TP.HCM: Lên kịch bản cung cấp miễn phí 186.000 suất ăn/ngày

Về công tác chuẩn bị nguồn cung, Sở Công Thương TP.HCM cho biết đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các tháng thường lượng hàng bình ổn chiếm 25%-30% nhu cầu thị trường. Trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp phòng chống dịch COVID-19, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm 35%-50% nhu cầu thị trường.

Cụ thể, lương thực 3.830,7 tấn/tháng; trứng gia cầm 71,9 triệu quả/tháng; thực phẩm chế biến 728,9 triệu tấn/tháng. Rau củ quả 7.395,0 tấn/tháng; thịt gia súc 6.238,5 tấn/tháng; thịt gia cầm 8.748 tấn/tháng. Thủy hải sản 184,5 tấn/tháng; dầu ăn 1.072,5 tấn/tháng; gia vị 643,8 tấn/tháng; đường 2.017,5 tấn/tháng.

Về giải pháp cân đối cung-cầu hàng hóa thiết yếu. Sở Công Thương TP.HCM đã xây dựng ba tình huống:

Thứ nhất: Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, có dưới 100 trường hợp nhiễm mới trên địa bàn thành phố.

Sở Công Thương bám sát diễn biến thị trường, sẵn sàng phối hợp, điều phối các đơn vị, doanh nghiệp bình ổn thị trường (DN BOTT), hệ thống phân phối đảm bảo cung ứng hàng hóa kịp thời, đầy đủ, liên tục.

Theo đó, DN BOTT chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 30%-40% so với ngày thường; sẵn sàng cung ứng kịp thời đến điểm bán BOTT, các hệ thống phân phối. Đồng thời, chuẩn bị nguyên vật liệu, sẵn sàng nâng khả năng cung ứng nguồn hàng tăng 50%-100% trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.

Đối với hệ thống phân phối hiện đại, chủ động tăng cường nhân sự, liên tục đưa hàng lên kệ, tăng thời gian phục vụ… đặc biệt vào các ngày cuối tuần. Chủ động nguồn hàng trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn và đẩy mạnh phát triển kênh thương mại điện tử .

Ban quản lý các chợ đầu mối, chợ truyền thống tăng cường quản lý giá, chất lượng hàng hóa. Vận động tiểu thương bán hàng bình ổn, đặc biệt là các nhóm hàng thiết yếu, không để hiện tượng nâng giá các mặt hàng thiết yếu…

Các hệ thống phân phối hiện đại cung ứng hàng hóa liên tục, không để bị gián đoạn.

Thứ 2: Dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, có dưới 300 trường hợp nhiễm COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Sở Công Thương tiếp tục các giải pháp đã thực hiện trong tình huống 1. Huy động nguồn lực toàn xã hội, trình UBND TP.HCM quyết định phương án hỗ trợ về vốn, chính sách để DN trên địa bàn thành phố dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu tại chỗ. Đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa liên tục, không gián đoạn, kể cả trong tình huống dịch bệnh lan rộng, nhiều khu vực bị cách ly.

Đối với DN BOTT, chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 50%-100% so bình thường. Dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu tại chỗ, nhân lực ổn định; đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa liên tục, không gián đoạn, kể cả trong tình huống dịch bệnh lan rộng, nhiều khu vực bị cách ly.

Đối với hệ thống phân phối hiện đại có phương án lưu chuyển hàng hóa phù hợp, đưa hàng hóa kịp thời, không gián đoạn đến tất cả điểm bán hàng. Xây dựng phương án cung cấp hàng hóa trong khu vực bị cách ly. Giới hạn số lượng hàng bán ra đối với mỗi khách hàng cá nhân, không để thu gom, tích trữ tại các điểm bán hàng. 

Các DN trên địa bàn thành phố phát huy tinh thần cộng đồng, đồng hành cùng Sở triển khai các giải pháp ổn định thị trường.

Kịp thời phản ánh khó khăn, đề xuất chính sách hỗ trợ đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa liên tục, không gián đoạn, kể cả trong tình huống dịch bệnh lan rộng, nhiều khu vực bị cách ly.

Trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp phòng chống dịch COVID-19, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm 35%-50% nhu cầu thị trường, như trứng gia cầm 71,9 triệu quả/tháng.

Thứ ba: Dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, Sở Công Thương tiếp tục các giải pháp đã thực hiện trong hai tình huống trên.

Triển khai ngay các giải pháp huy động nguồn lực toàn xã hội; hỗ trợ DN trên địa bàn thành phố dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu tại chỗ, đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa liên tục, không gián đoạn, kể cả trong tình huống dịch bệnh lan rộng, nhiều khu vực bị cách ly.

Căn cứ quy định pháp luật, tình hình diễn biến dịch bệnh; xem xét trình UBND TP.HCM quyết định các chính sách huy động và phân phối nguồn hàng theo cơ chế đặc thù, đối phó khẩn cấp với dịch bệnh.

Hạn chế xuất khẩu nguyên liệu và thành phẩm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu và các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch.

Đối với các DN BOTT hệ thống phân phối và DN trên địa bàn thành phố… tiếp tục các giải pháp đã thực hiện trong hai tình huống trên. Phát huy kênh phân phối thương mại điện tử. Nghiêm túc phối hợp với Sở các giải pháp ổn định thị trường, cung ứng hàng hóa kịp thời, không gián đoạn…

Giảm hoặc ngừng hoạt động xuất khẩu đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu và các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch. Tăng nguồn hàng phục vụ thị trường nội địa tại thành phố và các tỉnh, thành.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở Công Thương phối hợp với Sở Y tế cung cấp suất ăn miễn phí và nhu yếu phẩm thiết yếu cho người bị cách ly, lực lượng y bác sĩ, điều dưỡng người phục vụ tham gia chống dịch. Chẳng hạn, bình quân ngày 23-3 là hơn 10.000 suất ăn/ngày.

Kế hoạch cung cấp thực phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố. Xác định nhu cầu thực phẩm hàng ngày theo các tình huống.

Tình huống thứ nhất: Có 100 người bệnh, 10.000 người cách ly, số người cần phục vụ là 13.700 người. Mỗi ngày nhu cầu thực phẩm thiết yếu gồm rau củ 6.85 tấn; thịt heo, gà và cá 5,48 tấn; trứng 27.400 quả; 2,74 tấn gạo; nước suối 27,400 lít. Tương đương  41.100 suất ăn/ngày.

Tình huống thứ hai: Có 300 người bệnh, 20.000 người cách ly, tổng số người cần phục vụ là 28.600 người. Tương đương 85.800 suất ăn/ngày.

Tình huống thứ ba: 500 người bệnh, 40.000 người cách ly, tổng số người cần phục vụ là 56.000 người. Tương đương 186.000 suất ăn/ngày.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm