Theo đó, trên cơ sở kết quả rà soát, Chính phủ sẽ trực tiếp hoặc kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung pháp luật, tháo gỡ vướng mắc, bất cập chồng chéo ấy, qua đó giải phóng mọi nguồn lực, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ, kinh tế-xã hội phát triển.
Trong các đề mục của nghị quyết, đây là giải pháp đầu tiên nhằm thực hiện nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, hội nhập, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và phát triển, đồng thời tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh.
Trước đó, theo yêu cầu của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình và văn bản từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tư pháp đã có báo cáo về việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo các lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ. Theo đó, công tác này đã được triển khai liên tục từ cuối năm 2016 đến nay.
Kết quả rà soát đầu tiên, hồi tháng 2-2017, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ đã lên danh mục các văn liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh cần sửa đổi gồm 16 luật, nghị quyết của Quốc hội; 18 nghị định, hai quyết định của Thủ tướng; 26 thông tư của các bộ…
Đến tháng 10-2018, Bộ Tư pháp tiếp tục có báo cáo việc rà soát các quy định liên quan đến việc tiếp cận đất đai của người dân, doanh nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Lần này kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới chín luật, 18 nghị định, 18 thông tư.
Ở cấp độ luật, trong hai danh mục đề xuất trên, đến nay Quốc hội đã hoàn tất sửa đổi toàn diện năm luật; sáu luật khác đang được tiến hành sửa đổi theo chương trình làm luật 2019, 2020 của Quốc hội; tám luật chưa được đưa vào chương trình làm việc của Quốc hội.
Hiện tại, Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ đã xây dựng xong dự thảo kế hoạch rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó lưu ý các đòi hỏi mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Thủ tướng sẽ sớm ký quyết định ban hành kế hoạch rà soát này, mà theo dự thảo sẽ bao trùm tất cả văn bản quy phạm pháp luật được ban hành tới 30-6-2020 và còn hiệu lực. Tất cả các bộ sẽ phải vào cuộc, để tháng 8-2020 có báo cáo tổng hợp chung kết quả rà soát, trình Thủ tướng.
NGHĨA NHÂN