TP.HCM có Chỉ thị việc bố trí công nhân lưu trú và làm việc tại nhà máy

UBND TP.HCM vừa ra chỉ thị về đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Mục tiêu của chỉ thị này nhằm đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó lường. Trong đó, chính quyền TP.HCM đặc biệt chú ý đến sản xuất an toàn trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Công nhân tại công ty PouYuen được tổ chức làm việc giãn cách để phòng chống dịch. Ảnh: LÊ THOA

Chính vì vậy, UBND TP giao Ban Quản lý các Khu chế xuất – công nghiệp và Khu công nghệ cao yêu cầu các doanh nghiệp tổ chức khai báo y tế chặt chẽ, theo dõi tình trạng sức khỏe của người lao động, nhằm sớm phát hiện nguyên nhân các ca bệnh, ổ dịch nếu có.

Cùng với đó, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức diễn tập phương án ứng phó phòng chống dịch tại khu công nghiệp, khu chế xuất để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các giải pháp, phù hợp với điều kiện thực tế phòng chống dịch.

Ngoài ra, UBND TP cũng yêu cầu đơn vị này chọn một số doanh nghiệp có đủ điều kiện thực hiện việc bố trí công nhân lưu trú và làm việc ngay tại nhà máy, xí nghiệp. Việc này nhằm đảm bảo vừa phòng chống dịch được tốt, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Chính quyền TP.HCM cũng yêu cầu đơn vị này xây dựng phương án trong tình huống phát hiện người lao động bị nhiễm COVID-19 và đề xuất các chế độ chính sách đối với người lao động trong tình hình dịch.

Triển khai ký cam kết phòng chống dịch giữa doanh nghiệp với Ban Quản lý và chính quyền địa phương. Từ đó, theo dõi và giám sát chặt chẽ việc chấp hành các cam kết đã ký.

Ngoài ra, Ban Quản lý phải yêu cầu các cơ sở sản xuất, lao động thường xuyên tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm; kiểm tra giám sát thường xuyên công tác phòng dịch tại nhà máy, nhà xưởng sản xuất; kiên quyết dừng hoạt động đối với các nơi không đáp ứng điều kiện phòng dịch.

Chỉ thị của UBND TP cũng giao việc cho các sở ngành, TP Thủ Đức và UBND các quận huyện.

Đối với Sở Y tế, UBND TP giao chủ trì triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Trong đó đáng chú ý là về quản lý cách ly tập trung, theo dõi chặt chẽ y tế sau cách ly và chuẩn bị phương án thêm cơ sở cách ly tập trung trong trường hợp dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Sở Công thương được giao tham mưu các giải pháp tổng thể đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa, thực hiện bình ổn giá để phục vụ nhân dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, nhất là tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Đối với Sở Nội vụ được giao triển khai việc thay đổi phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước đảm bảo phù hợp phòng chống dịch bệnh, trong điều kiện trên địa bàn TP đang thực hiện giãn cách xã hội.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được giao tham mưu thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng lao động gặp khó khăn, giảm thu nhập hoặc không có thu nhập đang làm việc tại các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn về thu nhập, không có ký kết hợp đồng lao động như người bán vé số, bán hàng rong, giáo viên các nhóm trẻ… bị ảnh hưởng do TP thực hiện giãn cách xã hội.

Sở Giao thông Vận tải tham mưu các giải pháp quản lý hoạt động giao thông vận tải đảm bảo thích ứng, phù hợp với các tình huống, phương án giãn cách xã hội; chủ động hướng dẫn các địa phương phân luồng giao thông tại các địa bàn áp dụng chỉ thị 16 và đảm bảo duy trì hoạt động hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì giới thiệu, cung cấp các giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi số trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, như: ứng dụng văn phòng điện tử, thanh toán trực tuyến, chữ ký điện tử, họp từ xa… Cùng với đó, triển khai ứng dụng bản đồ số thông tin về tình hình dịch COVID-19 để hỗ trợ cho người dân và chính quyền xác định vị trí các khu cách ly, phong tỏa.

Đối với Sở Tài chính, được giao tăng cường quản lý việc chi ngân sách, thực hiện tốt việc tiết kiệm chi và hạn chế những khoản chi phát sinh mới ngoài dự toán; tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP, các sở ban ngành, TP Thủ Đức và các quận huyện.

Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu các giải pháp đảm bảo kế hoạch dạy và học, kết thúc năm học cũ và triển khai năm học mới; tập trung xây dựng các phương án tổ chức các kỳ thi cuối cấp, nhất là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm