TP.HCM dành hơn 12.000 tỉ đồng ngân sách xây nhà ở xã hội

(PLO)- Theo nghị quyết của HĐND TP.HCM, ngân sách phát triển nhà ở xã hội dự kiến chiếm khoảng 10% tổng nguồn vốn phát triển loại hình nhà này với khoảng 3.770 tỉ giai đoạn 2021-2025 và khoảng 8.640 tỉ đồng giai đoạn 2026-2030.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 8-7, tại kỳ họp thứ 6, HĐND TP.HCM khóa X đã thông qua nghị quyết về chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030.

Đại biểu HĐND TP thống nhất quan điểm phát triển nhà ở phải đảm bảo các quy định của pháp luật về nhà ở và các quy định, chiến lược của quốc gia.

Đại biểu HĐND TP biểu quyết thông qua nghị quyết. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đại biểu HĐND TP biểu quyết thông qua nghị quyết. Ảnh: HOÀNG GIANG

Phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM, từng bước giải quyết căn cơ về nhu cầu nhà ở cho người dân, đảm bảo TP.HCM là nơi có điều kiện sống tốt để lao động chất lượng cao cả trong và ngoài nước đến sinh sống, làm việc.

Quan điểm của TP là chuyển mô hình nhà ở từ thấp sang cao tầng, tăng tỉ lệ nhà ở chung cư; ưu tiên phát triển dự án nhà ở thuộc các khu đô thị mới, hạn chế phát triển dự án mới trong nội thành để quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả, tạo quỹ đất phát triển giao thông, công viên, chỗ đậu xe.

TP khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở, đặc biệt đối với nhà ở xã hội. TP cũng bố trí vốn ngân sách phát triển nhà ở xã hội để cho thuê, thuê mua; tăng tỷ trọng nhà ở cho thuê đối với phân khúc nhà ở giá rẻ.

Về nhà ở xã hội (NƠXH), TP dự kiến phát sinh khoảng 2,5 triệu m2 sàn, tương ứng khoảng 35.000 căn giai đoạn 2021- 2025. Ở giai đoạn 2026- 2030, sẽ phát sinh 4,08 triệu m2 sàn, tương ứng 58.000 căn nhà.

Tổng nhu cầu NƠXH giai đoạn 2021- 2030 là khoảng 37 triệu m2 sàn, trong đó chủ yếu là nhu cầu của người thu nhập thấp, công nhân làm việc tại các khu, cụm công nghiệp. TP.HCM dự kiến xây 93.000 căn NƠXH trong giai đoạn này.

Theo nghị quyết của HĐND TP.HCM, ngân sách phát triển NƠXH dự kiến khoảng 10% tổng nguồn vốn phát triển loại hình nhà này với khoảng 3.770 tỉ giai đoạn 2021-2025 và khoảng 8.640 tỉ đồng giai đoạn 2026- 2030.

TP.HCM phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, diện tích nhà ở bình quân của toàn TP đạt 23,5m2/người. Tổng diện tích nhà ở tăng thêm giai đoạn 2021-2025 đạt 50 triệu m2 sàn, tương đương khoảng 367.000 căn nhà.

Giai đoạn này, TP sẽ chủ trương phát triển nhà ở tại những khu vực dọc theo các điểm kết nối tuyến giao thông công cộng trọng điểm, các tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên; Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương; Metro số 3a Bến Thành - Tân Kiên.

TP cũng sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch để tạo lập, xác định rõ quỹ đất phát triển dự án nhà ở tại các quận nội thành.

Giai đoạn 2026-2030, chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân mà TP hướng tới là 26,5 triệu m2 sàn.

TP sẽ tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật, xã hội, tạo quỹ đất phát triển dự án các huyện ngoại thành, ưu tiên các dự án nhà ở giá rẻ, phục vụ người dân lao động đến TP sống, làm việc.

TP cũng dự báo nhu cầu nhà ở giai đoạn 2021-2025 là 59 triệu m2 sàn; giai đoạn 2026- 2030 là 57,5 triệu m2 sàn.

TP dự kiến sẽ xây mới 14 căn nhà ở công vụ tại huyện Củ Chi.

Về nhà ở thương mại, TP xác định cần 37 triệu m2 sàn trong giai đoạn 2021- 2030 để đáp ứng đủ nhu cầu khoảng 107,5 triệu m2 sàn.

Tổng quỹ đất để phát triển nhà ở giai đoạn 2021- 2030 là khoảng 5.239 ha, trong đó nhu cầu NƠXH là 451 ha, nhà ở thương mại khoảng 4.788 ha.

TP cũng đưa ra chỉ tiêu về diện tích nhà ở bình quân đầu người của TP đến năm 2025 là 23,5 m2/người với tổng diện tích sàn 50 triệu m2; đến năm 2030 là 26,5 m2/người với tổng diện tích sàn 57,5 triệu m2 giai đoạn 2026-2030.

Toàn TP phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu đến năm 2025 là 10 m2/ người, đến năm 2030 là 12 m2/người.

Chấp thuận xây hai dự án chống ngập hơn 16.000 tỉ

Tại kỳ họp, đại biểu HĐND TP cũng đã thông qua nghị quyết về thống nhất chủ trương triển khai dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải, thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực Tham Lương - Bến Cát và tại lưu vực Tây Sài Gòn.

Trước đó, TP.HCM có tờ trình về việc cho ý kiến chủ trương đầu tư hai dự án này. Cả hai dự án đều thuộc nhóm A, được triển khai nhằm cải thiện hệ thống thoát nước mưa, nước thải, tăng khả năng tiêu thoát nước, giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường, ngập nước.

Giai đoạn chuẩn bị của cả hai dự án là từ năm 2021 đến năm 2023. Thời gian thực hiện từ năm 2023 đến năm 2028.

UBND TP.HCM trình HĐND TP xem xét, cho ý kiến đối với hồ sơ trình quyết định chủ trương đầu tư. Sau đó, TP sẽ trình hồ sơ dự án để Thủ tướng xem xét.

Dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn có tổng mức đầu tư 8.121 tỉ đồng; với vốn vay ưu đãi là hơn 6.900 tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách TP là hơn 1.160 tỉ đồng.

Dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát có tổng mức đầu tư 8.168 tỉ đồng; với vốn vay ưu đãi hơn 6.600 tỉ đồng, vốn đối ứng của TP là hơn 1.300 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm