TP.HCM đang có 311 đường bị trùng tên

(PLO)- Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có gần 400 tên đường cần phải đổi hoặc cập nhật cho chính xác và cũng có nhiều tên bị trùng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đó là một trong những thông tin được đưa ra tại Hội thảo xây dựng WebGIS phục vụ công tác quản lý và công bố thông tin, hỗ trợ quy hoạch, đặt tên đường, công trình công cộng tại TP.HCM.

Hội thảo này do Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và phát triển phối hợp Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý TP.HCM tổ chức ngày 14-2.

Hàng loạt tuyến đường bị trùng tên ở TP.HCM. Ảnh: ĐT.

Hàng loạt tuyến đường bị trùng tên ở TP.HCM. Ảnh: ĐT.

TS Trương Hoàng Trương, Trưởng Khoa Đô thị học, Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, cho biết hiện nay hệ thống đường tại TP có mạng lưới đồ sộ, chằng chịt với 3.600 tên đường.

Mặt khác, tại TP cũng còn có nhiều tuyến đường chưa có tên. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy có 400 tên đường cần được đổi, cập nhật cho chính xác. Trong đó, hiện có 311 tên đường bị trùng.

Ví dụ, đường Lê Lai có ở quận 1, quận Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn. Đường Lê Lợi cũng có ở quận 1, Gò Vấp, TP Thủ Đức. Đường Phan Văn Trị có ở quận Gò Vấp, Bình Thạnh, quận 5.

Không chỉ vậy, hiện TP cũng có 38 tên đường đặt không chính xác tên nhân vật lịch sử hoặc địa danh; 21 tên đường không có ý nghĩa về lịch sử - văn hóa...

Theo TS Trương, năm 2020 Sở VH-TT TP.HCM cũng đã có văn bản đề xuất UBND TP để xem xét điều chỉnh 38 tên đường đặt không chính xác.

"Trung tâm TP tên đường không phát sinh, song có tình trạng tên đường sai, tên đường trùng. Tuy nhiên, việc thay đổi tên đường cũng ảnh hưởng, xáo trộn cho người dân" - TS Trương nhận định.

Thời gian qua, Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và phát triển đã thực hiện đề án công tác đặt đổi tên đường và công trình công cộng tại TP.HCM. Đồng thời, đơn vị này cũng đã khảo sát thực trạng và giải pháp đến năm 2020, đề án này được triển khai từ năm 2012.

Ông Phạm Đức Thịnh, Trưởng phòng Tư vấn và Dịch vụ - Trung tâm Ứng dụng Hệ thống thông tin Địa lý TP.HCM, cho biết việc ứng dụng công nghệ GIS vào hệ thống đường và công trình công cộng đã trở nên phổ biến trên thế giới và tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay TP.HCM vẫn chưa có công cụ WebGIS hỗ trợ quản lý tên đường, công trình công cộng.

Theo ông Thịnh, các hệ thống GIS này giúp nhà quản lý có một công cụ quản lý thông tin, dữ liệu một cách tập trung, đồng nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm