Theo ông Vũ Xuân Nguyên - Trưởng phòng Quản lý xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT, hai cầu Nhị Thiên Đường 1 (cầu cũ) và 2 (cầu mới) có độ vênh nhau về tuổi, tải trọng cho phép (1,5 tấn và 30 tấn)… nên phải làm cầu mới thay cầu cũ để cho hai cầu được đồng bộ.
Cầu cũ và cầu mới vênh nhau về độ cao, độ dốc nên không chỉ không đẹp về cảnh quan đô thị mà còn không bảo đảm về an toàn lưu thông đường bộ, do cầu cũ quá dốc.
Theo ông Nguyên, đánh giá về chất lượng cầu cũ của đơn vị đề xuất sửa chữa chỉ mất 30 tỉ đồng mới chỉ là định tính. Trong khi kiểm định cụ thể cho thấy từ mặt cầu đến dầm, trụ và các phần âm dưới nước đã bị hư hỏng, xuống cấp nặng.
Cũng theo ông Nguyên, kênh Đôi mà cầu Nhị Thiên Đường cũ “đi” ở trên là sông, kênh cấp 3, có độ cao tĩnh không theo chuẩn là 6 m, trong khi cầu cũ chỉ cao 4,5 m. Cạnh đó, tàu thuyền qua lại tuyến kênh này để lên xuống giữa TP.HCM và miền Tây ngày càng nhiều và tăng mạnh về sức chở (có sà lan hơn 1.500-2.000 tấn chứ không còn là ghe thuyền nhỏ như xưa)… nên tất yếu phải làm cầu mới cao và có khoảng thông thuyền rộng hơn để đáp ứng nhu cầu vận tải thủy và bảo đảm an toàn hơn.
Đường Phạm Thế Hiển chui dưới dạ cầu Nhị Thiên Đường chỉ cao 3,1 m nên khi làm cầu mới sẽ nâng độ cao theo chuẩn lên đạt 4,75 m để các loại ô tô đi qua được an toàn.
PLO nêu vấn đề nếu nâng dạ cầu Nhị Thiên Đường phía trên đường Phạm Thế Hiển lên 4,75 m thì cũng phải nâng cầu Chữ Y cùng nằm trên tuyến đường Phạm Thế Hiển hiện bị khống chế 3,3 m lên, như thế sẽ tốn kém. Ông Nguyên cho biết sẽ đi khảo sát lại cầu Chữ Y.
Theo ông Nguyên, khi xây cầu Nhị Thiên Đường mới sẽ cố gắng giữ lại những nét cổ ở cầu cũ như cấu trúc mỹ thuật của các trụ đèn.