TP.HCM không ngừng cải cách để phục vụ dân tốt hơn

(PLO)- Với việc gánh trên vai những trọng trách quan trọng, việc cải thiện các chỉ số cải cách hành chính là việc mà TP.HCM phải làm, làm ngay và phải tìm ra được giải pháp cụ thể.

Theo kết quả vừa được công bố, năm 2023, TP.HCM đã có những cải thiện đáng kể về các chỉ số SIPAS, PAR Index. Kết quả này dù chưa thực sự đạt được như mục tiêu đề ra nhưng đó là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị TP thời gian qua.

Đặc biệt, TP.HCM đã tái cấu trúc 694 quy trình nội bộ, đơn giản hóa các bước giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Nhờ đó TP đã cắt giảm được gần 3.500 giờ làm việc, giảm 1-2 bước trong quy trình giải quyết TTHC.

Cùng với việc vận hành rất nhiều nền tảng số lớn, TP cũng đã đưa vào sử dụng nền tảng lắng nghe mạng xã hội có ứng dụng AI để mỗi sở, ngành, quận, huyện theo dõi được thông tin hằng ngày về đơn vị...

Tất nhiên, TP.HCM luôn nhìn nhận thẳng thắn những khâu còn hạn chế để tập trung giải quyết; từ đó nhanh chóng bắt tay ngay vào thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) năm 2024 đề ra với những mục tiêu cao hơn. Cụ thể, TP đã ban hành kế hoạch CCHC năm 2024 với 21 chỉ tiêu, tám nhóm nhiệm vụ với 98 nhiệm vụ cụ thể và phân giao nhiệm vụ cho từng cơ quan để thực hiện.

Chủ đề năm 2024 của TP.HCM là quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong chuyển đổi số, cải cách nền công vụ, hiện đại hóa nền hành chính và đã đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2025, cơ bản đưa hoạt động hành chính của TP.HCM lên nền tảng số. Trong đó, tất cả TTHC phải được đưa lên nền tảng số, vận hành có hiệu quả hệ thống thông tin giải quyết TTHC, liên thông, kết nối với dữ liệu với quốc gia.

Việc chọn chuyển đổi số làm một thành tố trong chủ đề năm 2024 là thách thức rất lớn nhưng đó sẽ là động lực để toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành của TP cùng quyết tâm hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Với những mục tiêu lớn này, vấn đề đặt ra là TP phải xây dựng được một nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, có tính toán thích nghi với quy mô, điều kiện đặc biệt của một siêu đô thị như TP.HCM.

Đội ngũ cán bộ, công chức cũng không phải mất nhiều công sức để xử lý các công việc, sự vụ hằng ngày mà có nhiều thời gian, động lực để tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Người dân khi đó cũng không còn phải đi lại nhiều lần khi liên hệ với cơ quan chính quyền làm thủ tục, giải quyết hồ sơ mà có nhiều cách lựa chọn hiệu quả hơn khi ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo. Từ đó, chi phí thời gian được rút ngắn và chi phí cơ hội được tăng lên, góp phần vun đắp sự hài lòng của người dân và tạo nên sự chuyển biến về chất trong hoạt động công vụ.

Với một TP được xem là đầu tàu kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước, là nơi thí điểm nhiều chủ trương, chính sách lớn, được đặt để trên vai nhiều trọng trách quan trọng thì việc cải thiện các chỉ số CCHC là việc phải làm, làm ngay và phải tìm giải pháp chứ không còn là việc giải thích vì sao chỉ số đó thấp nữa.

Như Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã từng khẳng định chúng ta không tự hài lòng với chỉ số CCHC hiện tại mà phải cố gắng làm tốt hơn những gì đã làm để phục vụ người dân được tốt nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới