TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.

Thời gian vừa qua, tại TP.HCM có tình trạng một số hộ dân nuôi chó, mèo với số lượng vài chục con, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh. Đây cũng là vấn đề gây bức xúc của không ít người dân sống tại các khu dân cư từ nhiều năm nay.

Việc nuôi chó, mèo với số lượng lớn trong một không gian nhỏ hẹp, ít nhiều sẽ làm ô nhiễm môi trường và tiếng ồn, ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật chưa quy định rõ ràng về việc quản lý cũng như điều kiện nuôi chó, mèo tại một số khu đô thị.

Mới đây, Sở NN&PT NT TP.HCM đã có tờ trình đề nghị xây dựng quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo trên địa bàn TP.HCM.

Người dân hoàn toàn ủng hộ

Ông NTC, ngụ phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM, than phiền nhiều năm nay hàng xóm bên cạnh nhà anh nuôi chó với số lượng lớn gần 30 con, gây tiếng ồn và ô nhiễm môi trường. Việc này cũng đã được người dân nhiều lần phản ánh đến các cơ quan báo chí, chính quyền địa phương, thế nhưng tình trạng này vẫn không thuyên giảm, thậm chí số lượng chó sinh sản ra còn nhiều hơn trước.

Thời gian qua có nhiều trường hợp hộ dân nuôi chó số lượng lớn, gây mùi hôi, tiếng ồn ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh. Ảnh: TM

“Tôi rất ám ảnh mỗi khi nhà bên cạnh mở cửa, mùi hôi vô cùng khó chịu. Rồi lông, phân chó xả ra môi trường xung quanh, đặc biệt vào mùa nóng càng bốc mùi không ai chịu nổi. Vừa rồi, tôi có nghe tin TP.HCM có chủ trương siết chặt quản lý chó, mèo nên tôi hoàn toàn ủng hộ” - ông NTC nói.

Ông NTC đề xuất thêm nên có quy định cụ thể mỗi hộ gia đình chỉ được nuôi số lượng bao nhiêu con chó hoặc mèo và có cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng đến người dân sinh sống xung quanh.

Tương tự, anh NKA, ngụ quận 4, TP.HCM, kể: “Bên cạnh nhà tôi có một hộ dân nuôi gần 100 con chó, gây ô nhiễm, tiếng ồn cho các hộ dân sinh sống xung quanh. Việc kinh doanh buôn bán của gia đình tôi cũng bị giảm, thậm chí không có khách ghé đến mua hàng vì ngại mùi hôi. Người dân ở khu vực này cũng đã nhiều lần phản ánh vụ việc đến chính quyền. Sau đó UBND phường cũng có đến làm việc với hộ dân này nhưng vẫn không giải quyết dứt điểm”.

Anh NKA cho biết anh rất ủng hộ chủ trương về quản lý nuôi chó, mèo của TP. Nếu chủ trương được ban hành sẽ giúp ích rất nhiều trong việc quản lý vật nuôi tràn lan như hiện nay.

Chị Trần Như Hằng (ngụ quận 3, TP.HCM) cho biết bản thân chị là một người nuôi chó lâu năm, chị vốn xem thú cưng như một phần không thể thiếu trong cuộc sống gia đình chị. Theo quan điểm của chị thì nuôi chó, mèo nếu chăm sóc kỹ, đúng cách thì cũng không đến nỗi gây tiếng ồn hay có mùi hôi để ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Những hộ nuôi chó, mèo có tình trạng trên là do nuôi mà không chăm sóc kỹ, đúng cách và quan trọng nhất là nuôi tràn lan, không kiểm soát được việc sinh sản của vật nuôi.

Khuyến khích các hộ nuôi gắn microchip trên chó, mèo nhằm quản lý các thông tin liên quan chó, mèo nuôi ở mức độ cá thể…

Sáu trách nhiệm của chủ nuôi chó, mèo

Theo tờ trình, Sở NN&PTNT đề xuất về số lượng vật nuôi quy định số lượng nuôi nhỏ là từ dưới 10 con chó hoặc dưới 20 con mèo; số lượng nuôi vừa là nuôi từ 10 con đến dưới 50 con chó hoặc nuôi từ 20 con mèo đến dưới 100 con mèo; số lượng lớn từ 50 con chó trở lên hoặc từ 100 con mèo trở lên. Đối với trường hợp hộ dân vừa nuôi chó và mèo thì tính một con chó tương đương hai con mèo.

Về trách nhiệm khi nuôi chó, mèo thì chủ vật nuôi này phải có một số trách nhiệm.

Thứ nhất, chủ vật nuôi phải đăng ký việc nuôi chó, mèo với UBND cấp xã, phường và kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định. Đồng thời, sở khuyến khích các hộ nuôi gắn microchip trên chó, mèo nhằm quản lý các thông tin liên quan chó, mèo nuôi ở mức độ cá thể…

Thứ hai, chủ vật nuôi phải kê khai định kỳ hai lần/năm; kê khai đột xuất trong thời hạn ba ngày kể từ khi nhập về nuôi mới hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Thứ ba, chủ vật nuôi phải theo dõi tình trạng sức khỏe vật nuôi thường xuyên, khi chó, mèo có biểu hiện bất thường nghi bệnh truyền nhiễm phải cách ly, theo dõi và báo ngay cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương để được hỗ trợ, xử lý theo quy định…

Thứ tư, chủ vật nuôi phải đăng ký và cam kết thực hiện bảo vệ môi trường trong chăn nuôi và áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định hiện hành. Khi đưa chó ra nơi công cộng, chủ vật nuôi phải mang đủ dụng cụ đựng chất thải và dọn sạch chất thải do chó thả ra nơi công cộng…

Thứ năm, chủ vật nuôi áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo tiếng ồn do hoạt động nuôi chó không vượt quá 70 dBA (từ 6 giờ đến 21 giờ) và 55 dBA (từ 21 giờ đến 6 giờ)…

Thứ sáu, chủ nuôi phải có trách nhiệm nuôi nhốt và cảnh báo chó dữ...

Thứ bảy, chủ vật nuôi phải đối xử nhân đạo khi nuôi chó, mèo.

Về điều kiện nuôi chó, Sở NN&PT NT đề xuất đối với chủ nuôi chó số lượng vừa phải đảm bảo diện tích, không gian tối thiểu nơi nuôi nhốt phải đảm bảo chó sinh hoạt bình thường. Nuôi chó tách biệt với nơi ở, sinh hoạt của con người và cách xa khu dân cư tối thiểu 300 m…•

Quy định tạm thời quản lý chó, mèo là cần thiết

Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có khoảng 184.000 con chó, mèo được nuôi tại hơn 100.000 hộ dân. Nhiều trường hợp chó gây ồn ào, ô nhiễm môi trường, vệ sinh công cộng, chó tấn công người, chó chạy ra đường gây tai nạn giao thông

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, TP.HCM phát sinh nhiều trường hợp hộ dân nuôi số lượng lớn, gây mùi hôi, tiếng ồn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của các hộ gia đình sống xung quanh khu vực. Điều này phát sinh đơn thưa, khiếu nại kéo dài, chưa giải quyết dứt điểm được do hạn chế về căn cứ, quy định để xử lý…

Nhằm quản lý chặt chẽ về quản lý nuôi chó, mèo và xử lý các vi phạm liên quan, việc ban hành quy định tạm thời là rất cần thiết trong thời gian chờ các quy định, hướng dẫn của các cơ quan trung ương.

Sở NN&PTNT TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới