Cụ thể, Sở GTVT đề xuất phá dỡ cầu cũ để xây mới, có dịch chuyển tim cầu về hướng cầu Nhị Thiên Đường 2 (để không phải giải phóng mặt bằng) với kinh phí khoảng 138 tỉ đồng.
Như Pháp Luật TP.HCM phản ánh, một số người dân am hiểu về giá trị kiến trúc, lịch sử của cầu Nhị Thiên Đường 1 đã tỏ ra luyến tiếc khi có đề xuất phá bỏ cầu này. Họ cho rằng cầu này là “nhân chứng” cho một giai đoạn lịch sử hình thành và phát triển TP. Sau khi báo đăng, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín đã giao Sở GTVT làm việc với Công ty Freyssinet Việt Nam (gọi là Công ty Freyssinet) để nghiên cứu kỹ và đề xuất phương án khả thi, hiệu quả.
Ngày 5-10, Sở GTVT cho biết Sở đã làm việc với Công ty Freyssinet và công ty này đề xuất phương án khôi phục, nâng cấp cầu Nhị Thiên Đường 1. Công ty Freyssinet đề nghị bổ sung cọc khoan nhồi để gia cường nền móng cầu cũ; nâng cao tĩnh không; mở rộng mặt cầu này cho bằng cầu Nhị Thiên Đường 2… Khi đó, tuổi thọ cầu này kéo dài thêm 100 năm nữa và vô tư cho xe tải nặng chở đúng tải (tải trọng khai thác HL-93) qua lại. Tuy vậy, Sở GTVT cho rằng phương án vừa nêu có một số điểm chưa rõ ràng, như Công ty Freyssinet chưa chứng minh được sau khi sửa chữa sẽ khai thác cầu thêm 100 năm. “Cầu Nhị Thiên Đường 1 đã khai thác được 90 năm (xây từ năm 1925) và nay đã xuống cấp trầm trọng. Khi nâng tĩnh không thì cầu có độ dốc vượt quy chuẩn cho phép nên sẽ không đảm bảo an toàn. Đặc biệt, việc nâng tải trọng cầu từ 1,5 tấn lên HL-93 tiềm ẩn nhiều rủi ro so với việc nâng cao tải trọng mà TP đã thực hiện như cầu Tân Thuận 1 (từ 25 tấn lên 30 tấn), cầu Bình Phước 1 (từ 13 tấn lên 30 tấn) và cầu Bình Triệu 1 (từ 16 tấn lên 30 tấn)” - Sở GTVT nhận xét.
Từ đó, Sở GTVT tiếp tục đề xuất xây mới (kinh phí khoảng 163 tỉ đồng) có kiểu dáng, kết cấu tương tự cầu Nhị Thiên Đường 2. Để bảo tồn kiến trúc, giá trị cầu cũ, Sở GTVT cũng đề nghị Sở QH-KT chủ trì xem xét, có ý kiến về thiết kế một số hạng mục lan can, khôi phục kiểu dáng kiến trúc cột đèn chiếu sáng và các yếu tố khác có liên quan đến kiến trúc cũ.
G.NGHĨA