Sáng 7-7, HĐND TP.HCM khóa X tiếp tục ngày làm việc thứ hai của kỳ họp thứ sáu, nhiệm kỳ 2021-2026. Tại đây, HĐND TP đã dành một buổi để chất vấn đề nội dung chương trình nhà ở.
Nội dung chất vấn được thực hiện thông qua lấy biểu quyết của đại biểu HĐND TP.
Doanh nghiệp chưa mặn mà với dự án NƠXH
ĐB Trần Quang Thắng đã gửi đến Sở Xây dựng những câu hỏi về công tác điều chỉnh quy hoạch được xác định ra sao, có bao nhiêu quỹ đất phát triển nhà ở tại nội, ngoại thành TP.
ĐB Trần Quang Thắng chất vấn Sở Xây dựng TP. Ảnh: NGUYỆT NHI |
ĐB Thắng cũng nêu vấn đề: Theo dự thảo chương trình phát triển nhà ở, nguồn vốn ngân sách phát triển NƠXH là 10% trong tổng số nguồn ngân sách. Vậy chính sách thu hút nguồn vốn xã hội hóa sẽ ra sao, bảo đảm tiến độ đầu tư thế nào để hoàn thành sớm các dự án?
Cuối cùng, ĐB Thắng đặt vấn đề: “Vì sao thủ tục đầu tư xây dựng NƠXH luôn khó khăn hơn so với việc đầu tư nhà ở thương mại, khiến doanh nghiệp ngại đầu tư vào các dự án NƠXH?”.
ĐB Lê Xuân Viên cho rằng, chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 vượt chỉ tiêu, cho thấy TP đã nỗ lực trong việc giải quyết nhu cầu nhà ở.
Nhưng ĐB cũng đưa ra vấn đề, dù kết quả thực hiện tổng thể vượt chỉ tiêu nhưng nhà ở thương mại (đạt 213% chỉ tiêu) và nhà ở riêng lẻ (đạt 123% chỉ tiêu) lại cao hơn nhiều; còn dự án NƠXH chỉ đạt 69%.
ĐB Viên nêu thực tế khảo sát nhu cầu nhà ở của công nhân, lao động trên địa bàn cho thấy nhu cầu thuê nhà để ở của họ rất cao.
“Giải pháp xây dựng nhà lưu trú, nhà trọ giá rẻ cho người lao động thế nào?”- ĐB Viên hỏi và nói trong số sáu giải pháp mà Sở Xây dựng nêu ra, có giải pháp nào cụ thể hơn để giải quyết vấn đề này.
ĐB Lê Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP, đặt vấn đề năm 2016, nhà lưu trú công nhân chỉ đáp ứng được 10% so với nhu cầu thực tế. Tại kỳ họp thứ 5, HĐND TP cũng đã thảo luận xuất chính sách phát triển nhà ở cho công nhân, đặt ra vấn đề cấp bách là phải có chính sách quan tâm hỗ trợ việc cải tạo nhà cho thuê, NƠXH cho người lao động.
Đến năm 2025, số nhà đạt chuẩn cho công nhân lao động được lưu trú và được thuê tăng bao nhiêu phần trăm so với nhu cầu thực tế trong thời điểm hiện nay?
“Tôi nghĩ rằng đây là chính sách giữ chân người lao động đến học tập, làm việc tại TP trong thời gian tới nên cần phải có sự quan tâm” - ĐB Thúy đề đạt.
Sáu giải pháp phát triển nhà ở
Báo cáo về chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết trong giai đoạn sắp tới, TP đặt mục tiêu phát triển 50 triệu m2 sàn nhà ở. Trong đó, tăng thêm 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội.
Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết trong giai đoạn sắp tới, TP đặt mục tiêu phát triển 50 triệu m2 sàn nhà ở. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Giám đốc Sở Xây dựng đưa ra sáu giải pháp để thực hiện mục tiêu trên.
Cụ thể, Sở Xây dựng đã rà soát về quỹ đất nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại là 33 dự án. Trong đó, có 14 dự án đã hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng, có thể triển khai ngay trong năm 2022-2023.
Nếu xây dựng xong 14 dự án này sẽ đáp ứng được khoảng 15.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2025. Nếu triển khai xây dựng xong toàn bộ 33 dự án nêu trên, TP sẽ có thêm 70.000 căn nhà ở xã hội đến trong thời gian tới.
Giải pháp thứ hai là cần rà soát, sắp xếp lại quỹ đất do nhà nước quản lý, bổ sung chỉ tiêu nhà ở xã hội để đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án này. Hiện nay TP đã chỉ đạo các quận huyện, TP Thủ Đức và Sở QHKT khẩn trương rà soát để sớm đưa ra các chỉ tiêu cụ thể.
Cùng với đó là rà soát toàn bộ quỹ đất nông nghiệp, các quỹ đất có quy mô lớn để tổ chức đấu thầu, mời gọi nhà đầu tư thực hiện dự án.
“Điều kiện tiên quyết để đẩy nhanh việc thực hiện các dự án là rút ngắn quy trình, thủ tục đầu tư để các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện hiện dự án.
Sở đã tham mưu TP quy trình rút ngắn từ 345 ngày xuống còn 153 ngày đối với dự án có nguồn gốc đất của tư nhân và từ 540 ngày xuống còn 300 ngày với các dự án nguồn gốc đất công.
Dự kiến quý 3-2022, TP sẽ ban hành quy trình này”- ông Quân nói về giải pháp quan trọng nhất.
Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng đề xuất TP mạnh dạn ủy quyền cho các địa phương thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Sở cũng đề xuất TP dùng nguồn vốn ngân sách để thực hiện các dự án nhà ở xã hội để có nhà ở thuộc sở hữu nhà nước phục vụ người lao động thu nhập thấp.
Trả lời chất vấn của các đại biểu về nhà ở cho công nhân thuê, ông Quân cho biết, hiện nay toàn TP có khoảng 600.000 phòng trọ, đáp ứng được cho khoảng 1,8 triệu công nhân, người lao động thuê. Trong đó, 60% là nhà trọ độc lập và 40% là phòng trọ người dân ngăn nhà cho thuê.
Đánh giá về chất lượng phòng trọ, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết trên 90% nhà trọ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người lao động, công nhân thuê và sinh sống.
Tuy nhiên, hiện vẫn có khoảng 30% nhà trọ chưa đáp ứng nhu cầu về phòng cháy chữa cháy. “TP đã có chính sách hỗ trợ 100 tỉ đồng để hỗ trợ cho các chủ nhà trọ cải tạo, nâng cấp đúng theo tiêu chuẩn của TP quy định” - ông Quân nói.
Liên quan đến quỹ đất xây nhà cho công nhân thuê, ông Quân thông tin, hiện nay Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2022 cho phép sử dụng đất thương mại trong khu công nghiệp, khu chế xuất để xây nhà lưu trú công nhân. Việc này đã tháo gỡ cho việc đầu tư xây dựng nhà ở công nhân ngay trong khu chế xuất, khu công nghiệp.
Theo rà soát của Sở Xây dựng, đã có khoảng sáu dự án trong các khu chế xuất, khu công nghiệp có thể xây nhà cho công nhân thuê.
Dự kiến cần 957.000 tỉ phát triển nhà ở xã hội tại TP
Theo tờ trình của UBND TP về chương trình phát triển nhà ở TP giai đoạn 2021 - 2030, dự kiến vốn để phát triển nhà ở tại TP.HCM đến năm 2025 là 566.995 tỉ đồng và đến năm 2030 là 956.900 tỉ đồng. Tổng quỹ đất để phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 toàn TP khoảng 5.239ha, trong đó nhu cầu nhà ở thương mại khoảng 4.788ha và nhu cầu nhà ở xã hội khoảng 451ha.