Ngày 20-6, trao đổi tại buổi gặp gỡ các cơ quan truyền thông, Sở GTVT TP.HCM thông tin sắp tới nhiều dự án giao thông quan trọng trên địa bàn TP sẽ được tái khởi động, nhất là sau khi dự án đường vành đai 3 khởi công vào ngày 18-6. Ông Trần Quang Lâm Giám đốc Sở GTVT, cho rằng dự án đường vành đai 3 TP.HCM sẽ là dự án kiểu mẫu, mang lại cách làm mới cho hàng loạt dự án trọng điểm ở TP.
Hàng loạt dự án tái khởi động
Tại buổi gặp gỡ, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông), cho biết sắp tới, ngành giao thông TP rất sôi động với việc khởi động lại hàng loạt dự án giao thông quan trọng.
Cụ thể, trong tháng 7, ngành giao thông sẽ khởi công lại hai cầu Phước Long, Rạch Đỉa, quận 7 và huyện Nhà Bè. Tại khu vực TP Thủ Đức, dự án xây dựng cầu Nam Lý sẽ được tăng tốc, đẩy nhanh. Tới tháng 9, Ban giao thông sẽ tiếp tục thi công dự án xây dựng cầu Ông Nhiêu, cầu Tăng Long và thi công lại đường Lương Định Của. Ông Phúc bày tỏ quyết tâm đẩy nhanh tiến độ dự án, đưa các dự án này về đích sớm nhất có thể.
Theo ông Phúc, riêng dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của hiện còn năm hộ dân ở TP Thủ Đức chưa bàn giao mặt bằng nên tiến độ đang bị lùi lại. Giám đốc Ban giao thông cho rằng nếu cuối tháng 6, các đơn vị bàn giao mặt bằng thì dự án đường Lương Định Của (đoạn từ đường Nguyễn Hoàng đến đường Trần Não) sẽ được hoàn thành.
Cầu Long Kiểng, huyện Nhà Bè sẽ được hoàn thành sớm hơn dự kiến. Ảnh: ĐÀO TRANG |
Từ nay đến cuối năm, ngành giao thông phấn đấu thông xe cầu Long Kiểng sớm hơn kế hoạch ba tháng (hoàn thành vào tháng 9-2023) và thông xe cầu Vàm Sát 2 vào dịp cuối năm.
Để góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết sắp tới, nguồn thu phí hạ tầng cảng biển sẽ được dùng để đầu tư hạ tầng xây dựng.
Sắp tới, nguồn phí này sẽ được sử dụng để đầu tư vào một phần của dự án nút giao thông Mỹ Thủy, An Phú và triển khai khép kín đường vành đai 2 TP.HCM. Trong đó có dự án giao thông quan trọng nối tiếp từ cầu Phú Hữu trên đường Võ Chí Công ra nút giao Bình Thái với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng.
“Việc dùng nguồn thu từ hạ tầng cảng biển để thực hiện các dự án giao thông có ý nghĩa rất lớn với ngành giao thông. Đây là lần đầu tiên TP giao cho ngành giao thông làm một việc chưa từng có tiền lệ” - ông Lâm nói.
Vận dụng cách làm mới của dự án vành đai 3
Tại buổi gặp mặt báo chí, ông Trần Quang Lâm cũng đã chia sẻ về cách làm mới tại dự án đường vành đai 3 TP.HCM. Theo ông Lâm, dự án này sẽ là động lực, kiểu mẫu cho hàng loạt dự án tiếp theo.
Ông Lâm cho rằng một trong những vấn đề quan trọng nhất là Quốc hội, Chính phủ đã phân cấp về cho các địa phương làm chủ dự án. Qua đó, từng tỉnh, thành đã phát huy được nội lực của mình, thay đổi cách làm và thay phương pháp giải quyết công việc.
Đặc biệt, từ dự án đường vành đai 3, TP có thể áp dụng một số cơ chế mà sau này có thể nhân rộng cho các dự án trọng điểm như công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, triển khai các thủ tục song song khi thực hiện dự án, lựa chọn đơn vị tư vấn, chỉ định thầu để rút ngắn thời gian.
Quan trọng hơn là từ dự án đường vành đai 3, TP đã có cơ chế để làm một số công việc, giúp đẩy nhanh quá trình duyệt ranh và giải phóng mặt bằng trước khi duyệt dự án (thông thường khi duyệt dự án thì mới xác định ranh), kiểm đếm, đo vẽ…
“Bên cạnh đó, phương thức phối hợp giữa các sở, ngành, ban chỉ đạo, ban chỉ huy dự án, ban cố vấn của dự án. Khi tiếp nhận việc mới, việc khó, chúng ta chưa lường hết rủi ro, phức tạp thì đã có những nhà có chuyên môn cao, những nhà quản lý có kinh nghiệm để họ tư vấn và cùng với TP để xem xét, thẩm định, đánh giá và nhận diện các vấn đề khó khăn. Chính vì vậy, dự án đường vành đai 3 triển khai nhanh và không gặp vấn đề gì vướng mắc” - ông Lâm chia sẻ.
Giám đốc Sở GTVT cho biết từ kinh nghiệm của dự án đường vành đai 3, những khó khăn về kỹ thuật của những dự án sắp tới như cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cảng Cần Giờ thì chúng ta sẽ có cơ chế làm việc, có hội đồng cố vấn hoặc các hội đồng chuyên gia để giúp TP làm việc hiệu quả hơn. “Những chuyên gia đi cùng chúng ta có thể tháo gỡ ngay những vướng mắc và có quyết sách nhanh. Chúng ta sẽ không bị chần chừ, chậm trễ” - ông Lâm nói.•
Hàng loạt dự án được đầu tư từ nguồn thu phí hạ tầng cảng biển
Theo Sở GTVT, từ ngày 1-4 đến nay, TP.HCM thu phí hạ tầng cảng biển được khoảng 2.700 tỉ đồng. Mỗi ngày thu được khoảng 7,5 tỉ đồng, hoàn toàn tự động và rất công khai, minh bạch, được doanh nghiệp đồng thuận cao. Thời gian vừa qua, nguồn thu này đã hòa vào ngân sách để đầu tư vào công trình gắn với cảng biển.
Sở GTVT cho biết Nghị quyết 10/2022 của HĐND TP đã cho phép dùng nguồn thu từ phí hạ tầng cảng biển bổ sung cho ngân sách TP để tập trung vào các công trình giao thông kết nối cảng biển giai đoạn 2021-2025. Trong đó, đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường Võ Chí Công, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Định; nút giao thông Mỹ Thủy; khép kín đường vành đai 2; xây dựng đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu; xây mới cầu Thủ Thiêm 4 (theo hình thức PPP); đầu tư nạo vét, duy tu luồng Soài Rạp…