UBND TP.HCM có báo cáo kết quả ba năm thực hiện đề án chính quyền đô thị tại địa phương.
Bất hợp lý trong phân bổ biên chế
Khi thực hiện chính quyền đô thị, UBND TP.HCM nhận thấy lợi ích là tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, minh bạch trong quản lý được tăng cường, tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP đã tinh gọn, không còn chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trên các lĩnh vực quản lý…
Dù vậy, TP.HCM đang gặp khó khăn trong quá trình thực hiện bởi việc bố trí số lượng công chức và người hoạt động không chuyên trách tại các phường chưa phù hợp với khối lượng công việc và quy mô dân số. TP nhìn nhận điều này ít nhiều có ảnh hưởng việc phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Đáng chú ý, TP đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng chính quyền điện tử, tuy nhiên, tại các phường chưa có chức danh chuyên trách về công nghệ thông tin nên việc vận hành các chương trình, thiết bị công nghệ gặp nhiều khó khăn.
Cùng đó, UBND quận, phường là đơn vị dự toán ngân sách nên khó chủ động trong điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng.
Trường hợp phát sinh nhiệm vụ khẩn cấp mà chưa được bố trí dự toán, UBND quận phải báo cáo Sở Tài chính để trình UBND và HĐND TP xem xét, giải quyết nên không thể chủ động trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh tại địa bàn.
Cán bộ công chức làm việc tại quận Bình Tân. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Khi thực hiện chính quyền đô thị, dự toán ngân sách của các quận sẽ do HĐND TP quyết định. Nhưng Luật Đầu tư công năm 2019 không quy định HĐND TP thực hiện việc quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm sử dụng vốn ngân sách các quận của TP.
Chính điều này khiến TP lúng túng với việc HĐND TP có được quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm sử dụng vốn ngân sách quận trên cơ sở dự toán ngân sách quận do HĐND TP quyết định hay không.
Hơn nữa, UBND TP là cơ quan phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của UBND quận, nhưng hiện chưa có văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục lập, thẩm định trình UBND TP.HCM phê duyệt kế hoạch này.
TP muốn phân bổ biên chế theo từng giai đoạn, cơ cấu dân số
Qua ba năm thực hiện, ghi nhận từ thực tiễn, TP kiến nghị trung ương nghiên cứu, ban hành quy định, hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ cấp ủy trong TP.
TP cũng kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết cho áp dụng có thời hạn trong giai đoạn sắp xếp đơn vị hành chính một số cơ chế, chính sách đặc thù thuộc quyết định của Quốc hội, như: quy định cụ thể những nội dung liên quan đến việc phân bổ ngân sách cho các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp, trình tự, thủ tục đơn giản hơn trong việc đấu giá, xử lý tài sản, trụ sở làm việc dôi dư, việc giữ nguyên số lượng cấp phó của một số cơ quan khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính...
Cùng đó, kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương ở TP thuộc TP trực thuộc Trung ương nhằm cụ thể hoá mô hình này, áp dụng vào thực tiễn tại TP Thủ Đức. Dựa vào đó làm cơ sở đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương đối với mô hình TP thuộc TP.
Song song đó, cần có các cơ chế, chính sách khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính nhằm tạo thuận lợi cho các địa phương kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí cán bộ.
Trong đó có chính sách ưu đãi, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức dôi dư nghỉ việc… Các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền TP Thủ Đức.
Chính quyền TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, trình Chính phủ xem xét, phê duyệt số lượng biên chế hành chính, số lượng người làm việc, số lượng hợp đồng lao động của TP phù hợp với thực tế tại địa phương nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 31 và Nghị quyết 24 theo hướng: giao biên chế theo từng giai đoạn, không theo biên chế từng năm và việc giao biên chế có xét đến yếu tố dân số của địa phương.
TP cũng mong sớm có hướng dẫn về thủ tục thanh lý, bán đấu giá tài sản, quyền sử dụng đất tại các trụ sở công không sử dụng thuộc các đơn vị hành chính các cấp do sắp xếp.
Nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM ban hành ngày 16-11-2020.
Theo Nghị quyết này, TP không tổ chức HĐND tại 16 quận và 249 phường. Đồng thời, điều chỉnh một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP.HCM, UBND, Chủ tịch UBND quận, phường trong điều kiện không tổ chức HĐND.
Mục tiêu nhằm tinh gọn, đổi mới mạnh mẽ và linh hoạt hoạt động của bộ máy chính quyền, giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của TP.
Thực hiện chính quyền đô thị theo Nghị quyết, đến nay, TP có 20 sở với 173 phòng chuyên môn trực thuộc, 16 chi cục và tương đương, 88 phòng chuyên môn thuộc Chi cục và tương đương. Đồng thời, có 11 cơ quan hành chính khác trực thuộc UBND TP.