Ngày 4-10, Đoàn đại biểu Quốc hội đã có buổi giám sát với UBND TP về việc thực hiện chính sách bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực đến ngày 31-12-2018. Nhiều khó khăn, vướng mắc đã được các sở, ngành, quận, huyện nêu ra. Đặc biệt là liên quan đến quy trình thủ tục thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, xác định giá đất nông nghiệp…
Hai quyết định ra cùng ngày: Thiếu khả thi
Theo quy định tại Điều 69 Luật Đất đai 2013, trình tự thủ tục thu hồi đất của một dự án là quận, huyện phải ban hành quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày. Đây là nội dung mà nhiều quận, huyện cho rằng rất khó khả thi trong thực tế.
Ông Nguyễn Quang Phước, Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) quận Thủ Đức, cho rằng điều này chỉ có thể thực hiện được với các dự án đơn giản, số hộ dân bị ảnh hưởng ít, pháp lý dự án rõ ràng. Nhưng đối với dự án có tới hàng trăm, hàng ngàn hồ sơ thì không thể đáp ứng được quy định nêu trên.
Ông Phước dẫn chứng dự án xây dựng đường vành đai 2, tại Thủ Đức có hàng ngàn hồ sơ chưa đầy đủ pháp lý. “Nếu hồ sơ pháp lý không đầy đủ thì không thể nộp hồ sơ cùng một lúc, cũng không thể ban hành quyết định bồi thường trong cùng một ngày. Vì vậy Điều 69 Luật Đất đai cũng như Điều 40 Quyết định 28/2018 của UBND TP là không khả thi” - ông Phước nói.
Tương tự, đại diện Ban BTGPMB huyện Bình Chánh cũng khẳng định việc cùng một lúc ban hành hai quyết định nêu trên là rất bất cập. Theo Ban BTGPMB huyện Bình Chánh, muốn có quyết định phê duyệt chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì phải có quyết định thu hồi đất. “Mỗi trường hợp phải mất một tuần để thực hiện việc này thì với các dự án hàng trăm, hàng ngàn hộ dân thì quy định này không hợp lý” - đại diện Ban BTGPMB huyện Bình Chánh cho biết.
Theo ông Nguyễn Quang Phước, nếu Quốc hội không sửa đổi điều luật này thì tất cả dự án đều không thể đúng tiến độ.
Ông Nguyễn Quang Phước, Trưởng ban BTGPMB quận Thủ Đức, nêu nhiều khó khăn trong quá trình bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thu hồi đất thực hiện dự án trên địa bàn quận. Ảnh: VIỆT HOA
Luật Đất đai 2013 bất lợi cho dân, khó cho quận, huyện
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thường xuyên điều chỉnh, bổ sung theo hướng có lợi hơn cho người dân. Tuy nhiên, các chính sách này lại không áp dụng cho các dự án đã phê duyệt bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước đó. Vì vậy rất khó để giải thích, vận động, thuyết phục người dân đồng thuận.
“Cá biệt có trường hợp quy định mới về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thấp hơn quy định cũ. Chẳng hạn, Nghị định 47/2014 đã không còn chính sách hỗ trợ với đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư và đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở mà sẽ thẩm định, phê duyệt giá đất cụ thể. Vì vậy, một số trường hợp giá đất cụ thể tính bồi thường theo Luật Đất đai 2013 thấp hơn Luật Đất đai 2003” - UBND TP báo cáo.
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở TN&MT, trước đây đối với đất vườn, ao trong cùng một thửa đất có nhà sẽ được hỗ trợ 40% đơn giá đất để tính bồi thường. Đất nông nghiệp trong địa giới hành chính phường, thị trấn và xen cài trong khu dân cư thì được hỗ trợ 50% giá đất bình quân của khu vực theo bảng giá đất. Tuy nhiên, đến Luật Đất đai mới thì quy định này đã được hủy bỏ.
Theo quy định hiện nay thì để xác định hệ số điều chỉnh giá đất thì phải thuê đơn vị thẩm định giá. Tuy nhiên, hiện nay các sở, ngành có liên quan và quận, huyện cũng phải kêu trời vì giá chuyển nhượng trên thị trường và giá kê khai chênh lệch nhau rất lớn. Đặc biệt là đối với việc xác định giá đất nông nghiệp.
Ông Đỗ Đông Hướng, Trưởng phòng Thẩm định phương án giá, Sở Tài chính, cho biết hiện nay thời gian để xác định giá đất phải kéo rất dài do việc xác định gặp nhiều khó khăn. “Đất ở thì tương đối rõ nhưng đất nông nghiệp thì vô cùng khó khăn và quận, huyện kêu ca rất nhiều” - ông Hướng nói.
Theo ông Hướng, đất nông nghiệp khi đã đưa vào quy hoạch làm dự án thì có giá tăng lên rất nhiều nhưng khi thực hiện dự án, không thể bồi thường theo mục đích của tương lai khi dự án hình thành.
Ông Nguyễn Quang Phước cho biết quận Thủ Đức hiện nay rất khó tìm đơn vị tư vấn để thẩm định giá đất vì giá đất mà các đơn vị này tìm khảo sát ở khu vực xung quanh theo các tài liệu là quá thấp so với thực tế. Tương tự, quận 8, 12, Bình Chánh đều có chung tình trạng như quận Thủ Đức.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội TP, cho biết sẽ ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của TP.HCM trong quá trình tổ chức thực hiện quy định pháp luật đất đai tại TP. Đồng thời đề nghị nghị Sở TN&MT có văn bản hoàn chỉnh và làm rõ các kiến nghị để báo cáo cho Đoàn đại biểu Quốc hội TP.
Quy đổi đất theo tỉ lệ có lợi hơn cho dân Ông Nguyễn Quang Phước, Trưởng Ban BTGPMB quận Thủ Đức, cho biết quy định pháp luật trước đây khi thu hồi đất nông nghiệp thì người dân được quyền hoán đổi đất ở có hạ tầng hoàn chỉnh với tỉ lệ 10% với đất nông nghiệp, đất vườn là 12%, một số loại đất khác là 15%. Chẳng hạn, đất nông nghiệp đang bồi thường với giá 3 triệu đồng/m2, người dân có 1.000 m2 đất nông nghiệp thì được bồi thường 3 tỉ đồng. Nếu được quy đổi 10% thì thành 100 m2 đất ở đã hoàn thiện hạ tầng. Một mét vuông đất ở hoàn thiện hạ tầng có giá khoảng 30 triệu đồng. Đây là phương án để người dân lựa chọn” - ông Phước tính một bài toán cụ thể khi áp dụng quy đổi theo tỉ lệ này. Ông Đỗ Đông Hướng, Trưởng phòng Thẩm định phương án giá, Sở Tài chính, cũng cho rằng việc quy đổi theo tỉ lệ như cách làm trước đây rất có lợi cho người dân và cũng được nhiều người dân đồng thuận. Theo ông Hướng, làm như vậy, người dân có thể bảo toàn được tài sản của mình về lâu về dài chứ nếu nhận một cục tiền bồi thường rất dễ sử dụng hết, sau đó lại rơi vào tình cảnh khó khăn. Ông Hướng cho rằng cần kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng như cách này thì sẽ tạo sự đồng thuận cao hơn khi thu hồi đất để thực hiện dự án. |