Ngày 3-3, nguồn tin của Pháp Luật TP.HCMcho biết như trên. Tại cuộc họp ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT, và chuyên viên các phòng ban cho rằng phải phá bỏ cầu Nhị Thiên Đường cũ, xây cầu mới. Lý do là đường Tùng Thiện Vương và quốc lộ 50 có quy hoạch mở rộng lên 40 m, do đó cầu Nhị Thiên Đường phải được làm mới với kinh phí 170 tỉ đồng.
Trong khi đó, đường Phạm Thế Hiển và Nguyễn Duy ở hai bên cầu cũ thường có xe tải đi qua đụng vào dạ cầu. Xung quanh cầu cũ hiện có nhiều tệ nạn, nghiện hút, bài bạc… nên phải phá bỏ. Trên thực tế, đường Phạm Thế Hiển và Nguyễn Duy là đường đô thị, không phải là tuyến vận tải hàng hóa cho xe tải nặng.
Xe tải chở bồn nước hơn 12 m3 cung cấp thường xuyên cho quận 8 vẫn qua lại bình thường dưới dạ cầu Phạm Thế Hiển.
… và các loại xe buýt vẫn qua lại không bị vướng.
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đường Tùng Thiện Vương và quốc lộ 50 hiện hữu từ ngã tư Nguyễn Văn Linh trở vào sẽ chuyển thành đường phố chính thứ yếu với chiều rộng chỉ 4-6 làn xe (tức bằng khoảng 13-20 m chứ không phải 40 m).
Tổng chiều rộng của hai cầu Nhị Thiên Đường cũ và mới trên 20 m phù hợp với chiều rộng đường Tùng Thiện Vương và quốc lộ 50 ở hai đầu cầu theo quy hoạch.
Trước đó, trong thư gửi Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, liên danh SBTECH (Việt Nam) - Fyfe Asia Pte Ltd cho biết sẽ sửa chữa, gia cường cầu cũ, mở rộng mặt cầu, cải tạo lại độ dốc đường hai đầu cầu để đảm bảo an toàn khi lưu thông. Mục đích là để khôi phục nguyên trạng kiến trúc cổ của cầu. Thời gian sửa chữa không quá 150 ngày. Trong quá trình sửa chữa vẫn đảm bảo giao thông, không phải cấm cầu và tàu thuyền vẫn lưu thông bình thường ở bên dưới. Thời gian bảo hành công trình sau sửa chữa, gia cường là 20 năm, tổng kinh phí chỉ là 30 tỉ đồng.
Các loại sà lan lớn trên 1.500 tấn vẫn qua lại dưới cầu Nhị Thiên Đường cũ và mới an toàn.
Tại cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT chiều 27-2, Bí thư Thành ủy chỉ đạo Sở GTVT không được triển khai xây dựng các công trình chưa cần thiết với quy mô hoành tráng về tài chính. Sở cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, tiết kiệm để giữ lại các công trình còn khả năng khai thác để giải quyết nhanh vấn đề giao thông, đi lại của người dân.
Bí thư Thành ủy chỉ đạo nên làm các công trình tiết kiệm, phục vụ dân đi lại, giải quyết ùn tắc nhanh nhất.