TP.HCM có đủ điều kiện công bố dịch sởi?

(PLO)- Theo đại diện Cục Y tế dự phòng, việc công bố dịch sởi tại TP.HCM cần đánh giá, xem xét dựa trên nhiều yếu tố.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chia sẻ bên lề hội nghị “Hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng thế giới năm 2024 và phát động triển khai Chiến dịch tiêm vaccine sởi” chiều 22-8, TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết việc một địa phương công bố dịch cần đánh giá, xem xét dựa trên nhiều yếu tố.

Theo đó, việc công bố dịch sởi tại TP.HCM cần tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm và theo Quyết định 02/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó quy định rõ: một địa phương được coi là có dịch khi số người mắc bệnh vượt quá số mắc trung bình của tháng cùng kỳ của 3 năm gần nhất.

Một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được coi là có dịch khi có từ 2 xã có dịch trở lên.

Một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được coi là có dịch khi có từ 2 huyện có dịch trở lên.

Bên cạnh đó, theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Hoàng Minh Đức, cần căn cứ theo nguồn lực và khả năng đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh của địa phương.

Từ đầu năm 2024 đến nay, TP.HCM ghi nhận gần 600 ca sốt phát ban nghi sởi và 3 ca tử vong liên quan đến bệnh sởi. Cả ba trẻ tử vong đều mắc những bệnh lý mạn tính dẫn đến biến chứng nặng.

“Hiện nay, mặc dù TP.HCM ghi nhận số ca mắc bệnh sởi tăng cao như vậy, Sở Y tế TP.HCM cũng đang xin ý kiến các bên liên quan về việc công bố dịch sởi, nhưng từ góc độ cá nhân, khi nghiên cứu tình trạng bệnh sởi tại TP.HCM, tôi nhận thấy ngay từ đầu TP đã xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi để chuẩn bị cho đợt dịch này”, ông Đức nói.

công bố dịch sởi.png
Bệnh nhi mắc bệnh sởi đang điều trị tại một bệnh viện ở TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Do vậy, theo ông Đức, mặc dù số ca mắc sởi tại TP.HCM hiện đã vượt quá số mắc trung bình của tháng cùng kỳ của 3 năm gần nhất, nhưng TP cũng đã có sự chuẩn bị rất sẵn sàng để phòng, chống dịch. Việc công bố dịch sởi hay không sẽ do địa phương đánh giá, xem xét có cần thêm nguồn lực hay những biện pháp phối hợp chặt chẽ hơn hay không.

“Việc này do địa phương quyết định”, ông Đức nhấn mạnh.

Ông Đức cho biết thêm, theo quy định của Bộ Y tế hiện nay, khi một địa phương công bố dịch, về vaccine và tất cả nguồn lực cần thiết, địa phương đó sẽ phải sử dụng vốn tại chỗ, Trung ương sẽ không hỗ trợ. Trung ương chỉ hỗ trợ vaccine cho chương trình Tiêm chủng mở rộng thường xuyên, còn việc chống dịch thì địa phương phải chủ động.

“Về chuyên môn, TP.HCM đủ điều kiện công bố dịch sởi, nhưng tôi nhắc lại, cần xem xét, đánh giá thêm về khả năng đáp ứng của địa phương này thì mới nên quyết định có công bố dịch hay không”, ông Hoàng Minh Đức nói.

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Hoàng Minh Đức, hiện nay là thời điểm mùa tựu trường, nguy cơ mắc bệnh sởi và tỉ lệ lây nhiễm cao, gấp khoảng 18 lần so với bình thường. Tức là trong không gian phòng học, nếu có một người mắc sởi thì hầu hết những người chưa được tiêm phòng cũng sẽ mắc bệnh.

Ngày 22-8, trước thềm chính thức bắt đầu năm học mới, Bộ Y tế phát động triển khai Chiến dịch tiêm vaccine sởi để phòng, chống dịch sởi đợt này.

Theo đó, Chiến dịch này có những điểm khác so với kế hoạch tiêm chủng thông thường và kế hoạch tiêm bù, tiêm vét. Cụ thể, đối tượng tiêm được mở rộng ra từ 1-10 tuổi, trừ những trường hợp đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine sởi.

Hiện, Bộ Y tế xác định có 18 tỉnh có nguy cơ bùng dịch với hơn 100 huyện được đưa vào Chiến dịch đợt 1 về tổ chức tiêm chủng.

Toàn bộ vaccine được tiêm trong chiến dịch tiêm chủng này là miễn phí, do WHO cung cấp. Đây là nội dung mà ngay từ đầu năm 2024, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng trưởng đại diện WHO và trưởng đại diện UNICEF đã làm việc và thống nhất, hướng tới mục tiêu để người dân được tiêm vaccine sởi đầy đủ hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm