Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Sở GTVT TP.HCM cho biết: Bộ GTVT đã yêu cầu vào tháng 6 tới các trạm BOT chỉ còn duy nhất một làn thu phí hỗn hợp, còn lại là thu phí tự động (ETC). Theo đó, các đơn vị quản lý, khai thác BOT trên địa bàn TP đang tập trung triển khai ETC nhằm hoàn thành đúng tiến độ.
Các trạm BOT trên địa bàn TP.HCM đang ráo riết hoàn thành lắp đặt hệ thống thu phí không dừng. Ảnh: ĐÀO TRANG |
Tiến độ triển khai ETC tại các BOT ở TP.HCM
Cụ thể, Sở GTVT TP.HCM cho biết hiện nay trạm thu phí An Sương - An Lạc trên tuyến quốc lộ 1, quận Bình Tân có tổng số 25 làn, số làn đã nâng cấp ETC là 21 làn. Công ty IDICO (đơn vị quản lý trạm thu phí An Sương - An Lạc) đang triển khai các thủ tục liên quan để lắp đặt nâng cấp ETC trên bốn làn còn lại trong thời gian tới.
Trạm thu phí xa lộ Hà Nội hiện có 8/16 làn đã nâng cấp ETC. Đơn vị quản lý là Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) cũng đang triển khai các thủ tục liên quan để lắp đặt nâng cấp ETC trên tám làn còn lại.
Trạm thu phí cầu Phú Mỹ trên tuyến đường Võ Chí Công, TP Thủ Đức có tổng cộng 18 làn, hiện đã nâng cấp ETC là 8/18 làn. Trong đó, Công ty CP Đầu tư xây dựng Phú Mỹ đã có công văn gửi Sở GTVT đề xuất không nâng cấp các làn thu phí còn lại sang hình thức ETC với các lý do thời gian thu phí của dự án dự kiến chỉ còn bốn năm (đến tháng 4-2026). Bên cạnh đó, tám làn ETC hiện tại đã đáp ứng năng lực thông hành của phương tiện trên tuyến đường Võ Chí Công. Đơn vị quản lý sẽ đóng, không khai thác các làn chưa nâng cấp lên ETC.
Đối với trạm thu phí Nguyễn Văn Linh có quy mô 20 làn (bao gồm cả bốn làn quá khổ), là trạm thu phí có tính đặc thù do Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng tổ chức thu phí từ năm 1998. Do trạm thu phí chỉ hoạt động đến năm 2028, mức giá thu phí thấp (thấp nhất cả nước và không thu phí ô tô dưới chín chỗ), tình hình giao thông tại trạm rất thông thoáng.
Hiện trạm Nguyễn Văn Linh chỉ thu phí phục vụ duy tu, bảo trì tuyến đường nên nhà đầu tư đang rà soát việc đầu tư ETC. Đồng thời, tính toán phương án tài chính cho thời gian thu phí còn lại nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư, tránh gây lãng phí.
Sở GTVT cho biết sở đang tổng hợp để báo cáo UBND TP.HCM và Bộ GTVT kết quả thực hiện trong tháng 5.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã ra “tối hậu thư“, từ tháng 6-2022 tại các trạm thu phí BOT chỉ còn duy nhất một làn thu phí hỗn hợp, còn lại là thu phí tự động (thu phí không dừng - ETC). Trường hợp các chủ đầu tư BOT không hoàn thành đúng tiến độ sẽ bị xử lý, thậm chí phải ngừng thu phí.
Các địa phương đang tập trung triển khai
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Sở GTVT tỉnh Bình Phước cho biết hiện nay bốn trạm BOT trên địa bàn tỉnh đều đã có ít nhất một làn triển khai thu phí không dừng. Theo đó, tới ngày 30-6, các trạm thu phí phải thực hiện theo đúng yêu cầu của Bộ GTVT đề ra là có các làn thu phí ETC. Trường hợp không thực hiện đúng thì sẽ phải ngừng thu phí.
Về phía tỉnh Long An, trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh, cho biết hiện nay trên địa bàn có hai trạm BOT. Các trạm này cũng đều đã triển khai thu phí không dừng (một làn ETC và hai làn hỗn hợp).
Theo yêu cầu của Bộ GTVT, Sở GTVT tỉnh Long An cũng đã triển khai, yêu cầu các đơn vị nhanh chóng lắp đặt triển khai ETC ở các làn trước tháng 6-2022. Tuy nhiên, ông Trung cho biết hiện nay số lượng người dân sử dụng dịch vụ này còn khá ít, chủ yếu vẫn là thu phí “có dừng”.
Phía tỉnh Tây Ninh, Sở GTVT tỉnh cho hay hiện nay trên địa bàn tỉnh không có trạm thu phí nào, song vẫn có đơn vị dán thẻ Etag để phục vụ người dân trong quá trình tham gia giao thông khi tới các địa phương khác.
Trong khi đó, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, thông tin hiện nay Bộ GTVT đã chỉ đạo ngành tuyên truyền vận động doanh nghiệp vận tải xúc tiến nhanh việc dán thẻ Etag để sử dụng ETC. Tuy nhiên, việc chấp hành cũng chưa được thực hiện tốt nên cần phải có quy định chế tài thì mục tiêu này mới thực hiện đạt yêu cầu trong thời gian tới.•
Tích cực tuyên truyền các xe dán thẻ Etag
Sở GTVT TP.HCM cho biết số lượng ô tô đã dán thẻ Etag để sử dụng ETC trên địa bàn TP là 309.227 trên tổng số 675.683 xe, tương đương 45,7%. Hiện nay, các đơn vị đang tích cực tuyên truyền và tổ chức dán thẻ cho các phương tiện.
Về phía doanh nghiệp, CII cho biết: “Đơn vị luôn chủ động công nghệ và không cảm thấy áp lực với những yêu cầu đề ra. Hiện CII đã lắp đặt 100% các thiết bị thu phí ETC và đang vận hành 8/20 làn. Tuy nhiên, do lượng xe gắn thẻ hiện nay chưa đạt 100% nên vẫn phải duy trì một số làn hỗn hợp. Đơn vị đang nỗ lực vận hành 100% làn ETC theo quy định của Bộ GTVT trước thời hạn 30-6“.