Tổng thống Pháp khởi động chuyến công du đến Trung Quốc (TQ) với điểm dừng chân đầu tiên là TP Tây An. Chuyến công du đặt kỳ vọng thúc đẩy quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và TQ.
Phát biểu ngày 8-1 trước các học giả, doanh nhân và sinh viên tại Cung điện Đại Minh ở cố đô Tây An của nhà Đường, TQ, ông Macron nhận định: “Con đường tơ lụa cổ đại không phải chỉ có mỗi TQ. Những con đường này luôn được chia sẻ. Đã là đường thì chúng không thể một chiều được”. Ông cho rằng TQ và châu Âu cần hợp tác đối với sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân đến thăm TP Tây An, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” được TQ hé lộ vào năm 2013, nhằm mục đích kết nối TQ qua đường bộ và đường biển với Đông Nam Á, Pakistan, Trung Á và xa hơn nữa là đến Trung Đông, châu Âu và châu Phi. Trong hội nghị thượng đỉnh vào tháng 5-2017, ông Tập Cận Bình đã hứa sẽ rót 124 tỉ USD cho kế hoạch này. Hồi tháng 12-2017, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cũng đã bày tỏ mong muốn hợp tác sát sao hơn với TQ trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường”, theo Reuters.
Tuy nhiên, nhiều nước phương Tây nghi ngại rằng TQ đang muốn tăng sức ảnh hưởng hơn là lan tỏa thịnh vượng như những gì giới lãnh đạo TQ tuyên bố. Alcei Ekman, thuộc Viện chính sách IFRI ở Paris, nhận định: “Hiện nay xét về quy mô và mức độ mơ hồ trong các dự án của TQ, một vài nước châu Âu trong đó có Pháp vẫn tỏ thái độ dè chừng. Đối với TQ, dự án con đường tơ lụa mới cũng là một công cụ để thúc đẩy các tiêu chuẩn, luật lệ và quy tắc quốc tế mới, khác với những gì mà Pháp và những nước châu Âu đang sử dụng”.
Theo Tổng thống Macron, các dự án cơ sở hạ tầng và văn hóa của TQ có thể phù hợp với lợi ích của Pháp và châu Âu nếu như chúng được thực hiện với tinh thần hợp tác. “Những con đường này không được trở thành một hình thức bá quyền mới, biến những nước mà chúng đi qua trở nên lệ thuộc” - hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Pháp ngày 8-1.
Ông Macron từng tuyên bố châu Âu không nên “ngây thơ” trong các quan hệ thương mại. Ông cũng đã thúc đẩy EU thắt chặt luật chống nhập khẩu thép giá rẻ từ TQ. Hồi tháng 6-2017, ông cũng yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) xây dựng một hệ thống rà soát các khoản đầu tư ngoại khối trong những khu vực chiến lược. Đề xuất này đã bị Bắc Kinh lên án, hãng tin Reuters cho biết.
Phát biểu tại TP Tây An, ông Macron bày tỏ hy vọng quan hệ EU-TQ sớm có sự khởi đầu mới, dựa trên những “luật lệ cân bằng”. Ông cũng thừa nhận giữa các nước châu Âu và TQ vẫn có sự lo ngại và thiếu tin tưởng lẫn nhau. Tổng thống Pháp khẳng định giờ đây châu Âu đã đoàn kết và sẵn sàng hợp tác với TQ sau nhiều năm quan hệ kinh tế giữa hai bên nhiều sóng gió.