Chiều 26-11, tại Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai tổ chức hội nghị công phòng chống thiên tai năm 2021 tại các tỉnh miền Trung. Ngoài 10 tỉnh, TP khu vực miền Trung và một số Bộ, ngành, hội nghị còn kết nối trực tuyến với các huyện, xã trọng điểm về phòng chống thiên tai từ Nghệ An đến Phú Yên.
Trong năm năm 2020, mưa lũ lịch sử, lũ quét, sạt lở đất xảy ra trên diện rộng gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản cho khu vực miền Trung.
Chỉ từ tháng 9 đến 11-2020, liên tiếp 4 đợt lũ lớn trên 16 tuyến sông chính trong khu vực đã vượt mức báo động 3, trong đó có 7 tuyến sông tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã vượt mức nước lũ lịch sử.
Ngập lụt sâu, kéo dài trên diện rộng tại 7 tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam, trong đó cao điểm là vào ngày 12 và 19-10-2020 đã có trên 317.000 hộ với trên 1,2 triệu nhân khẩu bị ngập lụt.
Riêng Quảng Bình ngập gần như toàn tỉnh, 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy ngập lụt sâu, có nơi ngập từ 5-9m thời gian kéo dài gần nửa tháng. Thiệt hại về kinh tế ước tính trên 36.000 tỉ đồng.
Hội nghị kết nối trực tuyến với các huyện, xã trọng điểm về phòng chống thiên tai từ Nghệ An đến Phú Yên. Ảnh: T.AN
Từ giữa tháng 9-2021 đến nay, khu vực miền Trung chịu ảnh hưởng liên tiếp 4 cơn bão (số 5, 6, 7, 8) và 5 đợt mưa lớn.
Bão, mưa, lũ đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản và làm ảnh hưởng đến công tác khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai, nhất là trong bối cảnh COVID-19 kéo dài, diễn biến phức tạp.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) cho biết năm 2020, địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề của bão số 9, 10 cùng với đó là đợt mưa lũ, sạt lở lịch sử chưa từng có trong 60 năm qua. Hậu quả khiến nhiều người chết và mất tích, hàng chục ngôi nhà bị đổ, vùi lấp, nhiều công trình hạ tầng, giao thông bị chia cắt, hư hại.
“6 tháng đầu năm 2021, địa phương tập trung mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả, hỗ trợ sinh kế cho bà con ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, thiên tai, dịch bệnh khiến huyện vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Chúng tôi rất mong nhận được quan tâm, hỗ trợ thêm để địa phương tái thiết sau thiên tai”- ông cho hay.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, thiên tai đã ảnh hưởng ghê gớm tới địa phương trong năm 2020, ước thiệt hại khoảng 11.000 tỉ đồng. Hiện địa phương đã ổn dù vẫn chưa phục hồi được như ban đầu.
“Thực tế cho thấy phương châm ”4 tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ - PV) trong phòng chống thiên tai là cực kỳ quan trọng...”- ông Bửu cho hay.
Ông Trần Quang Hoài (Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.AN
Theo ông Bửu, một trong những giải pháp lâu dài để phòng chống thiên tai là trồng rừng. Địa phương đang tích cực đẩy mạnh gắn lợi ích của người dân vào việc trồng rừng, bảo đảm kinh tế cho bà con bằng việc khuyến khích họ trồng sâm Ngọc Linh tại 7 huyện với phương châm "có cánh rừng mới trồng sâm". Hiện Quảng Nam cũng đang bán tín chỉ carbon (CO2). Đây là tín hiệu vui cả cho sự phát triển kinh tế lẫn công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng.
Trước tình hình thiên tai phức tạp, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương chủ động, sẵn sàng ứng phó với bão, mưa lũ còn có thể xảy ra trong tháng 12, đảm bảo an toàn về người và sản xuất.
Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các công trình khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020 đảm bảo tiến độ, chất lượng, làm cơ sở để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xóa tạm cấp; huy động nguồn lực khắc phục hậu quả mưa lũ từ tháng 9-11/2021 vừa qua.
Cạnh đó, rà soát phương án ứng phó với thiên tai trong thời gian còn lại của năm 2021 và 2022, nhất là ứng phó với bão mạnh, lũ lớn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp kéo dài. Trong đó phát huy việc sơ tán xen ghép tại chỗ như trong thời gian qua để tránh lây lan dịch bệnh.