TP.HCM cần ưu tiên giải quyết thực chất các vấn đề người dân ít hài lòng nhất

Mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chỉ đạo phải cải thiện cho được chỉ số cải cách hành chính, đã tốt rồi thì phải cải thiện tốt hơn nữa vì việc cải cách hành chính ở TP.HCM còn tác động rất lớn đến kinh tế cả nước.

Các chỉ số mà ông Mãi đề cập gồm PCI, PAR Index và PAPI. Trong đó, chỉ số PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) là một chỉ số quan trọng.

Bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), trao đổi với Pháp Luật TP.HCM cho hay: Trước đây TP.HCM không để tâm tới kết quả khảo sát PAPI nhưng từ năm 2016 đến nay, chính quyền đã quan tâm hơn.

Chỉ số về quản trị môi trường ở mức rất thấp

. Phóng viên: Thưa bà, trong năm năm qua, các chsPAPI ca TP. HCMdin biến, chuyn hóathế nào? Chsnào tt nht, chsnàotnht?

Bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP)

+ Bà Đỗ Thanh Huyền: Theo kết quả PAPI từ năm 2016 đến 2020, TP.HCM đã có những bước cải thiện qua từng năm ở một số lĩnh vực như “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”; “thủ tục hành chính công” và hiệu quả cung ứng dịch vụ công được người dân TP đánh giá ở mức khá, đưa TP vào nhóm 16 tỉnh có điểm cao nhất đến bốn trong năm năm.

Mặc dù chưa đạt mức điểm khá, TP.HCM vẫn thuộc nhóm 16 địa phương tốp đầu về quản trị điện tử (điểm ở nội dung này của tất cả 63 tỉnh, thành chưa đạt trung bình). Bên cạnh đó, ba lĩnh vực gồm “tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương” và “trách nhiệm giải trình với người dân” luôn đạt mức trung bình trong suốt năm năm.

. Trong tám trục nội dung của PAPI, theo bà, nội dung nào TP.HCM làm tốt nhất đến thời điểm này?

+ Theo hồ sơ PAPI của TP.HCM, năm 2020, trên thang điểm từ 1 đến 10, chính quyền TP được người dân đánh giá đạt mức khá ở lĩnh vực cung ứng dịch vụ hành chính công (đạt 7,34 điểm) và cung ứng dịch vụ công (đạt 7,37 điểm).

Chỉ số lĩnh vực nội dung kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đạt mức trung bình khá (6,36 điểm), cao hơn khá đáng kể so với điểm của bốn TP trực thuộc trung ương còn lại (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ).

Tuy nhiên, TP đạt mức điểm trung bình ở hai chỉ số nội dung gồm “tham gia của người dân ở cấp cơ sở” (chỉ đạt 4,45 điểm) và “công khai, minh bạch trong việc ra quyết định của chính quyền địa phương” (chỉ đạt 5,38 điểm).

Đặc biệt, chỉ số nội dung về “quản trị môi trường” ở mức rất thấp, chỉ đạt 2,82 điểm, thấp hơn so với bốn TP trực thuộc trung ương còn lại. Mặc dù là nơi tập trung nhiều nhà đầu tư công nghệ và phần mềm, TP chưa đạt được điểm trung bình ở chỉ số nội dung “quản trị điện tử” (chỉ đạt 3,46 điểm).

. Những điều người dân phản ánh tiêu cực về hiệu quả quản trị và hành chính công của TP.HCM là gì? Câu chuyện nào minh chứng cho điều đó?

+ Tôi xin lấy ví dụ một số chỉ tiêu nổi cộm dẫn tới mức điểm chưa cao ở ba lĩnh vực nội dung đầu của PAPI. Ví dụ ở nội dung thứ nhất về “tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, dưới 50% số người được hỏi cho biết họ được mời tham gia đóng góp ý kiến khi địa phương chuẩn bị xây mới hoặc tu sửa công trình công cộng trong khi vẫn được yêu cầu đóng góp.

Ở nội dung về “công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương” liên quan đến đất đai, chưa tới 19% số người được hỏi biết đến kế hoạch sử dụng đất ở các quận, huyện trong TP và cũng chỉ khoảng 5% cho biết họ có dịp đóng góp ý kiến vào những kế hoạch sử dụng đất đó.

Tỉ lệ người dân bị thu hồi đất ở TP.HCM hài lòng với giá bồi thường thu hồi đất giảm mạnh khi so sánh kết quả khảo sát năm 2020 với năm 2014 (sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực).

Đánh giá của người dân về hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân không cao, chỉ đạt 0,78 điểm.

TP.HCM vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu trong cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân ở hai nhóm dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp phép xây dựng. Vẫn còn nhiều người cho biết phải chung chi hoặc nhờ “cò” khi làm thủ tục cấp sổ hồng (năm 2020, qua khảo sát có gần 64% trong số những người đã làm thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất đã phải chung chi để xong việc). Mối quan hệ cá nhân trong tuyển dụng nhân sự vào bộ máy chính quyền vẫn tồn tại và đây là điểm quan trọng nhưng yếu nhất của TP trong bốn khía cạnh PAPI đo lường ở chỉ số nội dung này.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Sở Tư pháp TP.HCM.
Ảnh: HOÀNG GIANG

“Người dân rất công tâm khi đánh giá chính quyền”

. Việt Nam nói chung và TP.HCM xác định ứng dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số, chính quyền điện tử... qua khảo sát, bà thấy mức độ ứng dụng của TP.HCM như thế nào, có tác dụng ra sao đối với cải cách thủ tục hành chính công, cung cấp dịch vụ công để thúc đẩy công khai, minh bạch?

+ Câu chuyện người bạn của tôi ở TP.HCM khi đi làm giấy khai sinh cho con làm tôi rất ngạc nhiên. Ở một số địa phương, dịch vụ thực hiện cấp đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới sáu tuổi (thủ tục “ba trong một”) đang được làm đến cấp độ 3 và 4, cha hoặc mẹ của trẻ chỉ cần đi một lần nếu được yêu cầu tới bộ phận tiếp nhận, trả kết quả của phường và làm xong trong ngày.

Tuy nhiên, bạn tôi ở TP đã phải cất công đi lại nhiều lần trong hai tháng mới làm giấy khai sinh cho con.

Nhìn vào kết quả khảo sát PAPI năm 2020, có thể thấy rằng khoảng cách giữa điều kiện tiếp cận Internet của người dân và khả năng đáp ứng dịch vụ công trực tuyến của TP còn rất xa. Nếu như tỉ lệ sử dụng Internet tại nhà ở TP đạt 89% và tỉ lệ đọc tin tức, thông tin qua Internet là gần 68% thì tỉ lệ người cho biết họ lấy được đầy đủ thông tin chỉ dẫn và biểu mẫu cần thực hiện từ cổng thông tin điện tử của địa phương khi cần làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, làm thủ tục xin cấp phép xây dựng và làm chứng thực xác nhận của chính quyền địa phương lần lượt chỉ là 0,6%, 1% và 6,6%.

Có lẽ đây là sự ngạc nhiên lớn nhất của tôi, bởi tôi biết chính quyền TP trong những năm 2000 đã từng là điểm đến học tập kinh nghiệm của nhiều địa phương trên cả nước về đổi mới khu vực hành chính công, là nơi của công viên phần mềm và là cái nôi của nhiều đổi mới sáng tạo trong khu vực tư...

. Có ý kiến cho rằng TP.HCM là đô thị lớn, đông dân, doanh nghiệp nhiều… nên các chỉ số PAPI, PAR Index hay PCI không cao cũng là điều dễ hiểu...?

+ Tôi cho rằng người dân rất công tâm khi đánh giá chính quyền. Có những việc TP đã từng đi tiên phong như hệ thống “một cửa”, “một cửa liên thông”, đối thoại trong giai đoạn giãn cách xã hội... được người dân, doanh nghiệp nhìn nhận và đánh giá tốt. Tuy nhiên, một số vụ án tham nhũng làm sai của một số cán bộ, người dân nghe và nhìn thấy cả.

Đông dân tạo sức ép rất lớn lên đội ngũ cán bộ, công chức của TP nhưng tôi cho rằng chất lượng nhân sự đầu vào hệ thống chính quyền mới là then chốt. Làm thế nào để tuyển chọn và giữ được công chức làm tốt công vụ trong bối cảnh sức hút nhân lực chất lượng cao từ khu vực tư là một bài toán hóc búa.

Điểm chỉ số tám lĩnh vực nội dung PAPI của TP.HCM, 2016-2020

(Thang điểm từ 1 đến 10, trong đó 1 là thấp nhất và 10 là cao nhất)

Cần cơ chế riêng để cải thiện các chỉ số

. Bà khuyến nghị gì để TP.HCM có thể vươn lên nhóm đầu trong các chỉ số?

+ Như tôi đã nhiều lần có dịp được chia sẻ kết quả PAPI với lãnh đạo TP, để đáp ứng được kỳ vọng ngày càng cao của người dân, cán bộ, công chức TP dành toàn bộ 8 giờ làm việc toàn tâm cho công vụ. Và để làm được việc đó, TP với lượng người dân định cư và nhập cư lớn nhất cả nước cần có cơ chế riêng về biên chế ở cấp quận, huyện và xã, phường. Những đơn vị hành chính đông dân cư hơn cần có thêm biên chế, thay vì dàn đều như hiện nay.

Hơn nữa, TP cũng cần được giữ lại ngân sách với tỉ lệ cao hơn để tái đầu tư và xây mới cho hệ thống bệnh viện công lập tuyến huyện và trạm y tế tuyến xã. TP cũng cần đầu tư nhiều hơn vào hệ thống xử lý nước thải, giảm xả thải trực tiếp vào nguồn nước, ảnh hưởng tới chất lượng nước sinh hoạt của người dân. Người dân cũng kỳ vọng TP nghiêm túc hơn trong bảo vệ môi trường. Tựu trung lại, tôi cho rằng chính quyền TP cần ưu tiên giải quyết thực chất những vấn đề người dân ít hài lòng nhất và cũng chọn từng lĩnh vực ưu tiên để cải thiện trong từng năm.

. Xin cám ơn bà.•

Ấn tượng mạnh chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời”

Trong thời gian TP.HCM lâm “trọng bệnh” do COVID-19, tôi theo dõi khá sát sao tình hình ở TP, luôn cầu mong số người trở nặng và qua đời giảm nhanh.

Tôi hầu như không bỏ buổi truyền hình trực tiếp “Dân hỏi - Thành phố trả lời” nào của TP được phát trên Facebook.

Tôi thấy được những nỗ lực đáng quý của lãnh đạo TP và sở, ban, ngành trong việc phúc đáp những câu hỏi chất vấn của người dân, trong đó có nhiều câu thực sự hóc búa nhiều chính sách liên quan đến COVID-19 đến từ cơ quan trung ương. Tôi thực sự ấn tượng với sự điềm đạm, chân thành và cách trả lời rất gần gũi, cởi mở, chân tình của những cán bộ chính quyền tham gia đối thoại. Khoảng cách giữa người bị chất vấn và người chất vấn là người dân hầu như không còn trong các buổi đối thoại.

Tôi rất ấn tượng khi một đại diện của quận Bình Thạnh đã xin lỗi người dân ở một khu dân cư vì gói hỗ trợ chưa đến kp thi do người phụ trách việc cấp phát đi cấp cứu do trở nặng vì COVID-19.

Tôi cho rằng chương trình này cần duy trì và nhân rộng để thúc đẩy trách nhiệm giải trình của chính quyền với người dân, tăng niềm tin của công dân vào chính quyền địa phương, từ đó người dân sẽ ghi nhận và đánh giá cao hơn hiệu quả công vụ của bộ máy chính quyền.

Tôi cũng đã từng tiếc nuối một kênh đối thoại giữa chính quyền với người dân mà TP đã từng thực hiện trước đây ở HĐND TP. Tôi tin vào hiệu quả của đối thoại trực tiếp về những vấn đề dân sinh, bởi chỉ có đối thoại mới hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân. Tôi mong tôi không phải tiếc một sáng kiến vì người dân của TP thêm một lần nữa.

TP.HCM cũng gây ấn tượng sâu sắc cho tôi trong quá trình thực hiện nghiên cứu PAPI vì sự hỗ trợ nhiệt tình của các trưởng ấp, tổ trưởng khu phố.

Có bác trưởng khu phố ở quận Tân Phú sử dụng cuốn sổ theo dõi dân cư bằng giấy nâu, viết tay danh sách từng hộ trong khu dân cư và những biến động trong từng hộ bằng bút bi, bút mực, bút chì. Bác ấy không biết dùng máy vi tính nhưng bác chi tiết, rất rõ ai đi, ai đến khu phố.

TP cũng là nơi chúng tôi khó tổ chức mời người trả lời đến địa điểm tập trung nên phải cử phỏng vấn viên đến từng nhà dân. Có trường hợp ngại người lạ, người trả lời ngồi trong song cửa trả lời...

12 năm làm khảo sát ở TP là 12 đợt trải nghiệm thú vị với chúng tôi.

ĐỖ THANH HUYỀN

..............................................

Ông LÊ DUY HIỆP, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA) kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Transimex Sài Gòn:

Ông Lê Duy Hiệp

Cán bộ cần quyết đoán hơn

Theo thống kê, khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, thời gian qua chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của TP.HCM giảm thấp. Điều này là rõ ràng vì TP.HCM vẫn còn nhiều dự án gặp nhiều vướng mắc pháp lý, rồi hai năm nay lo chống dịch bệnh COVID-19. Trong khi đó, các tỉnh, thành khác đang có sự quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn.

TP.HCM phải mạnh dạn cải cách hành chính, lãnh đạo TP cần quyết đoán hơn nữa. Đối với những dự án đầu tư vướng mắc thì rất cần có sự phối hợp, tháo gỡ giữa các cơ quan, sở, ngành, quận, huyện và Thành ủy, UBND TP. Cán bộ sở, ngành cần thoát khỏi tâm lý sợ sệt, không dám quyết, không dám đề xuất để các dự án đầu tư, thủ tục đầu tư không phải nằm chờ.

Hệ thống tiếp nhận và trả hồ sơ tự động ở quận 6 (TP.HCM) nhận được sự đánh giá cao của người dân. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Ngoài ra, TP.HCM phải có chính sách như các địa phương khác, phải dành quỹ đất cho logistics, dành quỹ đất phát triển công nghiệp để thu hút đầu tư nước ngoài. Các tỉnh còn quỹ đất phát triển rất tốt như Long An với cảng, khu công nghiệp, logistics, cao tốc…

TP.HCM phải đi vào đầu tư thương mại dịch vụ tầm khu vực, giảm diện tích đất nông nghiệp để dành cho phát triển dịch vụ.

......

Ông NGUYỄN VĂN BÉ, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM:

Ông Nguyễn Văn Bé

Lãnh đạo TP cần đến tận nơi để gỡ vướng mắc

Gần đây, nhiều quận, huyện đã đổi mới tích cực thủ tục hành chính để phục vụ tốt hơn cho người dân. Cụ thể như quận 1 đã ra mắt dịch vụ “định danh khách hàng điện tử” để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Bằng cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI với giải pháp xác định khuôn mặt, người dân khi đăng ký làm thủ tục hành chính trực tuyến thì chỉ cần chụp ảnh hai mặt CMND/CCCD, gửi vào hệ thống thì sẽ được tự động nhận diện, điền vào biểu mẫu có sẵn một cách chính xác đến 99%.

Hay như quận 6 đưa vào vận hành hệ thống tiếp nhận và trả hồ sơ tự động, còn được gọi là “ATM hồ sơ”. Hệ thống này nhận được sự đánh giá cao của người dân với những tiện ích như có thể giao và nhận hồ sơ bất cứ lúc nào, thuận tiện cho người dân sắp xếp thời gian; hỗ trợ đường dây nóng…

Nhưng theo tôi, phải làm sao phổ biến sâu rộng, triển khai toàn TP chứ không thể vài quận, huyện làm rồi thôi.

Về thu hút đầu tư, thủ tục đầu tư vẫn chưa cải thiện, chưa thu hút được các nhà đầu tư mới. Như Khu công nghiệp Hiệp Phước còn 300 ha đất trống chờ nhà đầu tư thuê. Nhưng năm năm qua, Sở TN&MT cũng chưa mạnh dạn chốt được giá thuê đất nhà nước để tiến hành mời gọi các nhà đầu tư. Rồi hai năm nay, Khu công nghệ cao vẫn chưa đón được nhà đầu tư mới.

Lỗi ở ban quản lý tại chỗ và các sở, ngành các cấp chưa nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục đầu tư. Trong khi Long An, Tỉnh ủy và UBND tỉnh này đang tháo gỡ thủ tục, dẫn đầu về thu hút đầu tư.

Vì thế, tôi nghĩ lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM phải đến tận nơi, đến các đơn vị, nắm rõ vướng mắc, tháo gỡ, khó tới đâu giải quyết tới đó. Cái nào làm đúng pháp luật thì triển khai nhanh thủ tục. Cái nào vướng pháp lý thì đề xuất lên để lãnh đạo TP tìm hướng gỡ hoặc kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ giải quyết.

QUANG HUY ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm