TP.HCM đẩy nhanh chuyển đổi công nghệ xử lý rác

(PLO)- Nhằm đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển, xử lý an toàn, hiệu quả, TP.HCM đang thực hiện kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý rác mới theo phương thức đối tác công tư (PPP).

TP.HCM đặt chỉ tiêu tỉ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 là 100%. Để thực hiện được chỉ tiêu đề ra, UBND TP đã chỉ đạo Sở TN&MT triển khai nhiều giải pháp.

Chuyển đổi công nghệ xử lý rác

Trên địa bàn TP hiện có năm dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác sinh hoạt sang đốt phát điện đang triển khai. Trong đó, UBND TP đã cấp quyết định chủ trương đầu tư đối với hai dự án chuyển đổi công nghệ của Công ty cổ phần Vietstar (2.000 tấn/ngày) và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa (2.000 tấn/ngày).

Ba đơn vị còn lại đang thực hiện các thủ tục pháp lý đầu tư dự án chuyển đổi công nghệ gồm: Công ty cổ phần Tasco (500 tấn/ngày), Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (3.000 tấn/ngày), Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Tp (1.000 tấn/ngày).

Hiện nay, UBND TP kiến nghị và được Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù về đặt hàng bổ sung khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tại Nghị quyết 98/2023. Cụ thể tại khoản 11 Điều 6 của Nghị quyết 98 quy định “nhà đầu tư đang thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt tự nguyện chuyển đổi toàn bộ công nghệ của dự án sang xử lý chất thải rắn sinh hoạt có thu hồi năng lượng được UBND TP xem xét, quyết định bổ sung khối lượng chất thải rắn sinh hoạt theo hình thức đặt hàng. HĐND TP ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, lộ trình chuyển đổi đối với công nghệ được chuyển đổi và điều kiện, định mức, đơn giá, giá đặt hàng liên quan đến khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được đặt hàng bổ sung, bảo đảm công khai, minh bạch”.

Đây là cơ sở rất quan trọng giúp tháo gỡ vướng mắc của đa số các dự án chuyển đổi công nghệ trên địa bàn TP hiện nay đang gặp phải.

Theo đó, về nội dung quy định tiêu chí, tiêu chuẩn, lộ trình chuyển đổi đối với công nghệ được chuyển đổi và điều kiện, định mức, đơn giá, giá đặt hàng. Quy định này có liên quan đến khối lượng rác sinh hoạt được đặt hàng bổ sung đối với các nhà đầu tư dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt chuyển đổi công nghệ hiện hữu sang công nghệ có thu hồi năng lượng, UBND TP đã có tờ trình về dự thảo nghị quyết trình HĐND TP. Hiện nay, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND đã tổ chức thẩm tra về dự thảo nghị quyết.

TP.HCM đang thúc đẩy chuyển đổi công nghệ xử lý rác. Ảnh: N.CHÂU

Kêu gi nhà đầu tư làm dự án xử lý rác

Hiện nay, tổng khối lượng rác sinh hoạt phát sinh trên địa bàn TP khoảng 9.700-10.000 tấn/ngày, được thu gom, vận chuyển về các nhà máy xử lý chất thải đang hoạt động trong các khu liên hợp xử lý chất thải rắn của TP. Khối lượng rác sinh hoạt trên địa bàn TP có xu hướng tăng hằng năm với tỉ lệ gia tăng bình quân khoảng 5%/năm.

UBND TP đã chỉ đạo Sở TN&MT điều phối rác sinh hoạt về các cơ sở xử lý trên nguyên tắc đảm bảo giao đủ khối lượng rác sinh hoạt theo hợp đồng với các nhà máy, khối lượng còn lại được điều phối về bãi chôn lấp hợp vệ sinh để xử lý.

Nhằm đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển, xử lý an toàn, hiệu quả khối lượng rác sinh hoạt phát sinh, TP cũng đang thực hiện kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý rác mới theo phương thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, UBND TP đã có công văn giao Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc TP theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đến nay, Sở KH&ĐT đang thực hiện các thủ tục để báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án.

Sau khi có quyết định chủ trương đầu tư dự án, công bố dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, TP sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở KH&ĐT đang phối hợp cùng các sở, ngành liên quan xây dựng quy trình chung gồm các bước để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức PPP làm cơ sở triển khai thực hiện.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới