCM. |
Xử lý tài chính, xác định trách nhiệm
KTNN đề nghị SAGRI và bốn công ty con được kiểm toán phải nộp thêm cho ngân sách gần 26 tỉ đồng. SAGRI và Công ty TNHH MTV Cây trồng TP.HCM nộp số lợi nhuận từ việc cho thuê tài sản hơn 11 tỉ đồng và đề nghị xử lý tài chính hàng tỉ đồng khác ở bốn dự án đã được kiểm toán.
KTNN đề nghị Công ty TNHH MTV Bò sữa TP.HCM có biện pháp thu hồi ngay 12 tỉ đồng đã tạm ứng cho Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư Đức Nguyên, “chấm dứt việc vay và sử dụng vốn vay không đúng mục đích”.
Về đầu tư tài chính, KTNN đề nghị SAGRI “kiểm điểm, xác định trách nhiệm của người đại diện vốn tại Công ty TNHH Nước mắm Việt Hương Hải vì để công ty này lỗ liên tục từ năm 2015 đến nay”. Rút kinh nghiệm đối với người đại diện vốn, có biện pháp quản lý kịp thời để tránh thất thoát vốn đầu tư tại các công ty liên doanh, liên kết có kết quả kinh doanh lỗ.
KTNN cũng đề nghị chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo SAGRI tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm của tập thể và cá nhân đối với các hạn chế nêu trên…
Luật Kiểm toán 2015 đã quy định: Báo cáo kiểm toán của KTNN sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Báo cáo kiểm toán của KTNN cũng là cơ sở để Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan khác của Nhà nước sử dụng trong công tác quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình. |