Sáng 14-4, Hội nghị Sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông quý I và phương hướng nhiệm vụ quý II-2022 diễn ra theo hình thức trực tuyến, kết nối với 63 tỉnh, thành. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì.
Điểm cầu TP.HCM có sự tham gia của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm và lãnh đạo các phòng ban thuộc TP.
Tai nạn giao thông diễn biến phức tạp
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá tình hình tai nạn giao thông (TNGT) hiện nay vẫn đang diễn biến phức tạp.
Số người chết do TNGT còn cao, một số địa phương còn để xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng; còn tình trạng lái xe sau khi sử dụng rượu bia... Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác tuần tra kiểm soát nhưng nếu không có những giải pháp mạnh trong thời gian tới thì tình hình TNGT sẽ còn phức tạp.
Báo cáo tại hội nghị, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia, cho biết quý I-2022, toàn quốc xảy ra 2.762 vụ TNGT, làm chết 1.676 người, bị thương 1.741 người.
So với cùng kỳ năm 2021, số vụ TNGT giảm 662 vụ (giảm 19,33%), số người chết giảm 67 người (giảm 3,84%), số người bị thương giảm 739 người (giảm 29,8%).
Ông Khuất Việt Hùng báo cáo tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý I-2022. Ảnh: NGUYỄN YÊN |
24 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ. Trong đó, 13 tỉnh, thành có số người chết do TNGT tăng trên 15%, gồm Bình Dương, Bắc Giang, Đồng Tháp, Hòa Bình, Long An, Đăk Nông, Đà Nẵng, Hậu Giang, Yên Bái, Tây Ninh, Phú Thọ, Điện Biên, Quảng Ngãi.
Bốn địa phương có số người chết tăng trên 50% là Quảng Ngãi, Tây Ninh, Phú Thọ, Điện Biên.
Cũng trong qúy I-2022, xảy ra mười vụ TNGT đường bộ đặc biệt nghiêm trọng làm 30 người chết, 23 người bị thương. Trong đó, Gia Lai ba vụ; Thanh Hoá hai vụ; Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định, Tiền Giang và Thừa Thiên - Huế - mỗi địa phương xảy ra một vụ. Về đường thủy, đã xảy ra một vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng tại Quảng Nam, làm chết 17 người.
Trước thông tin này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương xác định nguyên nhân và có giải pháp quyết liệt.
Báo cáo về tình hình tai nạn trên các cao tốc, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục Cảnh sát giao thông, cho biết đã xảy ra 49 vụ TNGT làm bảy người chết, 19 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2021, tăng ba người chết, giảm chín người bị thương.
Kết quả điều tra các vụ TNGT trên cao tốc cho thấy nổi lên một số vấn đề đáng chú ý, như ý thức của người tham gia giao thông, kỹ năng lái xe trên đường cao tốc còn yếu, phương tiện gặp sự cố... dẫn đến tai nạn.
"Lực lượng chức năng cần bám sát, rà soát các bất hợp lý để tổ chức giao thông trên cao tốc, đề xuất xác định khung thời gian thường xảy ra TNGT. Từ đó kiến nghị các cơ quan quản lý cao tốc khắc phục nhằm đảm bảo an toàn giao thông" - Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung đề xuất.
Kiểm tra toàn diện kinh doanh đường thủy nội địa
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, TNGT diễn biến phức tạp đặc biệt là TNGT đường thuỷ. Mặc dù trong năm chỉ xảy ra một vụ tai nạn nhưng đã để lại hậu quả nghiêm trọng, làm 17 người chết.
“Hiện nay các chuyến tàu ra đảo đang hoạt động ở nhiều tỉnh, nếu chúng ta để xảy ra một hai vụ tương tự thì hậu quả rất nghiêm trọng. Vừa qua chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ về chuyên môn, tuy nhiên muốn lắng nghe quan điểm của các địa phương để việc quản lý an toàn giao thông đường thủy thời gian tới tốt hơn” - Bộ trưởng Thể phát biểu và đặt vấn đề trách nhiệm của các đơn vị khi để xảy ra tình trạng này.
Phó Chủ tịch Uỷ ban an toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng, đề xuất trong quý II-2022, Bộ GTVT cần triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành giao thông vận tải theo kế hoạch và đột xuất. Trong đó, tập trung kiểm tra toàn diện việc chấp hành các quy định và điều kiện kinh doanh vận tải trên các tuyến luồng đường thủy nội địa.
Cùng với đó là phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng thực hiện công tác bảm đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa vào mùa mưa lũ; bổ sung hệ thống báo hiệu phù hợp với tình hình luồng tuyến nhằm nâng cao điều kiện an toàn giao thông.
Chỉ đạo Cục đường thủy nội địa Việt Nam và các Sở GTVT tăng cường kiểm tra hoạt động vận tải hàng hoá, hành khách trên đường thủy nội địa.
Cục trưởng Cục đường thủy Việt Nam báo cáo, kiến nghị tại cuộc họp. Ảnh: NGUYỄN YÊN |
Báo cáo tại hội nghị, ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục đường thủy Việt Nam, thông tin hiện cả nước có khoảng 1.500 phương tiện vận tải khách được cấp chứng nhận đăng kiểm, sức chở khoảng 52.000 hành khách; riêng Quảng Nam có 52 phương tiện, sức chở 1.500 khách.
Về vụ tai nạn đường thủy ngày 26-2 ở biển Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam, hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra.
Ông Thu cũng đề nghị các địa phương cần quan tâm đến quá trình cấp phép cho phương tiện. Kiểm tra điều kiện thời tiết, an toàn, chứng chỉ trước khi tàu rời bến. Giám sát hoạt động bằng thiết bị nhận dạng bắt buộc phải có đối với phương tiện chở khách. Nâng cao trách nhiệm của thuyền trưởng và chủ phương tiện, hướng dẫn an toàn cho hành khách, cửa thoát hiểm.
Trong đó, vai trò của cảng vụ viên rất quan trọng, tuy nhiên một số địa phương chưa có Cảng vụ đường thủy nội địa để quản lý an toàn.
Bên cạnh đó, cần sửa đổi một số yêu cầu về tốc độ trong một số điều kiện đặc biệt như khúc cong cua, thời tiết đặc biệt...
Tăng cường tuần tra xử lý vi phạm
Trong báo cáo phương hướng, mục tiêu quý II-2022, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia, yêu cầu các địa phương có TNGT tăng trong quý I đánh giá nguyên nhân và đưa ra các giải pháp kéo giảm.
Ông Hùng yêu cầu Bộ Công an tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy, chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện giao thông đường bộ.
Xây dựng kế hoạch xử lý hành vi không thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô và hành vi lái xe không có thẻ thu phí điện tử đi vào làn thu phí điện tử không dừng (ETC).
Đồng thời chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm, tập trung vào nguyên nhân dẫn đến TNGT như chạy quá tốc độ; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; vi phạm về làn đường, phần đường…
Xử lý phương tiện giao thông đường sắt hết hạn kiểm định, ô tô kinh doanh vận tải chưa đổi sang biển số nền vàng và không lắp camera giám sát hành trình…
Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam, cho biết theo kế hoạch đến 30-3 sẽ hoàn thành việc lắp đặt hệ thống dừng xe. Tuy nhiên hiện nay tiến độ đang bị chậm, do đó dự kiến đến 30-6 sẽ hoàn thành.
Về tiến độ triển khai dán thẻ, hiện đã triển khai dán thẻ 2.599.000 thẻ, đạt 57%.