Sáng 25-11, tại số 18B Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM đã diễn ra buổi khánh thành Thư viện sách nói dành cho người mù. Buổi lễ có sự tham gia của bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Nguyễn Văn Đua, Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, cùng nhiều nhà tài trợ chính cho thư viện.
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP; ông Nguyễn Văn Đua, Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, đến tham dự và cắt băng khánh thành Thư viện sách nói dành cho người mù. Ảnh: THANH TUYỀN
Nói về hành trình xây dựng thư viện sách này, bà Nguyễn Hướng Dương, Giám đốc Thư viện sách nói, không khỏi xúc động. Bà chia sẻ: "Suốt 20 năm qua, thư viện đã bốn lần phải dời địa điểm làm việc, bảy lần dời chỗ làm phòng thu âm từ trung tâm UNESCO TP.HCM đến trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Sau đó đến Công ty Thế kỷ 21, Hội Phụ nữ từ thiện, nhà của một doanh nghiệp rồi đến cơ sở của Thành đoàn. Cũng có lúc chúng tôi phải thuê phòng nhà người dân để thu âm... Có khi còn bị đuổi mà xách đồ chạy đi không kịp".
Vậy nên khi Thư viện sách nói này chính thức hình thành, mọi người không còn phải chạy vạy khắp nơi để tìm chỗ làm việc. “Trước tiên đó là nhờ sự lắng nghe của chú Nguyễn Văn Đua, Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM và sau đó là lãnh đạo TP. Đó còn là sự giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm, tổ chức, các bạn tình nguyện viên đã luôn tin tưởng để cùng chúng tôi xây dựng nên thư viện này. Căn nhà này được hình thành từ những trái tim yêu thương, những tấm lòng nhân ái của quý vị ân nhân và đó chính là một phép màu giữa cuộc đời này”, bà Hướng Dương nói.
Bà Nguyễn Hướng Dương, Giám đốc thư viện và ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Quỹ từ thiện sách nói nhận hoa thay lời cảm ơn của những em học sinh mù. Ảnh: THANH TUYỀN
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, chia sẻ bà cảm thấy rất vui vì sau chừng đó thời gian, thư viện sách đã có trụ sở chính, tạo cơ hội cho người mù hiện đang sinh sống ở TP được đến đây học tập như bao người khác.
Bà Nguyễn Thị Thu nói rằng bà cảm thấy rất vui vì người mù đã có thêm cơ hội để học tập tốt hơn. Ảnh: THANH TUYỀN
Bà Thu hứa rằng UBND TP.HCM cũng sẽ đồng hành với sự phát triển của thư viện. Bà mong muốn nhận được những đề án thiết thực nhất phù hợp với sự phát triển dài lâu của thư viện, tạo nên môi trường học tập tốt cho người mù.
Ông Nguyễn Văn Đua và bà Nguyễn Thị Thu cùng tham quan phòng đọc, thu âm của thư viện. Ảnh: THANH TUYỀN
Cùng xem người mù đánh cờ tại căn phòng nhỏ của thư viện. Ảnh: THANH TUYỀN
Nhân dịp này, bà Thu cũng gởi lời cảm ơn chân thành đến những cá nhân, tập thể đã cùng chung sức để xây dựng nên thư viện như hôm nay. “Tôi xin gởi lời cảm ơn đến tất cả mọi người đã dày công đồng hành cùng thư viện. Đó là đội ngũ tình nguyện viên, những người đứng đầu thư viện cùng các cá nhân, tổ chức đã không màng đến việc được PR hay quảng cáo mà đi đến cùng để xây được thư viện khang trang như ngày hôm nay”, bà nhấn mạnh.
Nhiều tổ chức, cá nhân cùng tham gia xây dựng Thư viện sách nói dành cho người mù cũng đã nhận bảng tri ân như một lời cảm ơn của thư viện đến những người đã luôn đồng hành suốt gần 20 năm qua.
Ông Nguyễn Văn Đua trao bảng tri ân cho các cá nhân có đóng góp xây dựng thư viện. Ảnh: THANH TUYỀN
Để xây dựng nên thư viện khang trang như ngày hôm nay là sự chung tay của 66 tình nguyện viên và rất nhiều cá nhân khác... Ảnh: THANH TUYỀN
Trong gần 20 năm qua, thư viện đã đọc thu âm thành sách nói 1.830 tựa sách, in sang và phân phối miễn phí đến các cơ sở 402.810 cassette sách nói và CD sách nói, đã đưa lên trang web online 1.286 CD sách nói và đã có 16.700.000 lượt người truy cập. Để làm được việc này, đội ngũ tình nguyện viên gồm 66 người đã làm việc rất nhiệt tình và tâm huyết. Ngoài ra, thư viện còn có những chương trình học bổng hỗ trợ khác cho học sinh, sinh viên như: học bổng Hướng Dương với 697 suất được trao đi cho sinh viên mù, 167 laptop tặng sinh viên học giỏi. Hằng năm thư viện cũng tổ chức giải cờ vua cho người mù, thực hiện chương trình khám bệnh phát thuốc miễn phí... Trong năm 2017, thư viện triển khai thêm chương trình mới là “Dạy tin học cho người mù” và “Tặng cây gậy dò đường”. |