Ngày 6-7, phiên thảo luận của kỳ họp thứ 6, HĐND TP.HCM khoá X ghi nhận ý kiến của nhiều đại biểu (ĐB) về vấn đề biên chế, tình hình thực hiện nghị quyết 54 tại TP.HCM.
Lo cán bộ tiếp tục nghỉ việc
ĐB Hoàng Thị Tố Nga cho rằng, việc giảm biên chế gây áp lực lớn cho các cán bộ ở phường đông dân.
Cụ thể, có phường hơn 170.000 dân nhưng khi thực hiện nghị định 34, số biên chế giảm từ 60 xuống còn 35 người.
Bà nói: "Lượng cán bộ, công chức giống như các địa phương khác, nhưng phải hoàn thành khối lượng công việc quá lớn. Như vậy là không công bằng, gây áp lực cho cán bộ". Chính điều này tạo ra gánh nặng quá lớn, khiến nhiều cán bộ, công chức xã, phường xin nghỉ.
ĐB Nga cho rằng trong tổng kết Nghị quyết 54, TP cần tiếp tục kiến nghị chế độ động viên cho cán bộ, công chức ở cơ sở.
ĐB Huỳnh Khắc Điệp, Bí thư quận Bình Tân nói, TP gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nghị quyết chính quyền đô thị.
ĐB Huỳnh Khắc Điệp, Bí thư quận Bình Tân kiến nghị cần tăng biên chế cho các xã, phường đông dân tại TP. Ảnh: THU HẰNG |
Trước đây, mỗi phường, xã có khoảng 53 cán bộ, nhân viên nhưng khi thực hiện nghị định 34 về tinh giản biên chế, con số này chỉ còn 37. Sau đó, TP lại thực hiện chính quyền đô thị theo nghị định 33, số cán bộ, công chức tiếp tục giảm còn 35 người vì quy định bỏ chức danh Phó chủ tịch HĐND và Chủ tịch hội nông dân.
ĐB Điệp kiến nghị cần tăng biên chế theo nguyên tắc phường, xã trên 50.000 người được xem là đông dân, và cứ thêm 10.000 dân sẽ được bổ sung một biên chế.
Phương án thứ hai, ĐB Điệp cho rằng, nếu không tăng được theo phương án trên, TP cần xin Trung ương phân tổng biên chế để tự tổ chức, phân bổ dựa vào đặc thù địa phương.
Thông tin tới các đại biểu, ông Lâm Hùng Tấn, Phó giám đốc Sở Nội vụ cho biết Sở này đang xây dựng dự thảo đề xuất Trung ương cho TP bổ sung tối đa ba biên chế cho các phường, xã nhiều dân. TP cũng đang tiến hành rà soát về tính hợp lý trong sử dụng biên chế để đảm bảo việc sử dụng hợp lý, hiệu quả.
Phó chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng thông tin tại phiên thảo luận, khi Đoàn công tác của Quốc hội làm việc với TP cũng đặt vấn đề về tinh giản biên chế. TP đã đề nghị các đại biểu Quốc hội thâm nhập để hiểu rõ hơn bản chất, khối lượng công việc của thành phố, so với lực lượng công chức, viên chức đang thực hiện.
Về vấn đề dư 5.700 biên chế, bà Thắng cho rằng TP chưa thể giải thích để Trung ương hiểu về khó khăn trong công việc. Sắp tới, TP sẽ báo cáo chính xác thực trạng và công việc để Trung ương hiểu. Từ đó, TP sẽ xác định rõ các đơn vị dôi dư, bộ máy cồng kềnh để mạnh dạn xử lý.
TP cần một nghị quyết mới thay thế nghị quyết 54
Báo cáo tại kỳ họp cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng cho biết, một số nội dung triển khai nghị quyết 54 còn chậm so với kế hoạch dự kiến. Nguyên nhân là do có ý kiến khác nhau giữa các bộ ngành cùng một số vấn đề mới, phức tạp.
Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng nói TP cần nghị quyết thay thế nghị quyết 54. Ảnh: THU HẰNG |
Trong hai năm đầu từ khi Nghị quyết 54 có hiệu lực (2018-2019), TP đã triển khai thực hiện rất quyết liệt nhưng chủ yếu chỉ là công tác chuẩn bị; kỳ vọng các chính sách sẽ được phát huy trong những năm tiếp theo. Nhưng đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình hình kinh tế - xã hội của TP.
Dù TP đã có các bước chuẩn bị cho việc ban hành các loại phí, lệ phí hoặc tăng mức thuế hoặc thuế suất nhưng buộc phải dừng việc xem xét các đề xuất. Bởi, thời điểm dịch bùng phát, TP phải thực hiện song song nhiệm vụ chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng nói, dù thực hiện nghị quyết 54 nhưng cơ chế tài chính chưa được phát huy như mong đợi.
Cụ thể, TP chưa có đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư hạ tầng ngày càng gia tăng. Hơn 4 năm qua, không phát sinh khoản thu tiền sử dụng đất khi bán các tài sản công của các đơn vị Trung ương ở TP. Do đó, TP chưa được hưởng 50% khoản tiền này để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của TP.
Việc bán tài sản công chưa thực hiện được, trong đó có nguyên nhân các Bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc Trung ương chưa chủ động phối hợp thực hiện. Việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất (trong đó có phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất) phụ thuộc vào việc kê khai, lập phương án xử lý của các Bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước…
TP cũng chưa có nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp các năm trước gặp vướng mắc từ việc thiếu quy định hướng dẫn về phương án sử dụng đất của doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Do đó, TP chưa có cơ sở để thực hiện phê duyệt phương án sử dụng đất doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình thực hiện cổ phần hóa…
Cùng đó, việc chi trả thu nhập tăng thêm căn cứ vào số ngày làm việc thực tế của cán bộ, công chức, viên chức khi triển khai còn một số khó khăn, vướng mắc do thời gian làm việc theo quy định riêng của mỗi ngành, lĩnh vực là khác nhau.
Đồng thời, việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đòi hỏi sự thận trọng trong xây dựng cơ chế tổ chức thực hiện nên thời gian xây dựng quy trình cần nhiều thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.
UBND TP nhận thấy cần thiết phải có một nghị quyết mới thay thế nghị quyết 54 để tạo điều kiện cho TP khơi thông nguồn lực phát triển trong giai đoạn tới.
UBND TP kiến nghị nên tích hợp tất cả cơ chế, chính sách mà TP cần Trung ương hỗ trợ để phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của cả nước trong nghị quyết mới.
Trong buổi giám sát của HĐND TP.HCM về thực hiện Nghị quyết 54 của UBND TP ngày 10-5, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ lưu ý TP cần kế thừa những điểm sáng trong Nghị quyết 54 và bổ sung một số nội dung mới, tránh lặp lại những khó khăn như trong thời gian vừa qua.
Cần chỉ rõ nguyên nhân khiến chỉ số CCHC tụt hạng
Trong phiên thảo luận cùng ngày, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ đưa ra góc nhìn cá nhân về chỉ số CCHC của TP.
Bà nhìn nhận vấn đề từ góc độ quản trị của TP trong tình hình mới; những bất cập về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và phân bố dân cư, nhà ở việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, y tế, giáo dục cũng như giao thông, môi trường sống.
“Đây là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, liên thông cơ sở dữ liệu trong hoạt động vận hành, tạo sự đồng bộ trong việc quản trị của TP; nhu cầu đổi mới về công tác quản trị tạo ra động lực mới cho tăng trưởng của TP trong tương lai cần được xem xét, có giải pháp, kế hoạch, lộ trình cụ thể”- bà Nguyễn Thị Lệ nói.
Bà cho rằng, ban chỉ đạo CCHC cần rà soát những rào cản, đánh giá những yếu tố tác động đến các chỉ số thành phần, làm cho kết quả chỉ số CCHC không đạt được như kỳ vọng. Từ đó có giải pháp tháo gỡ cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị sở, ngành để có tập trung thực hiện thành công chính quyền đô thị tại TP.HCM.
Phía UBND TP.HCM cho biết thời gian tới sẽ rà soát, tập trung triển khai kế hoạch cải cách hành chính TP.HCM năm 2022; xây dựng giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đi đôi với công tác khuyến khích, bảo vệ cán bộ, công chức làm đúng, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo.