TP.HCM chọn phương án 1 để xét tuyển lớp 10?

Ngày 26-7, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có tờ trình gửi UBND TP đề xuất hai phương án xét tuyển vào lớp 10 chuyên và thường cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022. Đây là tờ trình thứ hai của Sở liên quan đến phương án cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Khác với lần đầu, đợt này Sở đề xuất xét tuyển cho cả hệ chuyên và thường.

“Quyết định đúng đắn và hợp lý!”

Em Lìu Gia Kiệt, học sinh (HS) Trường THCS Bình Tây, quận 6, cho biết bản thân đã vô cùng thoải mái sau khi biết được đề xuất xét tuyển của Sở GD&ĐT. “Bởi vì em và bạn bè đã ôn tập và chờ đợi quá lâu cho kỳ tuyển sinh. Theo em, với tình hình dịch hiện giờ thì xét tuyển là tốt nhất. Em không cảm thấy uổng phí công sức khi đã ôn tập trong thời gian qua. Vì những kiến thức em học bây giờ cũng sẽ một phần nào liên quan và ảnh hưởng đến kiến thức em sẽ học sau này” - Kiệt tâm sự.

Là phụ huynh có con năm nay thi vào lớp 10, chị TH, sống tại quận Tân Phú, bày tỏ: “Tôi ủng hộ phương án đề xuất của Sở là xét tuyển vào lớp 10. Bởi tình hình dịch COVID-19 hiện nay rất căng thẳng, bản thân tôi còn thấy sợ khi có việc bắt buộc phải đi ra ngoài nữa là các con. Nếu phải tập trung hàng trăm HS tại một điểm thi thì có lẽ tôi cũng không biết có dám cho con đi thi hay không nữa”.

Không chỉ phụ huynh, các nhà giáo cũng đồng tình với phương án mà Sở đưa ra. Bà Huỳnh Thái Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Hồ Văn Long, quận Bình Tân, nói: “Đây là quyết định đúng đắn và hợp lý”.

Tương tự, ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh, cho rằng đây là phương án tối ưu nhất trong điều kiện tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, thời gian năm học không còn nhiều.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cũng cho rằng trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, chọn phương án xét tuyển là phù hợp nhất (mặc dù tính công bằng không bằng phương án thi tuyển).

Em Lìu Gia Kiệt, học sinh Trường THCS Bình Tây, quận 6, học bài ở nhà.
Ảnh: NVCC

Nghiêng về phương án 1

Đề cập đến hai phương án xét tuyển Sở đưa ra, chị H. nói: “Tôi và con gái đều ủng hộ phương án 1. Vì lớp 9 là năm học thể hiện rõ nhất lực học của HS. Chưa kể nếu có thi thì đề thi cũng nằm ở kiến thức năm học lớp 9 là chủ yếu. Về phương án 2, cho rằng như thế mới đánh giá toàn diện cũng không hẳn hợp lý bởi có những bạn học rất giỏi ở những lớp nhỏ nhưng càng lên càng hụt hơi, hoặc ngược lại có bạn những năm đầu ý thức học chưa tốt, chưa biết cách học nên kết quả thấp nhưng sau đó đã nỗ lực phấn đấu qua từng năm để đạt loại giỏi ở năm lớp 9. Cho nên nếu cộng cả bốn năm học lại rồi cho là sự toàn diện thì đó là sự toàn diện không hoàn hảo. Nếu bắt buộc phải tính đến phương án 2, tôi đề nghị điều chỉnh phương án cộng điểm ba môn toán – văn - ngoại ngữ của các năm học lớp 6, 7, 8; riêng năm lớp 9 phải nhân hệ số 2 mới hợp lý và phản ánh đúng lực học của HS”.

Cũng nghiêng về phương án 1, bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, cho hay HS lớp 9 cũng giống HS lớp 12, đến thời điểm này các em mới tập trung cho việc học và từ đó năng lực cũng được cải thiện. Điều đáng nói, nếu thi thì kiến thức đa phần trong chương trình lớp 9. Phương án 2 dùng kết quả bốn năm học có vẻ toàn diện và công bằng cho những bạn học đều. Tuy nhiên, đó là chưa tính đến độ chênh lệch về việc cho điểm giữa các trường, các quận/huyện với nhau.

Bà Dung thừa nhận việc xét tuyển không thể bằng thi tuyển, đặc biệt trường chuyên nhưng đây là trường hợp bất khả kháng. Do đó trong năm học, để nâng cao chất lượng, các trường chuyên nên tổ chức đợt tuyển sinh bổ sung như mọi năm vẫn làm hoặc tổ chức kiểm tra để sàng lọc.

Bày tỏ sự đồng tình, ông Nguyễn Văn Ngai phân tích mỗi phương án đều có ưu điểm và hạn chế nhưng theo ông, nên chọn phương án 1 bởi vừa đơn giản vừa phản ánh tương đối sát, đúng trình độ, năng lực hiện tại của HS. Cụ thể, bài kiểm tra học kỳ của khối lớp 9 do Phòng GD&ĐT ra đề kiểm tra chung cho các trường THCS trên địa bàn mỗi quận/huyện đối với một số môn, trong đó có các môn ngữ văn, toán, ngoại ngữ và tổ chức chấm theo thang điểm chung nên sẽ chính xác hơn.

Phương án 2 có hạn chế điểm kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ của HS ở các lớp 6, 7, 8 đều do mỗi giáo viên ra đề, đánh giá (trừ kiểm tra học kỳ do từng trường ra đề, đánh giá theo thang điểm của trường). Việc ra đề, đánh giá này tùy thuộc vào quan điểm của từng trường, từng giáo viên mà có mức độ nặng tay, nhẹ tay với nhiều lý do khác nhau.

Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất chọn phương án 1 trong xét tuyển

Phương án này phù hợp với quá trình tập trung học tập các môn văn - toán - ngoại ngữ trong suốt năm học lớp 9, có sự tương đồng với các môn thi như kế hoạch thi lớp 10. Đề tuyển sinh các năm có kiến thức đều nằm trong chương trình lớp 9 nên việc lựa chọn điểm số lớp 9 để xét tuyển phản ánh đúng năng lực. Chọn điểm trung bình môn cả năm của môn đăng ký thi chuyên và có hệ số 2 trong điểm xét tuyển vì kết quả này phản ánh được sự đam mê của môn học thế mạnh. Tuy nhiên, nó có thể đánh giá không toàn diện khi chỉ dựa trên điểm số của ba môn và của năm lớp 9.

Còn phương án 2, ngoài các ưu điểm của bộ môn chuyên như phương án 1 thì việc chọn điểm trung bình môn cả năm lớp 6, 7, 8, 9 của môn văn - toán - ngoại ngữ có thế mạnh thể hiện được sự toàn diện. Tuy nhiên, do kiến thức thi tập trung chương trình lớp 9 nên các em HS không tập trung cao trong việc học tập ở các lớp 6, 7, 8. Do đó, điểm số khối này không phản ánh hết năng lực. Việc căn cứ điểm số bốn năm tạo tâm lý lo lắng, ảnh hưởng đến sự ổn định tuyển sinh.

Lớp 10 thường: Điểm xét tuyển = Tổng điểm trung bình môn cả năm lớp 6, 7, 8, 9 của môn văn - toán - ngoại ngữ + điểm ưu tiên (nếu có).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới