Sởi ở TP.HCM tăng cao, 3 ca tử vong: Cách phòng ngừa biến chứng nặng

(PLO)- Trước tình hình bệnh sởi ở TP.HCM tăng cao, đã có 3 ca tử vong do biến chứng, các chuyên gia khuyến cáo phát hiện sớm để ngăn ngừa biến chứng nặng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, ngành y tế ghi nhận ba ca tử vong liên quan đến bệnh sởi ở TP.HCM, cả ba trẻ đều mắc những bệnh lý mạn tính dẫn đến biến chứng nặng.

Hầu hết trẻ chưa tiêm ngừa

Cụ thể, trường hợp tử vong thứ nhất là bé gái 3 tuổi, có bệnh nền suy giảm miễn dịch, giảm kháng thể, chậm phát triển tâm vận. Trẻ suy dinh dưỡng và chưa được tiêm vaccine ngừa sởi.

Trường hợp thứ 2 là bé gái 4 tháng tuổi mắc hội chứng Cushing, tăng tuyến thượng thận, chưa đủ tuổi tiêm chủng.

Trường hợp thứ 3 là bé trai 7 tuổi bị bệnh bạch cầu cấp dòng lympho đã ghép tủy, suy tim và suy thận mạn, đã tiêm 2 mũi vaccine ngừa sởi.

soi-o-TP.HCM4.jpg
Khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1) - nơi điều trị bệnh sởi ở TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Chăm con gái 13 tháng tuổi bị sởi điều trị tại khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, chị NKN (38 tuổi, ngụ Kiên Giang) cho biết trước đó con có sốt nhẹ, bỏ ăn và nằm li bì, chị đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng 1 khám và được bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm phổi do ho nhiều kèm có đàm.

Điều trị tại khoa Hô hấp, bác sĩ tiêm thuốc nhưng bệnh của trẻ không khỏi. Sau hơn 10 ngày điều trị, thấy tình hình không ổn nên bác sĩ kiểm tra lại, chuyển lên khoa Nhiễm - Thần kinh. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán trẻ bị sởi, biến chứng nặng.

“Do có nhiều bệnh nền nên con tôi không tiêm ngừa sởi. Hiện bé bị nhiễm trùng đường ruột, viêm tiểu phế quản rồi viêm phổi nặng, phải thở ôxy, ho có đờm nhiều, đang được điều trị tích cực” - chị N chia sẻ.

soi-o-TP.HCM6.jpg
Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, điều trị cho bệnh nhân sởi ở TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1), cho biết khai thác một số cha mẹ bệnh nhi mắc sởi, được biết họ đưa con đến cơ sở tiêm chủng nhưng do con bị ho, sổ mũi nên lo lắng, không tiêm. Thời gian trôi qua, họ quên luôn việc tiêm chủng cho con.

Hay có những trẻ mắc bệnh nền, ở địa phương không đủ điều kiện tiêm nên trẻ cũng không được tiêm. Bác sĩ khuyến cáo nên đưa các trẻ này đến bệnh viện để được khám, sàng lọc, đánh giá kỹ, nếu đủ điều kiện sẽ tiêm ngừa.

“Tôi chưa thấy trẻ nào tiêm 2 mũi vaccine mà nhập viện vì mắc bệnh sởi ở đây hết!” - bác sĩ Dư Tuấn Quy nói.

Ca bệnh sởi tăng cao

Tính đến chiều 12-8, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đang tiếp nhận điều trị 53 ca sởi ở TP.HCM, trong đó 7 ca nặng. Từ đầu năm đến nay, nơi đây cũng điều trị nhiều ca sởi nặng, chưa có ca tử vong.

soi-o-TP.HCM8.jpg
Số ca mắc bệnh sởi ở TP.HCM đang tăng cao. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), khoa Nhiễm đang điều trị 14 ca bệnh sởi (một ca địa chỉ tại TP.HCM, 13 ca từ các tỉnh chuyển đến). Đáng chú ý, các ca bệnh tập trung từ 1-3 tuổi, hầu hết chưa được tiêm vaccine ngừa bệnh, có một ca phải thở ôxy.

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) tuần qua tiếp nhận khám ngoại trú 85 ca sởi/sốt phát ban dạng sởi. Hiện bệnh viện tiếp nhận điều trị 17 ca sởi (4 ca địa chỉ TP và 13 ca từ tỉnh lên). Trong đó có 8 ca nặng hỗ trợ hô hấp, 7 ca thở ôxy và 1 ca thở N-CPAP (ôxy dòng cao).

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), từ đầu năm đến 10-8 điều trị cho 30 trẻ em và 18 người lớn mắc sởi, không có ca nặng và tử vong. Hầu hết trẻ mắc sởi không tiêm vaccine ngừa sởi, người lớn thì không rõ tiền sử tiêm chủng.

Cần cho trẻ tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi theo lịch khuyến cáo trong chương trình tiêm chủng mở rộng: Mũi 1 lúc 9 tháng tuổi (vaccine sởi); Mũi 2 lúc 18 tháng tuổi (vaccine sởi - rubella).

soi-o-TP.HCM7.jpg
Cần cho trẻ tiêm đủ hai 2 mũi vaccine ngừa sởi theo lịch khuyến cáo. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

ThS.BS Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết đầu năm 2024 không ghi nhận ca sởi ở TP.HCM dương tính. Tuy nhiên bắt đầu từ cuối tháng 5 đến 11-8, các bệnh viện ghi nhận có 597 ca sốt phát ban nghi sởi ở TP.HCM.

Trong 346 ca xét nghiệm dương tính, TP.HCM có 153 ca (chiếm 50%), còn lại là từ các tỉnh. Đáng nói, từ năm 2021-2023 chỉ ghi nhận 1 ca bệnh sởi ở TP.HCM.

Thống kê cho thấy trong 115 trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên dương tính với sởi đủ điều kiện tiêm vaccine mũi 1, có đến 73% trẻ chưa được tiêm mũi nào, còn lại 12% không rõ tiền sử tiêm chủng.

Theo bác sĩ Quy, số ca sởi nhập bệnh viện này đã bắt đầu tăng từ khoảng một tháng nay, riêng tuần qua tăng cao đột biến, nhiều ca nặng. Dự báo thời gian tới số ca sởi ở TP.HCM tiếp tục tăng.

Theo đó, các ca nặng tại đây hầu hết được chuyển đến từ bệnh viện tỉnh (vùng núi). Thường các trẻ này được chẩn đoán viêm phổi, điều trị rồi xuất viện. Về nhà khoảng 5-7 ngày thì bị phát ban sởi, khi đến bệnh viện mới biết trẻ bị sởi biến chứng viêm phổi.

soi-o-TP.HCM5.jpg
ThS.BS Nguyễn Đình Qui, Phó Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2, thăm khám cho bệnh nhi mắc bệnh sởi ở TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bác sĩ Quy cho biết, sau COVID-19, nhiều người dân có xu hướng tự mua thuốc cho con uống khi có các triệu chứng sốt, ho, sổ mũi mà ít đến cơ sở y tế vì sợ lây nhiễm. Có những trường hợp sau khi uống thuốc, trẻ cảm thấy mệt hơn, nổi đỏ khắp người, sau đó đưa vô bệnh viện thì mới biết bị phát ban do sởi.

Lúc này bác sĩ khai thác mới biết trẻ đã điều trị ở ngoài một thời gian khá dài (5-7 ngày) có sử dụng luôn Corticoid (thuốc kháng viêm).

“Trong điều trị bệnh sởi không được dùng Corticoid, vì bệnh sởi đã làm suy giảm miễn dịch mà dùng Corticoid nữa thì trẻ sẽ suy giảm miễn dịch nặng lên. Từ đó dễ bị nhiễm trùng và các tác nhân khác làm tình trạng trẻ nặng nề hơn” - bác sĩ Quy lý giải.

Phát hiện sớm, ngừa biến chứng nặng

ThS.BS Nguyễn Đình Qui, Phó Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết dấu hiệu nổi trội của bệnh sởi là phát ban. Khi mắc sởi, trẻ sẽ phát ban từ sau gáy, rồi lan ra phía mặt và lan đến tay, chân...

Đặc biệt, trẻ sẽ sốt cao (39-40 độ C) liên tục, không hạ trong quá trình phát ban, đồng thời có những biểu hiện chảy nước mũi, miệng, ho hay viêm kết mạc.

Nếu trẻ sốt 2-3 ngày kèm phát ban toàn thân, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám ngay để bác sĩ chẩn đoán trẻ nhiễm siêu vi phát ban thông thường hay mắc sởi giai đoạn đầu.

Nếu trẻ có thêm các dấu hiệu khác như ho, sổ mũi, chảy nước mắt, viêm kết mạc, bác sĩ nên nghĩ ngay đến bệnh sởi.

sởi ở TP.HCM - 4
Khi mắc sởi, trẻ sẽ phát ban từ sau gáy, rồi lan ra phía mặt và lan đến các vị trí khác trên cơ thể như tay, chân... Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bác sĩ Quy cho rằng biến chứng của bệnh sởi là suy hô hấp. Ngoài ra, một số trẻ có thể biến chứng về viêm ruột, nhiễm trùng máu hay viêm loét giác mạc. Hệ lụy phía sau là suy dinh dưỡng, thậm chí bị co giật, viêm phổi nặng.

“Hiện có những nhóm anti vaccine sởi ở TP.HCM. Vừa rồi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng có tiếp nhận một trường hợp trẻ mắc sởi (chưa tiêm vaccine). Trong gia đình trẻ có nhiều người cũng thuộc nhóm anti vaccine” - bác sĩ Quy nói.

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cũng cho biết hiện nay trên các mạng xã hội xuất hiện nhiều nhóm tuyên truyền anti vaccine sởi. Đề nghị Thanh tra Sở Y tế chủ động phát hiện các nhóm này, làm rõ và xử lý nghiêm việc tuyên truyền sai trong cộng đồng. Ngoài ra cần mời các chuyên gia để tuyên truyền đúng về tiêm vaccine ngừa sởi.

Phân tuyến điều trị, hạn chế tử vong

Để ngăn ngừa dịch sởi ở TP.HCM, ngành y tế cần phân theo 3 tuyến điều trị. Cụ thể:

- Tuyến kiểm soát ban đầu: Tư vấn, chăm sóc người bệnh không có biến chứng.

- Tuyến kiểm soát cơ bản: Tư vấn, chăm sóc người bệnh có biến chứng hô hấp nhưng không có suy hô hấp.

- Tuyến chuyên sâu: Chăm sóc và điều trị tất cả người bệnh sởi có biến chứng vượt quá khả năng điều trị của tuyến dưới.

Để hạn chế tử vong do sởi, cần phòng ngừa các biến chứng của sởi do virus sởi, do bội nhiễm sau sởi, đặc biệt đối với trẻ suy dinh dưỡng. Lập danh sách các trẻ bệnh chưa tiêm vaccine gửi về địa phương để tiêm trước khi xuất viện. Trẻ bệnh mạn tính đang nằm viện, không có chống chỉ định tiêm vaccine thì cần tiêm ngay vaccine ngừa sởi.

Đại diện phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm