“Sở GTVT sẽ lắp camera quan sát cả trên bộ và dưới nước ở các cầu yếu trên địa bàn để kiểm soát các phương tiện qua lại và xử lý kịp thời những tình huống có thể phát sinh”. Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý Khai thác Hạ tầng Giao thông Đường bộ, Sở GTVT TP.HCM, thông tin tại buổi họp báo của sở này hôm 31-3.
Gắn trụ chống va, cử người bảo vệ cầu yếu
Sau sự kiện cầu Ghềnh bị tông sập, PV các báo đặt vấn đề: Ở TP.HCM hiện có bao nhiêu cầu yếu, việc bảo đảm an toàn cho các cầu này ra sao?
Theo ông Ngô Hải Đường, đến cuối năm 2015 có 28 cầu yếu do Sở GTVT quản lý. Trong số này có bốn cầu đang được xây mới, 15 cầu đưa vào diện xây mới từ nay đến năm 2020. Số còn lại chưa có kế hoạch xây mới nhưng sẽ được gia cường, gia tăng bảo vệ.
Ngoài ra, hiện TP.HCM có 97 cầu không đạt chuẩn về độ cao và chiều rộng của khoang thông thuyền, trong đó có nhiều cầu nằm trên các tuyến đường thủy quan trọng như kênh Tẻ, kênh Đôi…
PV Pháp Luật TP.HCM đặt vấn đề: Ở khu vực vùng ven có nhiều cầu yếu, thiếu cầu phục vụ đi lại của người dân. Ví dụ cầu Xáng Dọc (ở xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh) bằng thép, không cho ô tô qua, trong khi số sà lan loại lớn đi dưới cầu tăng mạnh nhưng biện pháp bảo vệ sơ sài, nguy cơ va đập vào cầu cao.
Ông Đường nhìn nhận một số cầu yếu trên do các quận/huyện quản lý nên chưa có biện pháp bảo vệ thích hợp. Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết thêm sau sự cố sập cầu Ghềnh, Sở GTVT đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc và các quận/huyện rà soát, kiểm tra và triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho các cầu. Các công việc được triển khai là lắp biển báo, trụ chống va. Ngoài ra, ở một số cây cầu còn có người trực gác 24/24 giờ để điều tiết các phương tiện đường thủy, đường bộ qua lại. “Sở GTVT sẽ cùng các quận/huyện kiểm tra lại toàn bộ các cầu để phân cấp quản lý, bảo vệ các cầu tốt hơn. Ngoài ra, Sở GTVT sẽ lên kế hoạch nâng cấp, làm mới cầu trên các tuyến, khu vực trọng yếu” - ông Lâm nói.
Cầu Rạch Đỉa 1 trên đường Lê Văn Lương, nối quận 7 với huyện Nhà Bè là cầu yếu nhưng có lượng người qua lại rất đông. Ảnh: LĐ
Không thể cứu cầu cổ Nhị Thiên Đường
Sở GTVT cũng khẳng định không thể cứu được cầu Nhị Thiên Đường đã hơn 90 năm tuổi bằng 30 tỉ đồng mà phải xây mới với kinh phí khoảng 170 tỉ đồng.
Theo ông Vũ Xuân Nguyên, Trưởng phòng Quản lý Xây dựng Hạ tầng Giao thông Đường bộ, Sở GTVT, cầu Nhị Thiên Đường cũ và mới độ vênh nhau về tuổi, tải trọng cho phép… nên phải làm cầu để hai cầu đồng bộ. Ngoài ra, cầu cũ còn quá dốc, không bảo đảm an toàn lưu thông.
Ông Nguyên cũng cho rằng đơn vị đề xuất sửa chữa nói sửa cầu cũ chỉ mất 30 tỉ đồng mới chỉ là định tính. “Kết quả kiểm định cho thấy mặt cầu, dầm, trụ và các phần dưới nước đã xuống cấp nặng. Mặt khác, kênh Đôi mà cầu Nhị Thiên Đường cũ băng ngang thuộc cấp 3 và tĩnh không theo quy chuẩn là 6 m nhưng cầu cũ chỉ cao 4,5 m. Gần đây tàu thuyền qua lại tuyến kênh này để lên xuống giữa TP.HCM và miền Tây ngày càng nhiều, với nhiều loại lớn. Vì vậy, việc làm cầu mới là tất yếu để có tĩnh không, khoảng thông thuyền rộng đáp ứng nhu cầu vận tải thủy và bảo đảm an toàn hơn” - ông Nguyên lý giải.
Một lý do khác phải bỏ cầu Nhị Thiên Đường cũ là mặt đường Phạm Thế Hiển cách dạ cầu cũ này chỉ 3,1 m nên làm cầu thì nâng độ cao đạt chuẩn (là 4,75 m) để các loại xe ô tô qua lại an toàn.
PV đặt vấn đề, nếu như vậy thì cũng phải nâng cầu chữ Y (cũng trên đường Phạm Thế Hiển) và điều này sẽ gây tốn kém. Ông Nguyên cho biết sẽ tổ chức khảo sát lại cầu chữ Y.
“Chưa nhận được đề án granite hóa vỉa hè” Về việc quận 1 chủ trương lót vỉa hè 134 tuyến đường bằng đá granite với số tiền lên đến 1.000 tỉ đồng, Phó Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết quan điểm của Sở là vỉa hè có tính thẩm mỹ và an toàn sẽ giúp người dân có thói quen đi bộ trên vỉa hè nhiều hơn. Tuy nhiên, đến nay Sở chưa nhận được đề án chính thức của UBND quận 1 về đề xuất lát đá hoa cương nên chưa có cơ sở để đưa ra ý kiến, trao đổi. |