TP.HCM chuyển đổi vị trí công tác 2.300 cán bộ để ngừa tham nhũng

(PLO)- Năm 2022, TP.HCM có 2.304 cán bộ, công chức, viên chức chuyển đổi vị trí công tác định kỳ, tạo điều kiện hoàn thành nhiệm vụ được giao, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND TP.HCM có báo cáo đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

Chuyển đổi vị trí 2.300 cán bộ

Theo báo cáo, trong năm 2022, UBND TP đã chỉ đạo chính quyền các cấp, ngành tăng cường trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

TP.HCM đã chuyển đổi vị trí công tác của 2.300 cán bộ để phòng ngừa tham nhũng. Ảnh: LÊ THOA

TP.HCM đã chuyển đổi vị trí công tác của 2.300 cán bộ để phòng ngừa tham nhũng. Ảnh: LÊ THOA

UBND TP chỉ đạo tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, kê khai tài sản, xác minh tài sản, thu nhập người có chức vụ, quyền hạn.

Đồng thời, thanh tra việc công khai, minh bạch trên các lĩnh vực, đặc biệt trong quy hoạch, sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư lớn, trọng điểm của TP, quản lý đất đai, các dự án có nguồn vốn nhà nước, dự án BOT, BT, quản lý tài chính, tài sản trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp...

Qua đó, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng và chuyển điều tra những vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

UBND TP thực hiện định kỳ chuyển đổi cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ) làm việc tại một số vị trí liên quan việc quản lý ngân sách, tài sản của nhà nước, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân nhằm chủ động phòng ngừa tham nhũng.

UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, các đơn vị thuộc TP đã rà soát, lập danh sách những trường hợp định kỳ chuyển đổi vị trí theo quy định, đúng quy chế, phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực, chuyên môn, sở trường công tác, tạo điều kiện thuận lợi cho công chức hoàn thành nhiệm vụ được giao, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

“Trong năm 2022, TP có 2.304 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được chuyển đổi vị trí công tác đối với các chức danh tư pháp - hộ tịch, văn hóa - xã hội, kế toán, thủ quỹ, xây dựng, địa chính - nhà đất, y tế…” - UBND TP nêu.

Thu hồi nhiều tiền, tài sản tham nhũng

Cũng theo báo cáo, việc phát hiện hành vi tham nhũng qua kiểm tra, thanh tra, giám sát, phản ánh, tố cáo điều tra, truy tố, xét xử đạt nhiều kết quả.

Cụ thể, UBND TP cho biết đã thanh tra 206 cuộc, qua đó chuyển cơ quan điều tra bốn vụ và một đối tượng. Qua đơn phản ánh, tố cáo, Công an TP đã giải quyết bảy vụ/16 tin báo phát hiện hành vi tham nhũng, trong đó có đường dây làm căn cước công dân “dịch vụ” tại Công an quận Gò Vấp do báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh.

TP.HCM đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên làm Trưởng ban chỉ đạo. Ảnh: NGUYỆT NHI

TP.HCM đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên làm Trưởng ban chỉ đạo. Ảnh: NGUYỆT NHI

Còn qua điều tra, Công an TP đã khởi tố 14 vụ án tham nhũng/14 vụ việc tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị điều tra tham nhũng...

Trong năm 2022, trên địa bàn đã tổ chức kỷ luật hai trường hợp liên quan tham nhũng khi có bản án của tòa án. Cụ thể, buộc thôi việc một Phó Giám đốc Bệnh viện quận Bình Tân và xoá tư cách chức vụ, chức danh đối với nguyên Giám đốc Bệnh viện quận Bình Tân.

Về kết quả xử lý hình sự người có hành vi tham nhũng, VKSND quận Bình Tân đã truy tố bảy bị can trong các vụ tham ô tài sản ở khu phố 4, phường an Lạc, khu phố 2, phường Bình Hưng Hoà B và BV quận Bình Tân.

Công an TP đã có kết luận điều tra, chuyển đề nghị truy tố 24 vụ, 65 bị can...

Về kết quả thu hồi tiền, tài sản tham nhũng, trong sai phạm của công ty IPC, ông Lê Hoàng Minh và ông Trần Thiện Trung đã nộp cơ quan CSĐT Công an TP hơn 1,3 tỉ đồng để khắc phục hậu quả, còn vợ của ông Tề Trí Dũng đã nộp 230 triệu đồng.

Cơ quan điều tra hai cấp Công an TP đã thu hồi được 1.165 tỉ đồng/1.295 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 90%. TAND hai cấp TP đã tuyên buộc các bị cáo phải bồi thường số tiền hơn 128 tỉ đồng cho Nhà nước, cơ quan, tổ chức. Hội đồng xét xử cũng ghi nhận sự tự nguyện giao nộp cũng như số tài sản đã được cơ quan điều tra thu hồi tổng số tiền là hơn 14 tỉ đồng.

Cục Thi hành án dân sự TP đã thu hồi tổng số tiền phải thi hành, có điều kiện thi hành là hơn 19.900 tỉ đồng. Trong số có điều kiện thi hành, đã thu được hơn 8.500 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 42,8% trên số có điều kiện thi hành.

UBND TP tự đánh giá đạt 88,12 điểm về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

Triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia để kiểm soát tài sản

UBND TP kiến nghị Thanh tra Chính phủ sớm hoàn thiện, triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập tập trung, thống nhất, bảo đảm sự quản lý chặt chẽ, có sự phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo thẩm quyền.

Đồng thời, có hướng dẫn thực hiện các quy định về kiểm soát xung đột lợi ích đối với đối tượng là các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện.

UBND TP kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu hướng dẫn công tác định giá đối với hàng giả, hàng cấm, tài sản có một phần là thật, một phần là giả.

TP kiến nghị các cơ quan Trung ương xây dựng quy chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan tố tụng và cơ quan hữu quan có liên quan (Thanh tra, Kiểm toán, Cơ quan điều tra, VKS, Tòa án) ngay từ khi thanh tra, kiểm toán và quá trình thụ lý tin báo, điều tra, truy tố, xét xử nhằm bảo đảm việc thu hồi tài sản triệt để ngay từ giai đoạn phát hiện vi phạm.

TP cũng kiến nghị cơ quan trung ương có hướng dẫn để cơ quan điều tra, VKS, Tòa án, Sở Tư pháp, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan về công tác phối hợp trong giai đoạn đưa tài sản đi đấu giá, tiếp nhận tài sản sung công, kiểm tra các trường hợp cần xác minh tài sản để thu hồi nhanh chóng.

Chưa kể, có hướng dẫn cụ thể về thống kê số liệu, tiêu chí đánh giá chỉ tiêu trong từng giai đoạn (điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án) giữa các ngành để việc báo cáo số liệu, đánh giá chất lượng thu hồi trong từng giai đoạn được chính xác với thực tiễn và hiệu quả cao nhất; hướng dẫn về việc thu hồi ủy thác khi thi hành án tại nhiều địa phương để tránh báo cáo trùng lắp….

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm