Cầu Nhị Thiên Đường: Đập hay sửa?

Khi được biết thông tin phá bỏ cầu Nhị Thiên Đường 1 cũ để xây lại cầu mới, nhiều người dân ở quanh đó và biết rõ lịch sử của cây cầu đã bày tỏ nhiều lo ngại và tiếc nuối, bởi cầu Nhị Thiên Đường 1 đã trở thành một biểu tượng của Sài Gòn từ ngày xưa, gắn liền vào cuộc sống của họ.

Trong 40 năm nay có nhiều chiếc cầu ở khu vực Chợ Lớn đã bị phá như cầu Bình Tây, Bình Tiên, Ba Cẳng, Cây Gõ (lấp một số kinh, bây giờ chuẩn bị đào lại)… nên việc phá bỏ một cây cầu gắn nhiều với cuộc sống của người Sài Gòn - Chợ Lớn đã khuấy động tâm khảm của họ. Chính vì vậy một số người đã đưa đề nghị như hiện nay, cầu Nhị Thiên Đường cũ chỉ cho xe máy, xe hơi, xe tải và xe thô sơ có trọng tải dưới 1,5 tấn lưu thông từ hướng phường 13 (quận 8) qua phường 5 (quận 8), chiều từ Chợ Lớn đi Long An. Với lưu lượng xe và tải trọng nhỏ thì sức chịu đựng của cầu có thể kéo dài từ 20 đến 30 năm nữa. Thứ hai, do cầu Chà Và nối quận 8 và quận 5 luôn bị tắc đường. Vào giờ cao điểm thường xảy ra tình trạng kẹt xe, kéo dài từ cầu Chà Và cho đến cầu Nhị Thiên Đường, gây ảnh hưởng đến tuổi thọ của hai cây cầu Nhị Thiên Đường mới và cũ. Để giải quyết tình trạng kẹt xe tại cầu Chà Và, các ngành chức năng nên xúc tiến xây gấp cầu Bình Tiên. Hoàn thành được việc này, lượng người và hàng hóa, các loại xe của ba phường 13, 14, 15 (quận 5) đi qua Chợ Lớn sẽ không còn phải chạy vòng qua cầu Chà Và vừa mất thời gian và tốn thêm chi phí xăng dầu. Những chiếc cầu sẽ được dựng lên liền phường 13, 14 với phường 6 và 7 (quận 8) qua kênh Đôi, khi đó lượng người lưu thông qua cầu Nhị Thiên Đường cũ sẽ giảm và huyết mạch lưu thông từ Chợ Lớn đi Long An sẽ thông thoáng hơn.

Tuy nhiên, mới đây có một thông tin đáng chú ý nhưng do… tết nên dư luận ít quan tâm đó là việc đại diện Liên danh SBTECH (Việt Nam) - Fyfe Asia Pte Ltd (trụ sở chính ở Mỹ, có văn phòng đại diện châu Á ở Singapore) vừa có thư gửi bí thư Thành ủy TP.HCM, UBND TP và Sở GTVT về việc sửa chữa, giữ lại cầu Nhị Thiên Đường.

Theo đó, liên danh này sẽ sửa chữa, gia cường cầu cũ - hiện chỉ cho xe 1,5 tấn đi qua - đạt tải trọng không hạn chế (HL 93); mở rộng mặt cầu thêm 0,5 m thành 9 m và lề bộ hành 2 m; cải tạo lại độ dốc đường hai đầu cầu để đảm bảo an toàn khi lưu thông; khôi phục nguyên trạng kiến trúc cổ của cầu.

Thời gian sửa chữa không quá 150 ngày và trong quá trình sửa chữa vẫn đảm bảo giao thông, không phải cấm cầu. Thời gian bảo hành công trình sau sửa chữa, gia cường là 20 năm, tổng kinh phí chỉ 30 tỉ đồng.

Theo như kế hoạch xây mới thì phải tốn chi phí khoảng 170 tỉ đồng. Ở đây, chúng tôi không bàn về vấn đề tiền, vì nếu đúng và cần thiết thì tốn bao nhiêu cũng được - miễn là đừng có “chấm mút” nhưng nếu như kế hoạch của liên danh này là hợp lý vì giữ lại được hình dáng cầu cũ, không tốn hao ngân sách khi tình hình kinh tế khó khăn, không làm ùn tắc giao thông… thì chúng ta có ủng hộ không? Đứng về mặt bảo tồn những cây cầu truyền thống thì đây cũng là một đề xuất cần đặt lên bàn làm việc của Bí thư Đinh La Thăng và Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong. Mặt nào đó, quyết định này là của những người tiền nhiệm nhưng nếu xét thấy hợp lý mong rằng những người kế nhiệm có thể điều chỉnh sửa đổi sao cho hợp lòng dân cũng như… túi tiền của Nhà nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm